Ngày 24.8 đã trở thành cột mốc lịch sử của Colombia. Chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos và tổ chức Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã ký kết thỏa thuận hòa bình sau 4 năm đàm phán, kết thúc hơn 5 thập niên xung đột đẫm máu làm hơn 220.000 người thiệt mạng.

Colombia tràn đầy hy vọng sau thỏa thuận hòa bình lịch sử

26/08/2016, 20:51

Ngày 24.8 đã trở thành cột mốc lịch sử của Colombia. Chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos và tổ chức Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã ký kết thỏa thuận hòa bình sau 4 năm đàm phán, kết thúc hơn 5 thập niên xung đột đẫm máu làm hơn 220.000 người thiệt mạng.

Trưởng đoàn đàm phán của FARC Ivan Marquez (trái) và trưởng đoàn đàm phán của hính phủ Colombia Humberto de la Calle (phải) bắt tay trước sự chứng kiến của Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez sau khi ký kết thỏa thuận hòa bình ngày 24.8.2016 - Ảnh: Reuters

Thỏa thuận hòa bình được ký kết tại La Habana (Cuba) với sự chứng kiến của đại diện hai nước bảo trợ đàm phán là Cuba và Na Uy cùng đại diện các bên quan sát gồm Venezuela, Chile, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Thỏa thuận hòa bình gồm 6 điểm: Phát triển nông thôn, FARC tham gia chính trường, ngừng bắn vĩnh viễn và giúp đỡ các tay súng FARC tái hòa nhập cộng đồng, cuộc chiến chống ma túy, bồi thường cho các nạn nhân xung đột, và giám sát thực hiện thỏa thuận.

Tiến trình đàm phán khởi đầu từ tháng 11.2012 đã trải qua nhiều thăng trầm trước khi đạt được kết quả vào ngày 24.8 vừa qua.

Trong cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 2.10 sắp tới, nếu có tối thiểu 13% cử tri Colombia (tương đương 4,4 triệu người) bỏ phiếu ủng hộ, thỏa thuận hòa bình sẽ được thực hiện.

Người dân Colombia vui mừng với thỏa thuận hòa bình lịch sử - Ảnh: AP

Những lợi ích mà thỏa thuận hòa bình đem lại

Lợi ích đầu tiên mà thỏa thuận hòa bình đem lại chính là giải quyết cuộc xung đột vũ trang đẫm máu đã gây tổn thất về người và của trong hơn nửa thế kỷ qua.

Theo số liệu thống kê của chính phủ Colombia, cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội chính phủ và FARC trong 52 năm qua đã làm hơn 220.000 người thiệt mạng và gần 7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi tản cư.

Trung tâm nghiên cứu xung đột CARC ghi nhận từ khi FARC đơn phương tuyên bố ngừng bắn vào tháng 7.2015, số vụ bạo lực liên quan đến lực lượng này đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử 52 năm xung đột giữa hai bên. Cụ thể, trong 13 tháng từ tháng 7.2015 đến tháng 8.2016, CARC chỉ ghi nhận 4 trường hợp tử vong có liên quan đến FARC. Trong 68 ngày trước ngày ký thỏa thuận 24.8, FARC không thực hiện vụ tấn công nào.

Tổ chức tư vấn quốc phòng IHS Jane đánh giá với thỏa thuận hòa bình vừa đạt được ở Colombia, số vụ bạo lực và số người thương vong cũng như các vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng (đường ống dẫn dầu, trụ điện, đường sá) sẽ tiếp tục giảm.

Ngoài ra, hòa bình sẽ giúp cải thiện hình ảnh quốc tế của Colombia, qua đó thúc đẩy kinh tế Colombia phát triển.

Báo Washington Post nhận xét trong thập niên qua, Colombia vốn đã là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Mỹ Latinh, tuy nhiên nhiều nhà kinh tế đánh giá kinh tế Colombia sẽ còn phát triển hơn nếu chính phủ không phải tốn quá nhiều nguồn lực cho xung đột vũ trang. Sai lầm sẽ được xóa bỏ bằng thỏa thuận hòa bình vừa ký kết.

Một phần quan trọng trong thỏa thuận hòa bình là kế hoạch phát triển nông thôn, nơi do quân FARC kiểm soát nên kinh tế không phát triển và không tiếp cận được với các chương trình xã hội, giáo dục, y tế của chính phủ. Chuyên gia Jason Marczak thuộc Trung tâm Mỹ Latinh Adrienne Arsht nhận định: “Hòa bình sẽ đưa các vùng nông thôn vốn từng bị giới hạn hòa nhập vào nền kinh tế lớn của Colombia”.

Mặc dù ước tính sẽ tốn hơn 40 tỉ USD để triển khai thỏa thuận hòa bình nhưng giới chức Colombia hy vọng với hình ảnh được cải thiện, đất nước sẽ chào đón làn sóng đầu tư mới mang lại lợi nhuận còn nhiều hơn số tiền bỏ ra cho thỏa thuận, theo nhận định của Washington Post.

Cuối cùng với thỏa thuận hòa bình, Colombia sẽ nhận được nhiều viện trợ hơn từ Mỹ. Trong 15 năm qua, Mỹ đã viện trợ khoảng 10 tỉ USD thông qua “Kế hoạch Colombia”, một chương trình hỗ trợ về quân sự và ngoại giao giúp chính phủ Colombia chống lại các băng đảng ma túy và quân nổi dậy, trong đó có FARC. Chương trình này đã được xem là một thành công về đối ngoại.

Với thỏa thuận hòa bình, Tổng thống Obama sẽ có thể tái khởi động chương trình này và gia tăng mức viện trợ trong năm 2017 từ 300 triệu USD lên 500 triệu USD. Một phần của khoản viện trợ sẽ được chi cho các chương trình loại bỏ bom mìn, trồng cây tại những vùng mà người dân Colombia bấy lâu nay trồng các loại bất hợp pháp như cây coca.

Cẩm Bình

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng phát lệnh khởi công mở rộng nhà ga T2 sân bay Nội Bài
Thủ tướng nêu rõ, việc mở rộng nhà ga T2 để bảo đảm đáp ứng kịp thời tình trạng quá tải cảng hàng không quốc tế Nội Bài là rất cần thiết, không thể chậm trễ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Colombia tràn đầy hy vọng sau thỏa thuận hòa bình lịch sử