Chùa Từ Hiếu, TP.Huế là nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia năm lên 16 tuổi, và đây cũng là nơi Thiền sư viên tịch vào ngày 22.1.2022 ở tuổi 95.

Cổ tự Từ Hiếu, nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia và viên tịch

Minh An | 23/01/2022, 12:43

Chùa Từ Hiếu, TP.Huế là nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia năm lên 16 tuổi, và đây cũng là nơi Thiền sư viên tịch vào ngày 22.1.2022 ở tuổi 95.

Chùa Từ Hiếu hay Tổ đình Từ Hiếu, là tên một ngôi chùa ở thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây được xem là một trong những ngôi chùa Huế lớn nhất xây từ thời nhà Nguyễn có kiến trúc rất độc đáo, khác biệt. Cổ tự cũng là một danh lam có tính văn hoá và lịch sử của cố đô Huế.

giacngophaphanh.jpg
Cổ tự Từ Hiếu - Ảnh: Phan Hạnh/Giác Ngộ

Chùa Từ Hiếu ban đầu chỉ là một Thảo Am do tổ sư Nhất Định lập nên sau một thời gian ông chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ già tại đây. Tương truyền, thời xưa khi mẹ của tổ sư Nhất Định bị ốm nặng, ông thường xuyên chống gậy vượt đèo dốc để bắt cá, mua thịt về bồi dưỡng cho mẹ. Người thường nhìn thấy vậy liền kỳ thị, cho rằng tu hành mà lại ăn mặn nhưng ông đều bỏ ngoài tai. Cho tới khi vua Tự Đức biết chuyện, phái hẳn người xuống điều tra thì rất cảm động trước câu chuyện về tình mẫu tử nên năm 1848 đã cho mở rộng thành chùa Từ Hiếu mà ta thấy như ngày nay.

kientruc.jpg
Nét kiến trúc độc đáo của chùa Từ Hiếu - Ảnh: Internet

Cũng trong năm 1848, vua Tự Đức phong hiệu chùa là Từ Hiếu với ý nghĩa "Từ là đức lớn của Phật, nếu không Từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại. Hiếu là hạnh đầu của Phật, nếu không Hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời".

Trải qua thời gian, chánh điện của ngôi chùa đã nhiều lần trùng tu vào các năm 1885, 1894, 1962 và gần nhất là năm 2019.

truongthimay.jpg
Hàng năm, chùa thu hút rất đông du khách phương xa và các Phật tử đến đây

Ngoài yếu tố lịch sử, giá trị kiến trúc độc đáo, chùa Từ Hiếu còn nổi tiếng bởi nơi đây có lưu giữ phần mộ các quan thái giám triều Nguyễn. Tương truyền rằng, thời xưa thái giám Châu Phước Năng đã giúp đỡ thiền sư Nhất Định rất nhiều trong việc mở rộng chùa. Cảm động trước tấm lòng đó cũng như biết rằng sau khi về già, các thái giám trong triều đình thường không có nơi an dưỡng nên thiền sư Nhất Định đã kêu gọi các thái giám quyên góp mở rộng chùa Từ Hiếu để sau này về đây an dưỡng tuổi già.

Bên cạnh việc thờ tự, chùa từng đón những văn nhân chí sĩ như cụ Nguyễn Đăng Giai, Tôn Thất Hân, Nguyễn Thượng Hiền… đến đây luận đạo, đàm kinh, tham vấn lý thiền.

Điều đặc biệt, cổ tự nằm ẩn sâu trong một khu rừng thông rộng lớn. Vào các mùa, khung cảnh nơi đây đều khoác nét đẹp riêng. Tuy nhiên, vào tháng 7 âm lịch hàng năm, đặc biệt là lễ Vu Lan, có rất nhiều Phật tử trẻ đến thăm.

nghiatrangsauchua.jpg
Nghĩa trang các thái giám

Và đây cũng là ngôi chùa mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia năm 16 tuổi. Sau một khoảng thời gian sống ở nước ngoài, thầy Thích Nhật Hạnh đã về chùa Từ Hiếu vào năm 2018 và quyết định an dưỡng tại đây. Đến ngày 22.1.2022, cũng tại ngôi chùa này, ngài đã viên tịch.

thiensu.jpeg
Đây là nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia năm 16 tuổi và sau khi ở Thái Lan về vào 2018, ngài đã an dưỡng và viên tịch tại đây.

Từ hôm qua, hàng trăm phật tử là người dân Huế và người dân ngoại tỉnh đã đến khuôn viên cổ tự Từ Hiếu để dõi theo lễ tang của Thiền sư theo nghi thức tâm tang.

thiensu2.jpeg
Rất đông Phật đã đến chùa để theo dõi tang lễ Tâm tang của Thiền sư - Ảnh: Dân Trí

"Thiền sư Thích Nhất Hạnh là bậc thầy hướng dẫn tâm linh có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình" - thông tin từ Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng - tâm tang. Trong suốt thời gian đó, phật tử và người dân sẽ tâm niệm cúng dường để cho toàn bộ lễ tâm tang được diễn ra trong sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng theo di nguyện của Thiền sư.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ông Phan Đức Trung: 'Khung pháp lý cho tài sản ảo là bài toán khó'
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phù hợp vào thời điểm này là một bài toán khó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cổ tự Từ Hiếu, nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia và viên tịch