Ở tuổi ngoài tám mươi, ông Vũ Hoàng Tuấn - con trai nhà văn Vũ Bằng - cho biết đã đọc tin tức về quyển Miếng ngon Hà Nội trên các báo.
Tình trạng in lậu các sách của ông cụ nhà tôi tràn lan từ nhiều năm nay, tôi vẫn phàn nàn về việc này” - ông Tuấn khẳng định.
Về quyển Miếng ngon Hà Nội của Vũ Bằng, năm 2014 Công ty Nhã Nam đã ký hợp đồng độc quyền ấn hành quyển này và tái bản trong loạt sách Danh tác Việt Nam, phát hành tháng 5.2014.
Đến nay, bản quyền quyển Miếng ngon Hà Nội vẫn thuộc về Nhã Nam (còn trong thời hạn hợp đồng).
Giới xuất bản khi thấy nhà sách Minh Thắng in lại quyển Miếng ngon Hà Nộiđã đặt vấn đề nghi ngờ về tính hợp pháp của bản quyền.
“Lúc đó tôi nói ngay là tôi đã ký hợp đồng với Nhã Nam rồi, cho nên tôi không có dính dáng gì đến họ cả. Thế nhưng họ vẫn cứ in, không có sự đồng ý gì từ tôi cả” - ông Tuấn nói trong bất bình.
Ông Tuấn cũng băn khoăn khi có dư luận cho rằng chính Vũ Bằng đã viết cái câu “sai sót”, do nhiều người không để ý đây là một câu trong bài báo giới thiệu sách in kèm trong phụ lục.
“Như vậy là cũng ảnh hưởng đến nhân phẩm ông cụ nhà tôi” - ông Tuấn nói và cho biết ông hoàn toàn ủng hộ việc thu hồi quyển sách vừa vi phạm bản quyền, vừa có vấn đề về nội dung như vậy.
Điều băn khoăn của ông Tuấn là có cơ sở, do lẽ đến nay nhiều người chưa nắm rõ vấn đề truyền bản của quyển sách Miếng ngon Hà Nội.
Quyển này được Nhà xuất bản Đất Nước in lần đầu tại Sài Gòn năm 1957, chắc chắn trước ngày 28.10.1957.
Sau khi sách ra, ngày 28.10.1957 báo Nắng Sớm tại Sài Gòn đăng một bài dài giới thiệu quyển này. Ba năm sau, vào ngày 26.8.1960, giấy phép tái bản quyển Miếng ngon Hà Nội được cấp cho nhà Nam Chi Tùng Thư.
Lần này, sách có in phần phụ lục gồm hai bài báo: Một bài trên báo Nắng Sớmnhư vừa nói, một bài trên báo Tự Do số ra ngày 23.12.1957. Cả hai bài báo in trong phụ lục đều không in nhan đề. Bài trên báo Tự Do có in tên tác giả là Hi Hoàng, nhưng bài trên báo Nắng Sớm lại không in tên tác giả.
Như vậy đối chiếu văn bản cho thấy bản in của nhà sách Minh Thắng vừa rồi giống bản của Nam Chi Tùng Thư ra đời từ năm 1960, bởi ở phần phụ lục cũng in lại nguyên văn bài báo trên Nắng Sớm với nội dung nguyên văn một câu đã bị Cục Xuất bản cho là vi phạm nghiêm trọng điều 10 Luật xuất bản năm 2012.
Cụ thể, câu ấy nằm trong đoạn cuối cùng của bài báo. Chữ “tôi” xưng ở đầu câu là tác giả bài báo, chứ không phải tôi là Vũ Bằng
Lam Điền/Tuổi Trẻ