Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát việc cho vay của công ty mẹ và chỉ đạo Vicem có biện pháp thu hồi nợ, đốc thúc doanh nghiệp xây dựng phương án đảm bảo nguồn tiền trả nợ...
Bộ Tài chính mới đây đã có công văn gửi Bộ Xây dựng về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem). Báo cáo chỉ ra hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính khá bết bát của một số công ty con thuộc Vicem.
Tính đến thời điểm 31.12.2016, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng có số lỗ luỹ kế lên tới 285 tỉ đồng, phải sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn. Công ty còn mất cân đối về tài chính, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn thấp (0,64), vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1.021 tỉ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 638 tỉ đồng do không bảo toàn được vốn.
Với Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, năm 2016 doanh thu đạt 1,532 tỉ đồng và có lãi 36,57 tỉ đồng. Tại thời điểm 31.12.2016, vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1.132 tỉ đồng nhưng lỗ luỹ kế quá lớn đến 1.120 tỉ đồng nên vốn chủ sở hữu chỉ còn 68,86 tỉ đồng, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 28 lần, hệ số thanh toán ngắn hạn 0,55.
Vicem Tam Điệp rơi vào tình trạng gần mất hết vốn, mất an toàn tài chính nghiêm trọng và không đảm bảo khả năng thanh toán nợ, hoạt động công ty hoàn toàn phụ thuộc vào các khoản vốn vay, chiếm dụng và hỗ trợ từ công ty mẹ Vicem.
Trong khi đó, tình trạng kinh doanhcủa những công ty con khác là công ty cổ phần càng thảm hại hơn. Tại Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên 1, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn và hệ số khả năng tức thời thấp, công ty gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối tài chính.
Đến nay, công ty dù có lãi nhưng lỗ luỹ kế đến cuối năm 2016 vẫn lớn, ở mức 2.523 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.541 tỉ đồng, nợ phải trả là 7.638 tỉ đồng. Công ty bị mất cân đối và an toàn tài chính nghiêm trọng, việc cân đối dòng tiền để trả nợ trong những năm tiếp theo sẽ gặp khó khăn.
Tại một số công ty xi măng khác như Bút Sơn, HoàngMai, Bỉm Sơn cũng trong tình trạng phải sử dụng vốn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn cho thấy chưa hoàn toàn cân đối về tài chính, khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối tài chính.
Một số công ty liên doanh, liên kết vẫn có số lỗ lũykế lớn. Trong đó, Công ty cổ phần Sông Đà 12 lỗ luỹ kế đến thời điểm 31.12.2016 là 63 tỉ đồng.
Trước thực trạng kinh doanh bết bát của các công ty xi măng, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát việc cho vay của công ty mẹ và chỉ đạo Vicem có biện pháp thu hồi nợ, đốc thúc doanh nghiệp xây dựng phương án đảm bảo nguồn tiền trả nợ các khoản vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ, ADB...
Trước đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng phát hiện hàng loạt sai phạm tại Vicem và 20 công ty con. Tính đến 31.12.2015, số nợ phải thu tại 20 đơn vị này còn hơn 937 tỉ đồng. Thanh tra cũng chỉ ra người đại diện phần vốn của Vicem từ năm 2014 trở về trước tại Công ty cổ phần Vicem thương mại Xi măng do thiếu kiên quyết trong công tác quản lý, điều hành đã để phát sinh nhiều khoản công nợ phải thu. Đến nay, các khoản công nợ này đã đến hạn và khó đòi với tổng số tiền hơn 36 tỉ đồng, chiếm khoảng 60% vốn điều lệ, tiềm ẩn khả năng thâm hụt vốn Nhà nước đã đầu tư vào công ty.
Đến ngày 31.12.2015, Vicem còn vốn đầu tư tại 31 đơn vị với tổng số tiền đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng. Trong đó, 2 đơn vị có vốn đầu tư khoảng 55 tỉ đồng mà Vicem không thu được cổ tức từ khoản đầu tư này gồm: Công ty cổ phần Sông Đà 12 có vốn đầu tư 12 tỉ đồng, Công ty cổ phần tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai có vốn đầu tư là 43 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo kết luận, các khoản phải thu trong tổng tài sản tại 12 công ty trực thuộc ngày càng tăng chứng tỏ vốn của 12 công ty ngày càng bị chiếm dụng nhiều. Bên cạnh đó, có 5 công ty không đảm bảo khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, 10 công ty có tốc độ gia tăng vốn năm 2015 thấp hơn năm 2014...
Tuyết Nhung