Một khi niềm mong mỏi được thoát khỏi nỗi đau khổ, lấn át nỗi sợ tiến về phía trước của bạn, hãy đi theo con đường chính trực qua những bước sau đây.
Quan sát những con quỷ đau khổ của bạn
Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn đứng trước mặt con quỷ đang kêu gào về chủ đề khó khăn của bạn. Hãy cưỡng lại niềm thôi thúc muốn bỏ chạy, muốn ngăn chặn sự ồn ào bằng đồ ăn hoặc chất kích thích, muốn gọi điện cho người bạn thân để tìm sự an ủi, hay muốn gây chuyện với người bạn đời của bạn. Đừng lảng tránh ý nghĩ đáng sợ của bạn. Đừng tống đẩy nó đi. Hãy chỉ quan sát nó.
Và trong khi bạn vẫn duy trì sự nhận biết về con quỷ bên trong mình, hãy nhìn xung quanh bạn. Bạn đang ở đâu ngay lúc này – trong một căn phòng, trên tàu điện ngầm, trong công viên? Bạn đang nhìn thấy những màu sắc nào? Hãy để ý tới quần áo bạn đang mặc, cảm giác chúng chạm vào làn da bạn… Có lẽ bạn nghĩ cách làm này không thể giúp thay đổi cuộc đời bạn, nhưng nó có thể đấy. Trên thực tế, nó thật sự có thể tái cấu trúc bộ não của bạn, giúp bạn bớt tổn thương trước sự đau khổ và hướng đến niềm vui nhiều hơn, một cách bền vững.
Bất cứ khi nào thân chủ của tôi chuyển từ việc chỉ quan sát nội tâm đau khổ của họ sang việc để tâm đến cả không gian xung quanh, tôi đều cảm nhận được một sự chuyển đổi năng lượng gần như hữu hình. Một phần trong họ bắt đầu để tâm và tận hưởng những thứ như ánh nắng, không khí, tình bạn. Cuộc đời họ trở nên phong phú hơn, gần như ngay lập tức. Tất nhiên, không phải mọi câu chuyện của quỷ dữ đều được xử lý dễ dàng như vậy.
Ở giai đoạn này, hầu hết mọi người vẫn tin vào những ý nghĩ kinh khủng, và tiếp tục bị tổn thương. Nhưng nội tâm đang quan sát của họ có thể nhận biết tình trạng đau khổ của bản thân trong khi vẫn chú ý và biết mình đang mặc một chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt, biết một con chim hồng y đang hót ở ngoài kia, biết trời đang mưa lất phất. Sự chuyển đổi nho nhỏ ấy chính là một tấm vé đưa bạn ra khỏi địa ngục.
Điều này đã xảy đến với tôi một cách tự nhiên sau khi Adam chào đời vài tuần. Những con quỷ của tôi khi ấy đang lớn tiếng hơn bao giờ hết, liên tục gào thét những ý nghĩ đáng sợ về tương lai sắp bị hủy hoại của tôi và con trai. Tôi đã tin vào mọi điều chúng nói, nhưng may thay, tình trạng này trở nên quá sức chịu đựng với tôi.
Một đêm nọ, khi ru Adam ngủ sau cữ bú lúc hai giờ đêm, tôi cảm thấy quá mệt mỏi với những ý nghĩ đáng sợ của bản thân đến nỗi tôi đã cố gạt chúng ra khỏi đầu. Tôi nhớ rất rõ khoảnh khắc ấy. Đột nhiên, tôi nhận ra họa tiết ánh sáng của những ngọn đèn đường đang in dấu trên trần nhà và sự đung đưa dễ chịu của chiếc nôi. Lần đầu tiên kể từ khi tôi sinh Adam, một phần tâm trí của tôi tách rời khỏi những con quỷ bên trong mình và bắt đầu đơn thuần quan sát chúng.
Từ khoảnh khắc đó, mọi thứ trong cuộc đời tôi bắt đầu thay đổi, một cách chậm rãi và tinh tế. Khi bạn quan sát sự đau khổ của mình, cuộc đời bạn cũng sẽ thay đổi như vậy.
Chất vấn những niềm tin gây đau khổ
Trong khi thận trọng tìm đường đi xuyên qua địa ngục, Dante há hốc miệng khi thấy những linh hồn bị đày đọa phải chịu đựng những cơn gió và nước mưa dơ bẩn đến bầm dập, hoặc phải dìm mình trong bùn, hoặc phải chịu hình phạt lăn những tảng đá khổng lồ. Xuyên suốt quãng đường, anh liên tục đặt câu hỏi với Virgil và đôi khi cả với những linh hồn bị đày đọa. Khi họ nói với Dante rằng họ phải chịu nỗi đau khổ khủng khiếp như thế nào, anh cảm thấy “hoang mang và buồn bã cực độ”.
Đây là cách mà chúng ta thường hồi đáp những ý nghĩ đau đớn của chính mình – chúng ta đơn giản là tin vào chúng, để rồi chìm vào tuyệt vọng. Chúng ta cảm thấy tình trạng khốn khổ này dường như không bao giờ chấm dứt. Và nó đúng là như vậy, trừ khi chúng ta đi tiếp đến bước thứ hai: chất vấn những niềm tin gây đau khổ cho chính mình.
Nếu chúng ta cam kết về trạng thái chính trực, chúng ta phải hành động như những thám tử điều tra một vụ án – kiểm tra từng chứng cứ một, xem xét tính hợp lý của mọi việc. Chuyên gia về hành vi tổ chức Chris Argyris gọi đây là “tìm kiếm phản chứng”. Nói cách khác, chúng ta phải tìm kiếm một cách cẩn trọng những lý lẽ để xác nhận rằng bất cứ điều gì chúng ta tin đều có thể không chính xác.
Hãy chú ý để nhận ra bạn cảm thấy thư thái hơn ra sao khi vừa tránh xa một chút khỏi ý nghĩ địa ngục của mình. Bạn càng làm tốt việc phản biện bất cứ niềm tin gây đau khổ nào của mình, mức độ thư thái sẽ càng tăng.
Điều này đã xảy ra với tôi một cách tự nhiên vào cái đêm mà tôi phớt lờ nỗi sợ tột cùng, khi tôi ru Adam ngủ. Sau khi một phần trong tôi bắt đầu đơn thuần quan sát khung cảnh xung quanh mình, những ký ức bắt đầu hiện lên trong sự chú ý của tôi. Tôi nghĩ về những trải nghiệm ngoại cảm lạ lùng của mình trong thời gian mang thai. Tôi nhớ lại lời nhận định của Kant rằng hết thảy hiện thực đều là chủ quan. Tôi vẫn tin vào những ý nghĩ đáng sợ của mình, nhưng tôi không còn hoàn toàn tin vào chúng như trước nữa.
Sau đó, tôi bắt đầu nghe thấy một tiếng nói nội tâm khác của mình. Không phải là tiếng thét của quỷ dữ, mà là tiếng thì thầm vừa đủ nghe. Nó chẳng nói bất cứ điều gì to tát – hay chí ít là tôi đã nghĩ vậy vào lúc đó. Khi tôi ngồi đó với niềm tin “Cuộc đời mình tiêu rồi!”, tiếng nói này đã hỏi tôi một câu hỏi nhỏ.
Phản ứng đầu tiên của tôi là giận dữ. Dĩ nhiên là tôi chắc rồi! Con tôi bị dị tật bẩm sinh! Mọi trải nghiệm của tôi, tất cả các bác sĩ từng khám cho tôi, thậm chí là toàn bộ nền khoa học đều nói với tôi rằng cuộc đời tôi coi như xong rồi!
Bạn có chắc không? Ừ, ngẫm lại một chút, tôi đoán mình không thể hoàn toàn chắc chắn về bất kỳ điều gì. Ý tôi là cả lý luận của Kant và toàn bộ những điều trên. Và không một ai có thể chắc chắn về tương lai cả.
Đó là khoảnh khắc đầu tiên tôi cảm thấy thư thái kể từ khi biết được kết quả chẩn đoán về căn bệnh của Adam. Từ đó trở đi, bất cứ khi nào tôi rơi vào tuyệt vọng, tiếng nói êm ái đó lại xuất hiện, chỉ để hỏi: Bạn có chắc không?