Lãnh đạo Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, hiện còn hơn 100 cây cầu trên các tuyến đường thủy có độ tĩnh không không đảm bảo các thông số kỹ thuật cần thiết.

Còn cả trăm cây cầu đang... run rẩy sau vụ sập cầu Ghềnh

Một Thế Giới | 28/03/2016, 05:38

Lãnh đạo Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, hiện còn hơn 100 cây cầu trên các tuyến đường thủy có độ tĩnh không không đảm bảo các thông số kỹ thuật cần thiết.

Cầu bị đâm sập vì lái tàu "nhờn luật"
Chỉ trong tháng 3, trên toàn quốc đã xảy ra 3 vụ tàu, sà lan đâm va vào cầu đường thủy mang tính chất nghiêm trọng. Vụ đầu tiên xảy ra vào đêm 6.3 khi tàu Thành Luân 28 trọng tải 3.162 tấn chạy sai luồng vào khu vực sông Kinh Môn giới hạn tải trọng tối đa 600 tấn, sau đó đâm va vào cầu An Thái khiến cây cầu này bị hư hại nghiêm trọng. Tiếp đó, ngày 12.3, cầu bắc qua kênh Nhà Lê đoạn qua thôn Thuận Giang, xã Thuận Lộc (thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đã bị một tàu chở cát đâm sập. Cây cầu có chiều dài 38m, rộng 3m và có tải trọng 6 tấn.
Nghiêm trọng nhất là vụ cầu Ghềnh (Đồng Nai) bị tàu kéo sà lan đâm sập trụ, làm hai nhịp cầu rơi xuống sông. Vụ tai nạn đã làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc Nam. Chỉ tính riêng chi phí để dựng cầu đường sắt mới đã tốn gần 300 tỉ đồng. Ông Trần Văn Thọ - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam cho rằng các vụ tai nạn kể trên là đáng báo động đối với an toàn giao thông đường thủy. “Theo ghi nhận, các vụ tàu, sà lan đâm va vào cầu đường thủy thời gian qua đều do ý thức hoặc trình độ của người lái tàu. Bởi hiện trường các vụ việc đều có đầy đủ hệ thống báo hiệu, kết cấu hạ tầng cũng còn tốt" - ông Thọ nói. Như trong vụ tàu Thành Luân 28 đâm sập dầm cầu An Thái, lái tàu đã điều khiển tàu đi sai luồng lạch. Cụ thể là đưa tàu có tải trọng hơn 3.000 tấn đi vào luồng dành cho tàu có tải trọng dưới 1.000 tấn, khi nước lên đã khiến tàu đâm vào dầm cầu. Còn trong vụ tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh, người lái tàu đã giao tàu lại cho 2 người không có bằng cấp điều khiển, gây ra vụ tai nạn vô cùng nghiêm trọng.
Hàng trăm cầu lo bị tàu đâm sập
"Trước mắt, chúng tôi đề nghị làm trụ chống va cho những cầu có nguy cơ xảy ra tai nạn như một giải pháp tạm thời. Như trong vụ cầu Ghềnh nếu có trụ chống va sẽ giảm thiểu được thiệt hại. Một số cầu như cầu Long Biên cũng đã được làm trụ chống va rồi".
Ông Trần Văn Thọ
Ông Trần Văn Thọ cho hay: "Theo thống kê sơ bộ của Cục Đường thủy Nội địa, hiện có khoảng hơn 100 cầu có độ tĩnh không, khoang thông thuyền không đảm bảo các thông số kỹ thuật". Những cây cầu trên có thể trở thành "mồi ngon" cho các lái tàu thiếu ý thức hay còn non tay nghề bất kỳ lúc nào.
Trong danh sách đó, có 18 cây cầu tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Ở khu vực miền Bắc có 10 cầu - cầu Hồ trên sông Đuống, cầu đường sắt Bắc Giang trên sông Thương, cầu Ninh Bình (sông Đáy), cầu đường sắt (sông đào Hạ Lý), cầu Bình (sông Kinh Thày), cầu Long Biên (sông Hồng), cầu Đuống (sông Đuống), cầu Triều Dương (sông Luộc), cầu Quần Liêu (kênh Quần Liêu), cầu Sông Mới (sông Kênh Khê).
Khu vực miền Trung có 4 cầu - cầu Đò Lèn (sông Lèn), cầu Hàm Rồng (sông Mã), cầu Yên Xuân (sông Lam), cầu đường sắt Kỳ Lam (sông Thu Bồn). Tại miền Nam có 5 cầu- cầu Ghềnh (sông Đồng Nai), cầu sắt Bình Lợi (sông Sài Gòn), cầu Măng Thít (sông Măng Thít), cầu Hồng Ngự (kênh Hồng Ngự Vĩnh Hưng), cầu Long An (kênh Tháp Mười số 1). Trong đó, cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai vừa bị tàu kéo sà lan đâm sập, kéo theo hàng loạt hệ lụy
Đối với các cầu có nguy cơ xảy ra tai nạn cao, hiện Cục Đường thủy Nội địa đã tổ chức bố trí lực lượng điều tiết, hướng dẫn giao thông và có phương tiện chống va trôi vào mùa lũ. Có những cầu hiện đang có lực lượng túc trực điều tiết 24/24 giờ như cầu đường sắt Bình Lợi (TP.HCM). Bởi đây là vị trí nếu không có lực lượng điều tiết sẽ thường xuyên xảy ra va chạm do khoang thông thuyền của cầu rất thấp.
Vinh Hải - Dân Việt
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Còn cả trăm cây cầu đang... run rẩy sau vụ sập cầu Ghềnh