Số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 đã tăng mạnh, hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện công ty tư vấn JLL nhận định, điều này đang khiến thị trường khách sạn Việt Nam trở nên vô cùng hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Du khách quốc tế tăng mạnh, khách sạn kín chỗ

Kim Vân | 30/06/2017, 14:59

Số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 đã tăng mạnh, hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện công ty tư vấn JLL nhận định, điều này đang khiến thị trường khách sạn Việt Nam trở nên vô cùng hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Ông Frank Sorgiovanni, Giám đốc nghiên cứu thị trường, bộ phận Tư vấn Khách sạn JLL khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD), cho biết, mức tăng này vẫn chủ yếu đến từ nguồn khách du lịch Trung Quốc, tăng hơn 50% so với năm ngoái, nhưng kèm theo đó là lượng du khách Nga đang có chiều hướng hồi phục. Thời điểm tháng 4 năm nay, khách du lịch Nga đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ.

Bên cạnh nguồn khách chủ yếu đến từ châu Á, khách châu Âu cũng đến Việt Nam nhiều hơn do đang được hưởng chính sách miễn visa ngắn hạn. Mặc dù nhóm khách này chiếm chưa đến 15% tổng số du khách quốc tế đến Việt Nam, theo JLL, nhưng họ lại là nhóm chi tiêu cao, lưu lại nhiều ngày hơn (từ 7 - 10 ngày) so với khách châu Á (chỉ từ 3 - 4 ngày).

Nếu xét về điểm đến thì khách đoàn tham dự hội nghị, hội thảo chủ yếu đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, trong khi khách du lịch cá nhân thì chọn TP.HCM và khu vực phía Nam.

Giải thích về sự gia tăng lượng khách quốc tế nửa đầu năm nay, ông Frank Sorgiovanni cho biết nguyên nhân thứ nhất là cơ sở hạ tầng tại Việt Nam đang được đầu tư mạnh mẽ. Việc đầu tư bao gồm 2.000km đường cao tốc mới, hệ thống tàu điện ngầm tại Hà Nội và TP.HCM, cùng nhiều dự án mở rộng và xây dựng sân bay. Các hãng hàng không cũng tích cực áp dụng các chính sách khuyến mãi và cải thiện đội bay của họ.

Lý do kế tiếp là các điểm du lịch tại Việt Nam giờ đây đã cải thiện đáng kể dịch vụ, mang đến cho du khách nhiều hoạt động giải trí, tham quan hơn. Cuối cùng, không còn bó hẹp ở những điểm đến quen thuộc như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, du khách giờ đây còn có những lựa chọn đa dạng khác như Quy Nhơn, Sầm Sơn, Quảng Bình, v.v...

Ông Adam Bury, Phó chủ tịch cấp cao Bộ phận Đầu tư, Tư vấn Khách sạn JLL khu vực CA-TBD nhận định: "Việt Nam đang cố gắng thay đổi hình ảnh về một đất nước được cho là chỉ nên đển một lần với những đặc trưng thiên nhiên, ẩm thực. Các hoạt động giải trí cho du khách quốc tế như golf, casino… đang thu hút du khách quay trở lại và có xu hướng ở lại dài ngày hơn. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng giúp tiếp cận nhiều điểm du lịch mới”.

Nguồn khách du lịch tăng mạnh đã đưa TP.HCM và Hà Nội lọt top 3 thị trường có hoạt động khách sạn sôi động nhất tại Đông Nam Á, chỉ sau Bali (Indonesia). Tuy nhiên, nếu như nguồn cung khách sạn tại Bali đang dư thừa thì tại hai đô thị của Việt Nam, tỷlệ cung cầu đang cân bằng. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động của ngành khách sạn đang khởi sắc.

Sự tăng trưởng của lượng khách du lịch đang đưa mục tiêu 20 triệu du khách/năm vào năm 2020 của Tổng Cục Du lịch trở nên gần hơn. Điều này cũng thu hút các nhà đầu tư quốc tế quan tâm nhiều hơn đến thị trường khách sạn Việt Nam.

Ông Frank Sorgiovanni cho biết: "Trong 24 tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến một lượng lớn khách sạn với thương hiệu quốc tế được mở tại Việt Nam và cho rằng tới đây sẽ có sự đa dạng hóa các công ty quản lý khách sạn và thương hiệu trong thị trường". Ông cũng nhận định, hiện nay, các thương hiệu khách sạn trong nước vẫn đang dẫn đầu thị trường, đặc biệt là phân khúc du khách tầm trung. Nhiều thương hiệu trong nước đang xây dựng và phát triển thành các chuỗi trên toàn quốc với tốc độ nhanh”.

Ông Adam Bury kết luận: "Ngành công nghiệp khách sạn tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Chúng tôi đang theo dõi sát sao nhu cầu cư trú tại các khách sạn ở TP.HCM và Hà Nội, vì nhiều doanh nghiệpđa quốc gia đã vào Việt Nam, kéo theo sự luân chuyển một lượng lớn chuyên gia tạm trú ngắn và dài hạn từ các thị trường châu Á khác”.

Kim Vân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du khách quốc tế tăng mạnh, khách sạn kín chỗ