Tại hội nghị của Hội Nội tiết Mỹ ở Boston, các nhà khoa học đã khẳng định có thể tiên đoán sự béo phì ngay từ khi trẻ mới 6 tháng tuổi.
Các chuyên gia ở bệnh viện nhi Cincinnati đã theo dõi vài nhóm trẻ có cân nặng bình thường, béo phì cũng như những trẻ quá béo và đã phát hiện thấy chỉ số khối cơ thể của trẻ ở độ tuổi 6, 12 hay 18 tháng nếu cao hơn 85% thì đã có nguy cơ sớm béo phì. Những đứa trẻ này có khuynh hướng béo ổn định và mắc hội chứng chuyển hóa trong suốt cuộc đời.
Trước đây các bác sĩ nhi không khuyến cáo xác định chỉ số khối cơ thể của trẻ dưới 2 tuổi, nhưng hiện nay các chuyên gia lại khuyên nên sớm phát hiện trẻ trong nhóm nguy cơ và đưa ra lời khuyên duy trì lối sống lành mạnh cho trẻ với các bậc phụ huynh.
Hiện các nhà khoa học đã đưa ra những cảnh báo không lấy gì làm sáng sủa. Theo ước tính, nếu không có những biện pháp phòng ngừa thì đến năm 2025 sẽ có 268 triệu trẻ ở độ tuổi 5-17 bị thừa cân, 12 triệu trẻ bị rối loạn dung nạp glucose, 4 triệu trẻ bị tiểu đường thể II, 27 triệu trẻ bị cao huyết áp, 38 triệu trẻ bị gan nhiễm mỡ. Các nhà khoa học ở Đại học Vanderbilt, Mỹ, tin rằng nâng cao nhận thức có thể giúp trẻ em tránh bị béo phì.
Cũng liên quan đến béo phì ở trẻ, các nhà nghiên cứu ở Đại học hoàng gia London lại bác bỏ quan niệm lâu nay cho rằng ăn tối muộn gây béo phì. Theo UPI, qua phân tích các dữ liệu của 1.600 trẻ ở độ tuổi 4-18, các nhà khoa học nhận thấy trẻ ăn từ 8 đến 10 giờ tối không gặp nguy cơ béo phì hơn trẻ ăn từ 2 giờ chiều đến 8 giờ tối. Thực ra, vấn đề là ở chỗ có rất ít trẻ ăn tối sau 8 giờ. Vì thế họ có kế hoạch nghiên cứu những yếu tố khác có liên quan đến tình trạng thừa cân ở trẻ như bữa sáng và chế độ ngủ…
Vũ Trung Hương