“Bây giờ nhiều người Khmer gọi Kampong Som là Kampong “Chen”. Đi đâu và chuyện gì ở bến cảng này cũng thấy Trung Quốc”, Sa Ruol nói nhẹ tênh, không biết anh đang vui hay buồn?

Có một Kampong 'Chen' ở Campuchia

Nguyễn Chánh Trực | 17/03/2018, 12:16

“Bây giờ nhiều người Khmer gọi Kampong Som là Kampong “Chen”. Đi đâu và chuyện gì ở bến cảng này cũng thấy Trung Quốc”, Sa Ruol nói nhẹ tênh, không biết anh đang vui hay buồn?

Campuchia là xứ sở lạ lùng với Angkor và rất nhiều đền đài kỳ bí. Là Bokor (núi Tà Lơn) huyền thoại và những bãi tắm đẹp như mơ của các đảo ở Sihanouk. Là đất nước duy nhất không có các trạm thu phí giao thông, người dân Khmer khắp năm châu được miễn vé tham quan các di sản thế giới của Campuchia. Nhiều lĩnh vực, Campuchia qua mặt Việt Nam như làm du lịch, năng lực cạnh tranh quốc tế… Trước đây, Camuchia có 17 tỉnh và 4 thành phố là Phnom Penh, Kep, Sihanouk, Pailin. Nay chỉ còn thủ đô Phnom Penh là thành phố. Tuy nhiên người dân cứ quen gọi là Sihanoukville (ville là thành phố, theo tiếng Pháp). Trước năm 1960, thì Sihanouk được gọi là Kampong Som, cảng biển duy nhất của Campuchia.

Theo tiếng Khmer, Kampong có nghĩa là bến. Nhiều tỉnh Campuchia có tên là bến như Kampong Cham (người Chăm), Kampong Thom (lớn), Kampong Chhhnang (cái nồi), Kampong Spu (trái khế), Kampong Som (Ta Som – ông Som, tên riêng)… Tất cả đều là bến sông, chỉ Kampong Som là bến cảng. Tự dưng gần đây, xuất hiện thêm từ Kampong “Chen” như một tỉnh mới. Danh xưng này gần giống với “Chan” là hoa thị, quốc hoa của Campuchia, tiếng Khmer cổ gọi là Rumduol. Romduol là tên loại gạo ngon nhất Campuchia và cả thế giới. Chen cũng là người Hoa theo cách gọi dân dã của người Khmer, giống như Duol là người Việt vậy. Cách đây 20 năm, khi những đoàn khách Việt đến tham quan Angkor thì thường bị hiểu nhầm là “Chen tằng o” (toàn Trung Quốc).

Đầu tháng 10.2017, tôi nghe anh Trần Đức Khanh, giám đốc Caravan Angkor Tour nói với mấy doanh nghiệp Việt Nam trong quán cà phê ở Sài Gòn “Tết này (Tết Việt Nam) mà kiếm được một phòng đàng hoàng ở Sihanouk thì tôi đi bằng tay”. Thấy người nghe xoe mắt, anh từ tốn “Trung Quốc họ mua toàn bộ phòng các khách sạn, từ Siêm Reap, Phnom Penh đến Sihanouk rồi đẩy giá lên và ưu tiên cho khách của họ”. Tiến sĩ Chandara, Chánh Thanh tra Bộ Du lịch Campuchia cũng thừa nhận như vậy. Tôi nửa tin, nửa ngờ, vì còn hơn 3 tháng nữa mới tết. Anh Nguyễn Văn Mỹ ở Lửa Việt Tours, chuyên gia về tour Campuchia thì ngán ngẩm: “Trước đây, chúng tôi cam kết tour Campuchia: Ăn ngon - Suốt năm không tăng giá - Không hài lòng hoàn lại tiền, nhưng bây giờ hết dám. Từ năm năm nay, khi khách Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào Campuchia thì giá tăng, dịch vụ kém vì thường xuyên quá tải, nhất là các dịp tết, lễ.”. Theo tìm hiểu riêng, khách Trung Quốc vào Campuchia thường do các đầu nậu Trung Quốc khép kín. Từ khách sạn, nhà hàng, các điểm mua sắm, giải trí và cả hướng dẫn viên.

Các nhà hàng,khách sạn đều có bảng hiệu chữ Trung Quốc

Tết rồi, đi phượt Sihanouk, thấy quá nhiều thay đổi. Khách sạn mới mọc lên như nấm, cái nào cũng có casino, chữ Trung Quốc, cạnh chữ Khmer. Vào mấy siêu thị shopping, bảng hiệu thì tiếng Khmer nhưng vào bên trong, toàn hàng Tàu. Cả nhân viên và quản lý cũng Tàu nốt. Mấy ngày la cà ở Sihanouk, thấy chỗ nào cũng Tàu. Từ xe tuk tuk, quán xá cho đến cửa hiệu, khách sạn, sòng bài đều Tàu tất. Sihanouk là nơi có nhiều sòng bài nhất ở Campuchia và hơn 80% là của người Trung Quốc đầu tư. Có người nói vui “Cứ đà này, vài năm nữa khỏi cần đi Trung Quốc. Sihanouk lúc đó sẽ là Trung Quốc thu nhỏ”. Anh Sa Ruol, lái xe bán tải cải tiến thành tuk tuk, thổ địa Sihanouk, đưa tôi đi khảo khắp nơi. Anh chỉ cho tôi các khách sạn mới mà Trung Quốc đang nồ ạt xây dựng. Anh bảo “Họ làm ngày làm đêm, có khách sạn tổ chảng mà chỉ mấy tháng là xong”. Các siêu thị của chủ Trung Quốc chỉ bán hàng Tàu. Hàng Việt, hàng Thái hay hàng Tây đều không có cửa.

Trò chuyện với nhiều người buôn bán lẻ và những người dân, họ đều xác nhận tương tự. Họ cũng chưa biết nên mừng hay lo. Người Trung Quốc đầu tư ồ ạt, thuê đất tới 99 năm, toàn những khu đất vàng. Mặt tích cực là tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế phát triển và kéo du khách đến, nhất là người Trung Quốc. Mặt tiêu cực là giá cả tiêu dùng và dịch vụ tăng vọt, kiếm tiền dễ hơn nhưng tiêu xài tốn kém và khó hơn. Nhiều việc chỉ dành cho người Trung Quốc nhập cư nên người Khmer cũng chẳng được lợi lộc gì. Khách Trung Quốc vào đông thì khách châu Âu, khách Mỹ giảm bớt. Được thứ này thì mất thứ khác.

“Bây giờ nhiều người Khmer gọi Kampong Som là Kampong “Chen”. Đi đâu và chuyện gì ở bến cảng này cũng thấy Trung Quốc”. Sa Ruol nói nhẹ tênh, không biết anh đang vui hay buồn?

Nguyễn Chánh Trực
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai
10 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có một Kampong 'Chen' ở Campuchia