Bắc Kinh đã thúc ép 3 nhóm dân tộc thiểu số ly khai của Myanmar tham gia đàm phán hòa bình tại Myanmar. Dù vậy, báo New York Times đánh giá “món quà” của Bắc Kinh dành cho bà Aung San Suu Kyi không đơn giản chỉ vì muốn giúp Myanmar đạt được hòa bình và ổn định.
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong 5 ngày của bà Aung San Suu Kyi kể từ ngày 17.8 đã mang lại một số hứa hẹn tốt đẹp cho tiến trình hòa bình tại Myanmar.
Do Bắc kinh gây sức ép, ba nhóm dân tộc thiểu số đang giao tranh với quân đội Myanmar tại khu vực biên giới Myanmar-Trung Quốc đã hứa sẽ tham gia hội nghị đàm phán hòa bình sắp được tổ chức tại thủ đô Naypyidaw vào cuối tháng 8 này.
Một trong những mục tiêu quan trọng của bà Suu Kyi kể từ khi tham chính tại Myanmar là chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 70 năm qua tại nước này.
Để thể hiện thiện chí đối với Myanmar, Bắc Kinh đã gửi “một món quà” tặng bà Suu Kyi nhân chuyến công du đến Trung Quốc của bà. Đó là một bức thư có chữ ký của ba nhóm phiến quân sắc tộc (thân Trung Quốc) thông báo sẽ tham gia hội nghị hòa bình do bà tổ chức.
Ngày 19.8, bà Suu Kyi phát biểu trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh: “Tôi tin rằng Trung Quốc với tư cách một nước láng giềng tốt sẽ làm mọi thứ có thể để giúp đẩy mạnh tiển trình hòa bình tại Myanmar. Điều quan trọng nhất đối với tôi đó là Myanmar đạt được hòa bình và đoàn kết dân tộc. Sẽ không thể phát triển bền vững nếu không có hòa bình”.
Dù vậy, báo New York Times nhận định động cơ phía sau “món quà” của Bắc Kinh không đơn giản chỉ vì muốn Myanmar đạt được hòa bình và ổn định trong nước.
Trung Quốc muốn cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ tại Myanmar
Sau nhiều năm xúi giục các nhóm sắc tộc tham chiến tại Myanmar, Trung Quốc hiện nay có nhiều lý do mong muốn cuộc chiến này chấm dứt.
Tuy tình trạng hỗn loạn tại vùng biên giới miền nam Trung Quốc giáp với Myanmar do nội chiến gây ra đã giúp cho các hoạt động mua bán trái phép cẩm thạch và gỗ lậu thu lợi hàng tỉ USD, giao thương hợp pháp giữa hai nước gần như không thể thực hiện được.
Một khi hòa bình được thiết lập tại Myanmar, Trung Quốc dự định sẽ xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt đi xuyên qua các tỉnh miền bắc Myanmar đến vịnh Bengal (Ấn Độ Dương).
Tuyến đường này cùng với hệ thống ống dẫn dầu và khí đốt được xây dựng gần đây sẽ giúp Trung Quốc có được “con đường tắt” để giao thương trực tiếp với các nước Trung Đông mà không cần phải thông qua Biển Đông.
Nhân chuyến thăm Trung Quốc của bà Suu Kyi, cuộc gặp ngày 19.8 giữa ông Kim Lập Quần, chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) với bà đã chứng tỏ mức độ quan tâm đặc biệt của Bắc Kinh đang dành cho Myanmar.
Tuyến ống dẫn dầu và khí đốt được Trung Quốc xây dựng xuyên qua Myanmar thông ra vịnh Bengal - Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là tác nhân duy nhất mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác và đầu tư mới với Myanmar trong thời kỳ chuyển đổi của quốc gia Đông Nam Á này. Cạnh tranh với Trung Quốc là Mỹ, nước đã có nhiều hỗ trợ cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ của bà Suu Kyi giành thắng lợi lớn trong tổng tuyển cử hồi tháng 11.2015.
Chuyến thăm Mỹ của bà Suu Kyi được dự kiến vào tháng 9 tới cho thấy Mỹ và Myanmar muốn đề cao vai trò chính phủ của Tổng thống Obama đã giúp Myanmar thoát khỏi chế độ toàn trị của quân đội để bắt đầu trở thành quốc gia dân chủ.
Trong thời gian gần đây tại Mỹ, tâm lý người dân phản đối chính sách giúp đỡ các quốc gia nhỏ dựng nước theo mô hình dân chủ ngày càng dâng cao. Từ đó Washington không thể trực tiếp đầu tư cho các dự án lớn tại nước ngoài mà phải thông qua các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới.
Việc này giúp cho Trung Quốc có nhiều lợi thế trong cạnh tranh với Mỹ để trở thành đối tác quan trọng trong các dự án phát triển tại Myanmar, quốc gia có vị trí chiến lược nằm giữa Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á và tiếp giáp với Ấn Độ Dương.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của bà Suu Kyi. Với tư cách là cố vấn quốc gia kiêm bộ trưởng Ngoại giao Myanmar, bà Suu Kyi đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ với cả Washington lẫn Bắc Kinh.
Bà Suu Kyi tiếp Tổng thống Obama tại nhà riêng ở Yangon (Rangoon cũ) ngày 14.11.2014 - Ảnh: The Guardian
Nhận xét về cục diện tay ba Myanmar-Trung Quốc-Mỹ, chuyên gia Hans W. Vriens thuộc Công ty cố vấn Vriens & Partners (Singapore) chuyên về tình hình Myanamar, nhận xét: “Đối với Trung Quốc, mọi hoạt động đối ngoại chỉ là các vụ đổi chác mà Bắc Kinh luôn muốn nắm đằng cán. Lần này có vẻ như Bắc Kinh đã mong đợi quá nhiều ở Myanmar. Việc bà Suu Kyi đang muốn tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc là quá rõ ràng, nhưng chắc chắn Myanmar sẽ không xa lánh Mỹ. Washington đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng dân chủ tại Myanmar và sẽ tiếp tục giữ vai trò này trong tương lai dưới thời của bà Suu Kyi”.
Hòa bình tại Myanmar sẽ giúp Mỹ có lợi
Việc Trung Quốc nhúng tay tham gia giải quyết nội chiến giữa vô số nhóm sắc tộc với quân đội chính phủ Myanmar không bị Mỹ lên tiếng phản đổi.
Theo phân tích của chuyên gia Hans W. Vriens, các nhóm sắc tộc có Trung Quốc chống lưng ngừng giao tranh tại biên giới Myanmar-Trung Quốc sẽ giúp cho các chương trình hỗ trợ và đầu tư do Mỹ và Nhật đang thực hiện tại nước này. Hiện nay, chính phủ Myanmar đang được các chuyên gia Nhật giúp đỡ về quy hoạch đô thị và giao thông đường bộ.
Ba nhóm phiến quân trước đây từng từ chối tham gia đàm phán hòa bình tại Myanmar vừa mới đổi ý gồm nhóm Kokang, Quân đội Arakan và Quân đội Giải phóng quốc gia Ta’ang. Ba nhóm này đều nhận được hỗ trợ từ Bắc Kinh.
Nhóm Kokang của người Hoa thiểu số đóng quân tại vùng biên giới phía nam Trung Quốc vào năm 2015 đã thu nhận hàng chục ngàn người chạy nạn trong lúc diễn ra giao tranh ác liệt giữa tổ chức này với quân chính phủ Myanmar.
Thủ lĩnh của nhóm Kokang là Peng Kiasheng mới đây đã tuyên bố tổ chức này chào đón sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi.
Với sự thúc ép của Trung Quốc, một nhóm phiến quân khác tại vùng biên giới Trung Quốc-Myanmar là Quân đội Thống nhất bang Wa, lực lượng phiến quân người dân tộc lớn nhất tại Myanmar đòi độc lập cho bang Wa, cũng cho biết sẽ tham gia hội nghị đàm phán hòa bình sẽ được tổ chức tại thủ đô Naypyidaw.
Bà Suu Kyi đánh giá Hội nghị đàm phán hòa bình ở Panglong vào cuối tháng 8 có ý nghĩa lớn giống như tiến trình đàm phán hòa bình trước đây tại Bắc Ireland. Đó là lý do bà học hỏi kinh nghiệm từ Jonathan Powell, nhà chính trị người Anh từng tham gia đàm phán trong tiến trình hòa giải với Bắc Ireland và từng giữ chức chánh văn phòng dưới thời cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.
Trao đổi với bà Suu Kyi hôm 18.8, Chủ tịch Tập Cân Bìnhcho biết Trung Quốc mong muốn đóng “vai trò xây dựng” trong tiến trình hòa bình tại Myanmar. Trước chuyến công du, bà Suu Kyi cũng hứa sẽ để cho Bắc Kinh giữ vai trò dàn xếp tại Hội nghị Panglong lần này.
Tuy nhiên, nhóm phiến quân Kachin, chủ yếu gồm người Công giáo, cảnh báo bà Suu Kyi không nên quá thân thiết với Bắc Kinh, theo lời của thủ lĩnh Sumlut Gun Maw, người đã từng gặp một số quan chức Mỹ vài năm trước. Sumlut Gun Maw nhận xét quan hệ khăng khít với Trung Quốc có thể sẽ đem lại nhiều hậu quả ngoài mong muốn.
Sumlut Gun Maw cũng cho rằng hai nhóm phiến quân Kokang và Quân đội Thống nhất bang Wa có mối liên hệ mật thiết với Trung Quốc và có thể sẽ đòi hỏi nhiều quyền lợi hơn nữa từ Bắc Kinh để đổi lấy việc tham gia vào tiến trình hòa bình Myanmar.
Huỳnh Hy (theo The New York Times)