Trong khi cuộc đua tìm kiếm vắc xin COVID-19 vẫn đang rốt ráo, các chuyên gia đang dự báo hàng loạt rào cản mà thế giới cần vượt qua nếu muốn kết thúc đại dịch ngay cả khi có vắc xin hiệu quả.

Có vắc xin hiệu quả, đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt ngay vì nhiều trở ngại

20/09/2020, 23:00

Trong khi cuộc đua tìm kiếm vắc xin COVID-19 vẫn đang rốt ráo, các chuyên gia đang dự báo hàng loạt rào cản mà thế giới cần vượt qua nếu muốn kết thúc đại dịch ngay cả khi có vắc xin hiệu quả.

Ngay cả khi có vắc xin, thế giới vẫn còn một chặng đường dài để vượt qua đại dịch COVID-19

Nhớ về lần tổ chức chích ngừa đại trà ở Mỹ nhằm kiểm soát dịch cúm heo H1N1 vào tháng 4.2009, thời điểm kết thúc mùa cúm thông thường ở Mỹ, tiến sĩ Umair Shah, người đứng đầu Sở Y tế Hạt Harris, Texas, nói: “Thật sự thách thức vì chúng tôi phải mất nhiều tuần, nhiều tháng để không chỉ đưa ra quy định chích ngừa mà còn phải làm thế nào để chiến dịch an toàn và hiệu quả, nhưng đó là đại dịch nhẹ”.

COVID-19 không phải là đại dịch nhẹ. Trong khi các hãng làm vắc xin, chuyên gia y tế công cộng và chính quyền liên bang tin rằng sẽ có 1 hoặc nhiều vắc xin ngừa coronavirus ra mắt trong thời gian tới thì nước Mỹ và thế giới vẫn còn chặng đường dài để vượt qua đại dịch.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và các bệnh nhiễm trùng quốc gia Mỹ nói với hãng tin CNN: “Tôi lạc quan cẩn trọng rằng chúng ta sẽ có một vắc xin vào cuối năm nay, nhưng nó không phải là nút tắt và nút mở, mọi thứ phải từ từ”.

“Có vắc xin” không đồng nghĩa với việc “có một vắc xin được cho phép sử dụng, phân phối và đến được tay của hơn 300 triệu người Mỹ”, nhiều người tin như thế.

Đầu tiên là bất kỳ vắc xin nào cũng phải được FDA (Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm) Mỹ thông qua, quy trình bình thường mất vài tuần đến vài năm. Nhưng ngay cả khi FDA hứa phê duyệt nhanh để phù hợp tình huống khẩn cấp hiện nay, vắc xin cũng phải được VRBAC (Ủy ban tư vấn vắc xin và những sản phẩm sinh học liên quan) xem xét.

Nhiều khả năng FDA không thể buông lỏng mọi chuẩn mực. Tiến sĩ Mark McClellan và TS Scott Gottlieb, cả hai là nguyên giám đốc FDA, bình luận trên tờ The Wall Street Journal: “Khó có chuyện vắc xin COVID-19 được cấp phép đầy đủ và phân phối rộng rãi. Thay vào đó, FDA sẽ cho phép vắc xin sử dụng trên những đối tượng quan trọng có nguy cơ cao mắc bệnh. Điều đó có nghĩa ít nhất trong giai đoạn đầu vắc xin sẽ không tạo ra miễn dịch cộng đồng để dập tắt đại dịch”.

Miễn dịch cộng đồng phải cần thời gian, nhiều khả năng là năm tới, ngay cả khi có một vắc xin được phép sử dụng vào tháng 1. “Mọi người đừng bị ru ngủ bởi cảm giác an toàn giả tạo là sắp có vắc xin rồi”, tiến sĩ Marcus Plescia, chuyên gia cao cấp của Hiệp hội nhân viên y tế bản địa và liên bang Hoa Kỳ, nói.

Cũng cần nhớ, dù các hãng vắc xin đang nỗ lực làm ra nhiều liều vắc xin nhưng quá trình này cũng cần có thời gian. Chỉ tính riêng nước Mỹ cũng cần hơn 600 triệu liều để mỗi người chích 2 liều. Song, để thực hiện được chiến dịch chích ngừa đại trà chưa từng có trong lịch sử này, nước Mỹ cần một kế hoạch hậu cần chặt chẽ và tỉ mỉ.

Hiện tại, mỗi năm chỉ có một nửa dân số Mỹ chích ngừa cúm. Dù chỉ ở mức dưới 150 triệu liều, người ta cũng phải mất cả năm trời cho các khâu bào chế, sản xuất và phân phối. Đó là một vắc xin quá đỗi quen thuộc, còn vắc xin ngừa coronavirus lại hoàn toàn mới từ công nghệ sản xuất đến cả quá trình phân phối, điều hành và chi trả. Câu chuyện chẳng hề đơn giản.

Tiến sĩ Jinlene Chan, Phó bộ phận y tế công cộng bang Maryland nói: “Để mọi người chích 2 liều vắc xin COVID-19, bạn cần cung cấp liều đầu tiên và kêu họ quay lại một tháng sau để chích liều thứ hai. Có khả năng sẽ có nhiều hãng làm ra vắc xin trong năm tới, vì thế chúng ta phải bảo đảm chích liều thứ hai cùng loại vắc xin cho cùng một người đã chích liều thứ nhất”.

Đến nay chưa có chương trình chích ngừa nào xây dựng kế hoạch đáp ứng yêu cầu kiểu này. Đặc biệt hơn, vắc xin coronavirus vẫn sẽ ở dạng thử nghiệm nên mọi người chích liều đầu cần được theo dõi chặt để bảo đảm không có phản ứng phụ.

Một trở ngại tiềm tàng khá lớn trong chích ngừa coronavirus là dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin. Hai vắc xin tiềm năng cần phải bảo quản dưới 0 độ C. Trong khi vắc xin của Moderna cần bảo quản - 20 độ C, không cách xa nhiều với điều kiện tủ lạnh nhà bạn thì vắc xin của Pfizer phải được giữ đến – 70 độ C, thách thức không nhỏ.

Carlos del Rio, chuyên gia vắc xin của đại học Emory nói: “Phần lớn các phòng khám nước Mỹ chưa có tủ lạnh đạt nhiệt độ – 70 độ C”. Để vắc xin có thể đến được mọi người, trong bất kỳ nỗ lực chích ngừa đại trà nào người ta cũng phải bước ra khỏi phòng khám, bệnh viện và nhà thuốc tây. Vì thế, theo del Rio, việc bảo quản vắc xin đủ lạnh trong suốt quá trình di chuyển lại còn thách thức hơn nữa.

Có tin Pfizer sẽ chế tạo một chiếc hộp đặc biệt bảo quản vắc xin bằng đá khô và có thể giữ nó -20 độ C trong vòng 10 ngày, nhưng không rõ liệu có thể mở hộp ra để lấy vài liều và hộp vẫn còn an toàn hay không.

Một khó khăn cần giải quyết nữa là chích cho số đông người. COVID-19 là bệnh hô hấp và mọi người phải xếp hàng để chích ngừa hoặc phải tập trung càng nhiều người càng tốt trong một không gian đủ giải quyết. Chan nói: “Làm thế nào giảm được nguy cơ lây lan bệnh khi tập trung số đông như thế?”.

Có giải pháp chuyển đổi nhiều địa điểm thành bãi đậu xe, người ta chạy xe đến và sẽ được chích thông qua việc chìa tay qua kính. Để làm điều này, các địa phương sẽ rất bận rộn và cần nhiều đối tác tham gia giải quyết.

Trở ngại cuối cùng là liên quan đến sinh học. Ít nhất các vắc xin của Pfizer và Moderna sẽ cần chích hai liều cách nhau. Sau đó, phải cần khoảng 2 tuần để phát sinh miễn dịch. Như thế phải mất 6 tuần lễ từ khi những người đầu tiên chích ngừa cho đến khi họ cảm thấy an toàn không bị lây nhiễm.

Hiện tại, nhiều người Mỹ lại đang… sợ vắc xin, đặc biệt đây là một vắc xin mới và được ra đời trong thời điểm chính trị hóa mạnh mẽ.

Ngozi Ezike, Giám đốc bộ phận Y tế công cộng của bang Illinois nói: “Nhìn chung, người dân đang mất niềm tin vào chích ngừa và chính quyền”.

Cũng nên biết rằng, nếu dân số chích ngừa không nhiều, vi rút sẽ tiếp tục hoành hành. Phần lớn chuyên gia cho rằng cần 60 – 70% dân số chích ngừa thì mới đạt được miễn dịch cộng đồng để phá vỡ sự lây lan của vi rút. Thế nhưng, các cuộc thăm dò cho thấy hiện tại chỉ khoảng một nửa dân số Mỹ tin vào vắc xin.

Bình Yên (theo CNN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có vắc xin hiệu quả, đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt ngay vì nhiều trở ngại