Sáng 18.3, tại TP.HCM, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc năm 2024 nhằm tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thông tin, năm 2023 Hội Nhà báo Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt hiệu quả cao trong công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức hội từ Trung ương đến cơ sở. Tổ chức hội được xây dựng ngày càng vững mạnh về tổ chức, chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra giám sát và kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp của hội viên, người làm báo.
Các cấp hội từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Cùng với đó, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp hội, đặc biệt ở các cơ quan báo chí thuộc diện sắp xếp chuyển đổi theo quy hoạch quản lý và phát triển báo chí...
Nhiều cấp hội có những mô hình, cách làm đổi mới sáng tạo trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Bên cạnh những kết quả, Hội Nhà báo Việt Nam cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế để khắc phục trong thời gian tới.
Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị hội nghị tập trung đánh giá khách quan những kết quả đã đạt được trong năm 2023 và rà soát việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội 11 Hội Nhà báo Việt Nam đã đề ra.
Trong đó, hội nghị nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế; xác định rõ các nguyên nhân; đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động báo chí và hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hội nghị nêu rõ những khó khăn, thách thức từ thực tiễn hoạt động báo chí, hoạt động của Hội hiện nay, nhất là các cơ quan báo chí và Hội Nhà báo các cấp trong việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian qua; đồng thời, ông cũng đề nghị các cấp hội và các nhà báo, hội viên tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước; các vấn đề thời sự, phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, khách quan, chân thực có tính chiến đấu cao, giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc. Mỗi tác phẩm báo chí phải là một thông điệp thuyết phục, tác động vào cả trí óc và trái tim công chúng, từ đó định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, nhà nước, vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan báo chí tiếp tục triển khai các mô hình, cách làm mới, hiện đại như tòa soạn số và phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của nhà báo, đồng thời nghiên cứu các giải pháp hạn chế những bất cập, nguy cơ khiến ngành báo chí truyền thông bị ảnh hưởng tiêu cực bởi trí tuệ nhân tạo (AI), các công cụ số và các yếu tố kỹ thuật công nghệ... Ông Nghĩa tin tưởng các cơ quan báo chí sẽ vượt qua những thách thức bằng quyết tâm, đổi mới sáng tạo qua thực tiễn.
“Năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí cần tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền báo chí truyền thống cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn; tăng cường quản lý, định hướng hoạt động của các cơ quan quản lý báo chí; tập trung đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác tuyên truyền. Hội Nhà báo Việt Nam cũng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam trong năm 2025”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị.