“Ý tưởng trao giải cho báo chí lĩnh vực khoa học trong Giải báo chí quốc gia là vấn đề đáng xem xét, nghiên cứu”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo giới trước thềm Hội Báo toàn quốc 2024, ông Nguyễn Đức Lợi - Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Hội Báo toàn quốc 2024 đã nhận được câu hỏi liên quan đến việc Hội Nhà báo Việt Nam có ý định tổ chức riêng cho giải báo chí liên quan lĩnh vực khoa học.
Ông Nguyễn Đức Lợi đánh giá đây là một ý tưởng tốt nhưng cần phải cân nhắc thêm dựa trên điều kiện cụ thể. Trưởng ban tổ chức Hội Báo toàn quốc 2024 cho biết: “Trên thực tế, chúng ta đã có một giải thưởng do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hằng năm. Tuy nhiên, ý tưởng trao giải cho báo chí lĩnh vực khoa học trong Giải báo chí quốc gia cũng là vấn đề đáng xem xét, nghiên cứu”.
Theo Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ngay cả ý tưởng tách việc trao giải giữa báo và tạp chí trong Giải báo chí quốc gia cũng là vấn đề mà hội đang lưu tâm nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Về vai trò của báo chí trong lĩnh vực khoa học của Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Đức Lợi đánh giá: “Chúng ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên thông tin về khoa học công nghệ càng vô cùng quan trọng. Trên thực tế, chúng ta hiện đang có đội ngũ những người làm báo về khoa học công nghệ khá đông đảo, chất lượng và đã khẳng định được vai trò của mình trong làng báo nói chung. Với tầm quan trọng của lĩnh vực khoa học và sự quan tâm của chính quyền thì khối báo chí khoa học công nghệ sẽ tiếp tục có những bước tiến trong thời gian tới”.
Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng chỉ ra rằng các tạp chí phải thực hiện theo tôn chỉ mục đích, đẩy mạnh tính chuyên sâu trong nội dung của mình. Với các tạp chí khoa học thì phải tăng hàm lượng chất xám trong mỗi bài viết.
Được biết, cơ cấu Giải báo chí quốc gia lần thứ 18 năm 2023 gồm 11 nhóm giải và giải đặc biệt, giải phụ do Hội đồng giải xem xét, quyết định, gồm: Báo in có 3 nhóm giải (tin, bài phản ánh, phỏng vấn; xã luận, bình luận, chuyên luận; phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép); phát thanh có 2 nhóm giải (tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm chuyên đề, phát thanh tổng hợp; phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký); truyền hình có 3 nhóm giải (tin, phóng sự, ký sự; bình luận, giao lưu, tọa đàm; phim tài liệu truyền hình); báo điện tử có 2 nhóm giải (tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến; phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép); ảnh báo chí có 1 nhóm giải (ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh); giải đặc biệt và giải phụ do Hội đồng giải xem xét, quyết định tùy tình hình thực tế.
Công dân Việt Nam có tác phẩm báo chí được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử...) do Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép đều có quyền gửi tác phẩm tham dự giải. Tuy nhiên, các tác phẩm gửi tham dự giải không vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và luật khác.
Hội đồng giải nhận tác phẩm được đăng tải trên các đài, báo trong thời gian từ ngày 1.1.2023 đến 31.12.2023. Những tác phẩm được sử dụng trong thời gian trên đã được trao giải ở các cuộc thi khác vẫn được quyền dự Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18 năm 2023, nhưng cần ghi rõ thông tin về cuộc thi, đơn vị tổ chức và mức giải.
Các tác phẩm gửi tham dự Giải báo chí quốc gia lần thứ 18 năm 2023 phải thông qua việc tuyển chọn ở hội đồng giải cấp cơ sở do hội nhà báo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các liên chi hội, chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương tuyển chọn theo số lượng do Hội đồng Giải báo chí quốc gia lần thứ 18 năm 2023 quy định. Mỗi tác giả hoặc mỗi nhóm tác giả chỉ được lựa chọn gửi 1 tác phẩm dự giải và mỗi tác giả chỉ được đứng tên ở 1 tác phẩm (tác giả là người quay phim được đứng tên tối đa ở 3 tác phẩm).