Có một thực tế đầy nhức nhối được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo, đó là trong khi thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 thì Việt Nam vẫn chưa khởi động xong công nghiệp hỗ trợ của riêng mình.

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Những câu hỏi nhức nhối

Nhàn Đàm | 28/11/2016, 11:21

Có một thực tế đầy nhức nhối được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo, đó là trong khi thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 thì Việt Nam vẫn chưa khởi động xong công nghiệp hỗ trợ của riêng mình.

Một sự kiện quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam vừa diễn ra nhưng dường như tiếp tục không nhận được sự chú ý và quan tâm đúng tầm mức, đó là hội thảo “Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT)” diễn ra tại TP.HCM ngày 25.11 vừa qua. Sở dĩ quan trọng là vì mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ việc dựa vào nhân lực giá rẻ và tài nguyên theo chiều rộng sang mô hình phát triển theo chiều sâu mà Chính phủ đã đặt ra phải dựa vào nền tảng cốt lõi là sự phát triển của ngành CNHT.

Bấy lâu nay Việt Nam vẫn quan niệm CNHT là việc sản xuất ra được linh kiện thiết bị phục vụ cho quá trình lắp ráp các sản phẩm (phần lớn là của các doanh nghiệp FDI), nhưng trên thực tế ngành này có ảnh hưởng mang tính bao trùm lên nền kinh tế và các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt như dệt may, ô tô, điện thoại, máy tính… Nhưng dù quan trọng như vậy, thì có một thực tế đầy nhức nhối, đó là trong khi thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 thì Việt Nam vẫn chưa khởi động xong CNHT (theo The Saigon Times).

Một câu nói đã trở thành nổi tiếng khi đề cập đến thực trạng yếu kém của ngành CNHT của Việt Nam, đó là Việt Nam hiện không đủ khả năng làm được bu-lông, ốc vít - vốn là các linh kiện đơn giản và cơ bản nhất trong bất cứ một ngành và lĩnh vực có sử dụng thiết bị máy móc nào. Dĩ nhiên câu nói trên có một phần sự phóng đại trong đó, nhưng hẳn cũng không ít người biết câu chuyện tập đoàn Samsung sau khi xây dựng 2 nhà máy sản xuất điện thoại trị giá tỉ đô của mình tại Việt Nam, thì số doanh nghiệp nội địa giữ vai trò cung ứng cho 2 nhà máy này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn các doanh nghiệp này chỉcung ứng về các sản phẩm bao bì, còn các linh kiện thiết bị cần thiết để lắp ráp sản phẩm của Samsung đều được nhập khẩu hoặc được các doanh nghiệp FDI theo Samsung vào Việt Nam cung cấp.

Câu nói nổi tiếng kể trên không chỉ đề cập đến thực trạng yếu kém của ngành CNHT Việt Nam hiện nay, mà nó còn chỉ ra nguyên nhân của sự yếu kém đó. Từ lâu nay chúng ta vẫn quan niệm CNHT là lĩnh vực sản xuất ra các linh kiện phục vụ các ngành công nghiệp khác, từ những thứ đơn giản như bu-lông, ốc vít cho đến các dây chuyền sản xuất. Nói cách khác là một lĩnh vực tốn nhiều tiền đầu tư mà lại không thu lợi được ngay, trong khi có thể dễ dàng giải quyết bằng cách nhập khẩu linh kiện thiết bị từ nước ngoài. Chính cách tiếp cận này đã đem lại những hệ lụy nguy hiểm mà giờ đây nó mới bắt đầu lộ ra sau một thời gian dài tích tụ.

Trước hết nó buộc kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc nặng nề hơn vào nhập khẩu. Tỷ lệ nhập khẩu các linh kiện thiết bị máy móc hiện chiếm một phần lớn trong tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam hàng năm. Những con số thống kê trong 10 tháng đầu năm nay cũng chỉ rõ thực tế này: chẳng hạn như 2 nước chiếm 47% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là Trung Quốc (40,24 tỉ USD) và Hàn Quốc (26 tỉ USD), thì các sản phẩm linh kiện thiết bị máy móc chiếm đa số. Một nước chiếm tỷ trọng khá lớn trong xuất khẩu vào Việt Nam cũng tương tự, khi nước này đạt mức 6,9 tỉ USD xuất khẩu vào Việt Nam 10 tháng đầu năm, trong đó ngành ô tô và điện gia dụng chiếm vị trí dẫn đầu (theo CafeF).

Hệ lụy thứ hai, thậm chí nghiêm trọng hơn, là nó khiến rất nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam trì trệ và suy yếu hơn nhiều so với khả năng thực sự. Theo số liệu thống kê của Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), thì năng lực đáp ứng của ngành CNHT cho các ngành sản xuất trong nước hiện rất thấp. Trừ lĩnh vực linh kiện phụ tùng cho ngành cơ khí chế tạo và xe máy (CNHT đáp ứng được khoảng 85-90%), còn thì hầu hết đều rất thấp: 10-15% với ngành ô tô, 30-35% với ngành điện tử gia dụng, 15% với các ngành điện tử khác, 50% với ngành da giày, 45% với ngành dệt may,… (theo The Saigon Times).

Khi nền kinh tế Việt Nam chủ yếu nhắm đến mục tiêu lấy gia công làm chủ đạo, thì các bất lợi nghiêm trọng của việc dựa dẫm vào linh kiện thiết bị máy móc nhập khẩu chưa thực sự lộ rõ, do chúng ta chỉ cần các linh kiện và dây chuyền công nghệ đơn giản (thậm chí lạc hậu) với giá thành phải chăng. Nhưng khi Việt Nam muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu, thì đây là một nhược điểm chí mạng. Những linh kiện và dây chuyền công nghệ hiện đại và phức tạp cần thiết để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao đều có giá thành rất cao chưa kể chi phí nhập khẩu, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngành dệt may chính là một điển hình cho thực trạng nguy hiểm trên. Hiện Việt Nam đang nằm trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may toàn cầu có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, năm 2015 chúng ta đạt 27 tỉ USD. Tuy nhiên, vị trí của Việt Nam trong ngành công nghiệp này trên thế giới lại rất thấp, do chúng ta chủ yếu giữ vai trò gia công. Và ở thời điểm hiện tại, cơ hội để dệt may Việt Nam thay đổi thứ hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu là gần như rất thấp. Hầu hết các hậu quả nghiêm trọng do sự què quặt của ngành CNHT gây ra đều thể hiện rất rõ ở ngành dệt may Việt Nam hiện nay.

Trước hết là phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt 27 tỉ USD thì nhập khẩu cũng đã lên tới 16,5 tỉ USD. Hơn 70% sợi sản xuất là đến từ nhập khẩu, vải nhập khẩu chiếm tới trên 80% tổng nhu cầu. Điều tương tự cũng diễn ra trong khía cạnh dây chuyền công nghệ. Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), số doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ cao chỉ chiếm 15-20%, công nghệ trung bình chiếm 60-70%, còn lại là công nghệ thấp. Có tới 20-30% dây chuyền sản xuất là công nghệ của những năm 1990, công nghệ những năm 2000 chiếm 55-65% và chỉ có 10-15% dây chuyền sản xuất là thế hệ sau năm 2005 (theo CafeF).

Theo các chuyên gia kinh tế, chính việc ngành CNHT quá yếu kém là nguyên nhân khiến cho kinh tế Việt Nam không thể đuổi kịp các nền kinh tế trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan, điển hình là Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Sebastian Eckardt. Và giờ đây Việt Nam mới tính đến chuyện phát triển CNHT là quá trễ, khi mà thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Không khó để nhận ra một thực tế rằng, nếu không thể nhanh chóng phát triển CNHT, kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng bị phần còn lại của thế giới bỏ xa hơn trước khi rơi vào tụt hậu hoàn toàn.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết tại Đồng Nai
36 phút trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Những câu hỏi nhức nhối