Việc thay thế xăng khoáng RON 92 bằng E5 đang được thực hiện từ từ theo lộ trình và tiến đến mục tiêu thay thế hoàn toàn vào thời điểm thích hợp, dự kiến khoảng tháng 6.2017.
Đây là lộ trình được Bộ Công Thương đưa ra từ trước và đang nỗ lực thực hiện. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh E5 hiện đang gấp rút tiến hành rà soát tình hình thực hiện lộ trình, kiến nghị giải pháp cũng như khắc phục khó khăn trong thời gian tới.
Chất lượng xăng E5 tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh khi cung cấp sản phẩm ra thị trường đều được tiến hành các thủ tục đánh giá hợp quy chất lượng sản phẩm. Theo các kết quả kiểm tra chất lượng của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), chất lượng xăng E5 đều đảm bảo theo quy định. Cho đến nay, theo báo cáo của các địa phương và các đầu mối kinh doanh xăng dầu thì chưa có bất kỳ khiếu nại nào của người tiêu dùng về chất lượng xăng E5.
Hiện nay, việc cung cấp ethanol nhiên liệu để phối trộn lượng xăng sinh học E5 trên chủ yếu từ 2 Nhà máy Nhiên liệu sinh học của Công ty TNHH Tùng Lâm với tổng công suất 150.000 tấn/năm (1 nhà máy công suất 50.000 tấn/năm; 1 nhà máy công suất 100.000 tấn/năm) đủ để phối trộn trên 3 triệu tấn xăng sinh học E5/năm.
Việc thay thế xăng khoáng RON 92 bằng E5 cần được thực hiện từ từ theo lộ trình, tiến đến thay thế hoàn toàn vào thời điểm thích hợp (tháng 6.2017). Để đạt được mục tiêu đưa xăng E5 ra thị trường thay thế dần dần xăng khoáng A92, Bộ Công Thương đề nghị:
Các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng cần tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại: Thông báo số 173 ngày 24.4.2014; Chỉ thị số 23, Thông báo số 19 ngày 22.1.2015 và Thông báo số 19 ngày 19.1.2016.
Tiếp tục giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện tính giá cơ sở xăng E5, E10 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 90 ngày 24.6.2016 giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 39 ngày 29.10.2014 giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định 83 ngày 3.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu
Tiếp tục hướng dẫn việc quản lý, trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Khoản a Mục 2 Chỉ thị số 23 ngày 31.8.2015 của Thủ tướng Chính phủ và đúng quy định tại Khoản b Điều 40 Nghị định số 83 ngày 3.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu xây dựng và đẩy mạnh công tác truyền thông về nhiên liệu sinh học.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu đảm bảo nguồn cung ethanol E100 triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 31.8.2015 của Thủ tướng Chính phủ; mở rộng thêm trạm phối trộn xăng E5 trên địa bàn khu vực miền Bắc và các địa phương khác.
Từ ngày 1.6 vừa qua, theo lộtrình, tất cả các điểm bán xăng dầu tại 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ và Bà Rịa – Vũng Tàu đã phải triển khai bán xăng E5 và thay thế hoàn toàn xăng RON 92. Các tỉnh, thành khác, có 50% số lượng cửa hàng trên địa bàn bán xăng E5. Tuy nhiên, hiện có quá nhiều bất cập trong sản xuất, tiêu thụ xăng E5 dẫn đến mục tiêu này khó đạt được.
Trên thực tế, hiện nay lượng tiêu thụ của xăng E5 vẫn còn hạn chế. Trước hết là do tâm lý e dè của người dân và về cơ bản, số trạm xăng bán E5 còn ít. Mức giá của loại xăng mới này chưa đủ sức hấp dẫn để khiến cho người dân quyết định thay đổi thói quen tiêu dùng.
Theo các chuyên gia trong ngành, để xăng E5 có thể phát triển bền vững trên thị trường, Nhà nước cần phải có chính sách về giá, thuế, phí (miễn 100% phí xăng dầu, miễn thuế môi trường, áp dụng thuế suất VAT 0% đối với ethanol), chi phí kinh doanh xăng E5 phải bảo đảm được lợi ích cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, các nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học phải hoạt động, bảo đảm nguồn cung ứng ra thị trường, tránh tình trạng bị gián đoạn, độc quyền dẫn đến giá không cạnh tranh.
Tuyết Nhung