Bài viết này không chủ trương phân biệt tạp chí khoa học trong nước với ngoài nước, mà chỉ phân biệt tạp chí được thế giới đánh giá cao hay thấp.

Có nên bỏ yêu cầu công bố khoa học trên tạp chí trong danh mục ISI/SCOPUS?

Lê Học Lãnh Vân | 11/05/2022, 17:00

Bài viết này không chủ trương phân biệt tạp chí khoa học trong nước với ngoài nước, mà chỉ phân biệt tạp chí được thế giới đánh giá cao hay thấp.

1.Trình độ của tờ báo khoa học trong nước so với tờ báo trong danh mục ISI/SCOPUS cách biệt như thế nào?

Bài viết này không chủ trương phân biệt tạp chí khoa học trong nước với ngoài nước, mà chỉ phân biệt tạp chí được thế giới đánh giá cao hay thấp (hiện nay có thể dùng tiêu chuẩn trong hay ngoài danh mục ISI/SCOPUS). Do cách dùng từ hiện nay, chúng ta tạm hiểu rằng tạp chí trong nước là tạp chí xuất bản trong nước và không trong danh mục ISI/SCOPUS.

2.Nhận xét của bài viết này là các tạp chí khoa học trong nước còn khoảng cách rất xa so với tạp chí trong danh mục ISI/SCOPUS. Tại sao có nhận xét đó?

Chỉ xin xét trên hai tiêu chuẩn dưới đây:

- Một tạp chí trong danh mục ISI/SCOPUS có các thành viên ban biên tập (Editors) thường là nhà khoa học lừng danh thế giới trong ngành học của mình, là trưởng khoa tại các trường danh tiếng trong vòng 200 trường xếp hạng cao nhất thế giới, từ Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ, Nhật… Trình độ ban biên tập quyết định trình độ tạp chí khoa học. Ban biên tập tạp chí khoa học trong nước gồm những ai? So với trình độ ban biên tập của những tờ báo trong danh mục ISI/SCOPUS, ban biên tập của tạp chí trong nước nằm ở mức độ nào?

- Trình độ của một tờ báo khoa học trong danh mục ISI/SCOPUS được đánh giá theo mức đo số các bài báo của tờ báo được trích dẫn làm tài liệu tham khảo trong các công bố khoa học. Người ta có thể đo số lần trích dẫn các bài báo được đăng trong cùng năm, số lần trích dẫn những bài báo được in trong vòng hai năm trước, năm năm trước…

Tờ báo khoa học nào có số trích dẫn cao được đánh giá cao hơn. Thường con số trích dẫn ở mức hàng ngàn, hàng chục ngàn… Một tờ báo trong nước được bao nhiêu trích dẫn?

phanbiet.png
Có nên bỏ yêu cầu công bố khoa học trên tạp chí trong danh mục ISI/SCOPUS?

3.Có nên bỏ điều kiện người hướng dẫn và nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế nằm trong danh mục ISI/SCOPUS?

Một tạp chí khoa học trong danh mục ISI/SCOPUS có trình độ cao nên bài công bố khoa học phải có chất lượng cao mới được nhận đăng. Có phải vì yêu cầu công bố như thế quá khó cho nghiên cứu sinh Việt Nam cho nên ông Vũ Minh Giang nhận xét rằng khi quy định “phải có công bố quốc tế nằm trong danh mục ISI/SCOPUS, hầu hết cơ sở đào tạo tiến sĩ lâm vào tình trạng khó khăn, có ngành không có nghiên cứu sinh nào ứng thí”? Trong khi có cùng quan sát như ông Vũ Minh Giang, tôi lại nghĩ vậy thì cần cải tiến chất lượng tổ chức, đào tạo cơ sở trong nước. Nếu người trong nước không đủ sức làm điều đó thì hợp tác quốc tế, mời giáo sư giỏi về làm việc để sau một thời gian nâng tầm Việt Nam lên. Cớ sao cứ nuông chiều cái “tình trạng khó khăn” của cơ sở tong nước mãi vậy?

Bài viết này cho rằng cần giữ điều kiện “phải có công bố quốc tế nằm trong danh mục ISI/SCOPUS” vì các lý do sau:

- Cái khó của việc được các tạp chí khoa học trong danh mục ISI/SCOPUS nhận đăng bài chính là một điều kiện của tiêu chuẩn. Không nên hạ tiêu chuẩn thì không nên bỏ điều kiện công bố quốc tế như thế!

Theo phân tích ở phần (1), trình độ tạp chí khoa học trong nước còn ở mức chưa cao nên yêu cầu chất lượng bài công bố không cao. Việc công bố trên những tạp chí này do đó không thể là điều kiện kiểm chuẩn trình độ nghiên cứu sinh, trái lại là cánh cửa dễ dãi để nhiều nghiên cứu sinh không đủ trình độ mà vẫn khoác áo thụng tiến sĩ gây hại về sau!

Bài viết xin minh định những tạp chí trong nước rất có ích, là nơi công bố các nghiên cứu tại chỗ, nơi các sinh viên thực tập nghiên cứu với cán bộ hướng dẫn. Những tạp chí này được sự đóng góp của đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà khoa học có trình độ sẽ dần dần có uy tín và được xếp trong danh mục ISI/SCOPUS, lúc đó công bố trên tạp chí này sẽ là một tiêu chuẩn trình luận án. Còn bây giờ chưa được!

Năm 2021, trong một bài viết trên VnExpress, GS. TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội kêu gọi “Chúng ta phải có sự tự tin với nền khoa học của Việt Nam”. Xin thưa, tôi chưa có sự tự tin của ông. Nhưng tôi rất tin vào năng lực của người Việt rằng chịu khó học tập, làm việc trong tiêu chuẩn quốc tế, người Việt sẽ đứng ngang hàng với thế giới. Nền khoa học Việt Nam sẽ dần phát triển theo hướng đó, như Hàn Quốc vậy. Hạ chuẩn đào tạo, trong hoàn cảnh hiện nay, chỉ khiến người ít năng lực, ít chí khí chiếm mảnh bằng cao gây xáo trộn hệ thống các giá trị trí thức và từ đó bao nhiêu là tệ nạn xã hội sẽ tiếp theo.

- Công bố khoa học trên tạp chí nằm trong danh mục ISI/SCOPUS là một sự rèn luyện, cọ xát nâng cao trình độ nghiên cứu sinh. Nó cho nghiên cứu sinh sự tự tin hơn, nó tạo môi trường cho nghiên cứu sinh tiếp xúc với các nhà khoa học nước khác, dần dần tự nâng trình độ và đẳng cấp mình sánh với người. Người tiến sĩ Việt Nam phải bước ra thế giới, tạo mối quan hệ khoa học bình đẳng với giới khoa học quốc tế để mở cánh cửa khoa học cho thế hệ sau. Người tiến sĩ Việt Nam lẽ nào cứ quẩn quanh nơi xó bếp, lên mặt vì miếng thịt giữa làng mà khi nói tới chuyên môn thì co đầu rụt cổ?

- Ông Vũ Minh Giang “đánh giá rất cao những điều chỉnh mới trong quy chế đào tạo tiến sĩ… quy định các bài công bố tại các tạp chí trong nước theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước đạt từ 0,75 điểm trở lên”.

Tác giả bài viết đặt một câu hỏi thẳng thắn: “Đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước đạt từ 0,75 điểm trở lên” có tin cậy không? Đã có không ít điều tiếng về chuẩn giáo sư, về cách tổ chức phong giáo sư. Lại cũng có không ít điều tiếng về những Hội đồng Đánh giá luận án Tiến sĩ. Làm sao quản lý được sự trung thực, quản lý được sự giữ gìn chuẩn mực về hoạt động và trình độ ở mức độ đào tạo cao cấp này? Nếu không quản lý được, sao lại đòi bỏ một điều kiện kiểm chuẩn khách quan là “công bố quốc tế trên tạp chí khoa học nằm trong danh mục ISI/SCOPUS”?

Ông Vũ Minh Giang cũng nói “Quy chế đào tạo tiến sĩ [mới] sẽ xóa bỏ nạn thuê viết bài báo quốc tế”. Chỉ việc thuê viết bài báo quốc tế mà còn không quản lý nổi, sao nghĩ rằng có thể quản lý việc cấp bằng tiến sĩ bừa bãi, việc phong giáo sư khiến giới khoa học không đồng tình? Nghĩ tới chuyện lớn là nên biết sợ nguy cơ lớn cho cộng đồng.

Tóm lại, bài viết cho rằng không nên bỏ điều kiện “công bố quốc tế trên tạp chí khoa học nằm trong danh mục ISI/SCOPUS” trong việc tổ chức để bảo vệ luận án tiến sĩ. Bỏ điều kiện đó đồng nghĩa với kéo thấp hơn nữa trình độ tiến sĩ được đào tạo trong nước. Điều này dẫn tới các hệ luỵ không chỉ trong chuyên môn khoa học mà rất có thể cả trong đạo đức xã hội. Ở một xứ sính bằng cấp như Việt Nam, việc tạo ra một tầng lớp tiến sĩ trình độ ảo e sẽ để nguy cơ lâu dài.

Bài liên quan
Trường ĐH Nam Cần Thơ khánh thành Viện Khoa học sức khỏe DNC 750 tỉ đồng
Ngày 18.1, Trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC) tổ chức lễ khánh thành Viện Khoa học sức khỏe DNC và kỷ niệm 12 năm thành lập trường (25.1.2013 – 25.1.2025).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có nên bỏ yêu cầu công bố khoa học trên tạp chí trong danh mục ISI/SCOPUS?