Brugge đôi khi được mệnh danh là "Venice phương Bắc" - cụm từ được dành cho một số thành phố của châu Âu (điển hình là Amsterdam - Hà Lan hay Stockholm - Thụy Điển), bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt như Venice, tập trung ở vùng phía bắc của thành phố này.

Có một ‘Venice phương Bắc’ đẹp ngỡ ngàng ở vương quốc Bỉ

Dan viet | 01/07/2017, 12:35

Brugge đôi khi được mệnh danh là "Venice phương Bắc" - cụm từ được dành cho một số thành phố của châu Âu (điển hình là Amsterdam - Hà Lan hay Stockholm - Thụy Điển), bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt như Venice, tập trung ở vùng phía bắc của thành phố này.

Brugge (tiếng Pháp: Bruges) là thành phố lớn nhất, thủ phủ của tỉnh Tây Vlaanderen, thuộc vùng nói tiếng Hà Lan, và là thành phố có nhiều người làm việc thứ ba, sau Antwerpen và Gent của Vương quốc Bỉ.

Về lịch sử, cái tên Brugge xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 9 - thời điểm mà thành phố chỉ là một phần của hệ thống phòng thủ chống lại sự xâm lược của người Bắc Âu.

Ở gần biển Bắc, Brugge phát triển và trở thành một thành phố cảng thương mại và giao lưu nhộn nhịp. Với tiềm năng tài chính hùng mạnh, Brugge thịnh vượng nhất từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 15. Sau thế kỷ 15, nhiều biến cố lịch sử đã xảy ra thay đổi diện mạo của Brugge. Khi người Tây Ban Nha tìm ra châu Mỹ và nền kinh tế châu Âu hướng sang các lục địa khác, Brugge đánh mất vị trí trung tâm thương mại và suy yếu dần, rồi chìm vào quên lãng.

Nhiều người đã rời bỏ thành phố để tìm đến vùng đất mới. Những năm 1900, cả thành phố chỉ còn khoảng 50.000 người, giảm hơn 1/3 so với dân số trước đó. Cuối thế kỷ 19, Brugge đã có cú "lội ngược dòng" ngoạn mục do biết tận dụng quá khứ vàng son để biến nơi này trở thành một trong những địa điểm du lịch được yêu thích nhất châu Âu.

Sau bao thăng trầm của lịch sử, Brugge hiện nay có diện tích 13.840 hecta, gồm 1.075 hecta bờ biển tại Zeebrugge. Thành phố có tổng dân số khoảng 120 nghìn người, trong đó có trên 20 nghìn người sống ở khu vực trung tâm lịch sử.

Thành phố Brugge nổi tiếng chủ yếu vì đó là thành phố lịch sử có nhiều vết tích văn hoá và kiến trúc thời Trung cổ, được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới từ năm 2000. Trong các công trình thời Trung cổ ở đây có Giáo đường Đức Mẹ cao 122m - một công trình kiến trúc gây ấn tượng mạnh; tượng Madonna và con trai - một trong những kiệt tác điêu khắc của thế giới, công trình điêu khắc duy nhất của Michelangelo khi rời khỏi nước Ý.

Ngoài ra, thành phố còn có các công trình nổi bật khác như Tòa tháp chuông Le Befftroi cao 83m, gồm 47 chuông lớn nặng gần 27 tấn, đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới; Nhà thờ Máu thiêng Heilig-Bloedbasiliek, được xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp giữa Gothic và Roman và cũng là một thánh tích - một lọ máu được cho là máu của Chúa; giáo đường Saint-Salvator, Groeningemuseum, tòa thị chính Brugge…

Brugge có hai nhà hát quan trọng nhất là Concertgebouw (được xây nhân việc Brugge là thủ đô văn hoá châu Âu, có 1.300 chỗ ngồi) và Stadsschouwburg (có 700 chỗ ngồi) và nhiều nhà hát nhỏ. Ngoài kiến trúc và cảnh đẹp hơn cả tranh vẽ, Brugge còn nổi tiếng với những bảo tàng có một không hai trên thế giới.

Frietmuseum - bảo tàng khoai tây là nơi trưng bày toàn bộ lịch sử, từ nguồn gốc của khoai tây với khoai tây chiên đầu tiên. Du khách có thể xem một bộ sưu tập thú vị về các loại máy được sử dụng cho trồng trọt, thu hoạch, lột, phân loại và làm khoai tây chiên. Bất cứ nơi đâu du khách cũng có thể bắt gặp người Bỉ vừa đi vừa bốc khoai tây chiên ăn trên đường, đó là món ăn khoái khẩu của họ.

Nếu chocolate là biểu tượng của tình yêu thì chắc chắn Brugge được coi là thánh địa ngọt ngào nhất thế giới. Bởi đây chính là trung tâm chocolate của Bỉ - đất nước nổi danh toàn cầu với thứ kẹo ngậy, béo làm từ bột cacao. Choco story - tên của bảo tàng chocolate - là bảo tàng nổi tiếng nhất, thu hút nhiều người ghé thăm nhất trong số rất nhiều bảo tàng tại Brugge.

Bảo tàng Kim cương Brugge nằm ở phía tây bắc thành phố, là một trong năm bảo tàng kim cương của thế giới - cũng là nơi đáng để ghé qua. Nó giới thiệu về vai trò của đá quý trong lịch sử của Brugge đồng thời cung cấp thông tin quan trọng và thú vị về kim cương.

Hàng năm ở thành phố Brugge có nhiều lễ hội, gồm lễ hội âm nhạc, văn hoá, ăn uống… Lễ hội quan trọng và thường xuyên nhất là lễ hội Airbag (âm nhạc phong cầm, hai năm một lần), lễ hội âm nhạc cổ điển hiện tại Ars Musica, lễ hội âm nhạc blues Blues in Brugge…

Thành phố Brugge có nhiều công viên, như công viên Minnewater, Arentshof… Ở ngoại ô còn có Boudewijn Seapark, là khu vực giải trí gồm ao nuôi cá heo và sư tử biển. Brugge có một số thư viện, tạp chí và đài phát thanh riêng. Rảo quanh thành phố, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy khá nhiều tòa nhà được trang trí bằng vô số họa tiết điêu khắc tỉ mỉ và có những bức tượng mạ vàng nho nhỏ ở đỉnh.

Ở trung tâm, nhà cửa mang tông màu trắng xen kẽ màu gạch đỏ được xây dựng từ hàng trăm năm trước. Hầu hết các ngôi nhà này đều là những hàng quán nhỏ với những biển gỗ đen được viết chữ khá cầu kỳ. Hàng quán la liệt sản phẩm thủ công truyền thống, nổi tiếng nhất là tranh thêu, hoặc đăng ten, những miếng nam châm với hình ảnh của thành phố.

Những cỗ xe ngựa đưa khách rong ruổi trên khắp các ngả đường, ngắm nhìn các toà nhà, đặc biệt là vô số các nhà thờ lớn nhỏ với bề ngoài cổ kính, mới thấy Brugge đẹp thế nào! Tản bộ dọc hai bên bờ con kênh xanh vừa hưởng không khí trong lành, du khách có thể chiêm ngưỡng một không gian đẹp như trong tranh vẽ, với những ngôi nhà đổ bóng xuống dòng kênh với mái nhà chóp nhọn, những hàng cây rủ xanh mướt mát, dường như chỉ xuất hiện trong... các truyện cổ tích của nhà văn Hans Christian Andersen.

Năm 2002, Brugge được định danh là một "Thủ đô Văn hoá châu Âu" - cơ hội để tạo ra lợi nhuận về kinh tế, văn hóa, xã hội…, đồng thời giúp nâng cao và quảng bá hình ảnh thành phố trên bình diện quốc tế. Ấn tượng để lại về thành phố này trong khoảng chừng 2 triệu khách du lịch hàng năm chính là con người nơi đây biết nâng niu, giữ gìn vẻ đẹp của quá khứ, của những gì trường tồn cùng thời gian. Và ai từng đến thăm Brugge chắc chắn sẽ muốn quay lại trong thời gian gần nhất.

Theo Dân Việt
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có một ‘Venice phương Bắc’ đẹp ngỡ ngàng ở vương quốc Bỉ