Lãnh đạo Công an (CA) TP.HCM khẳng định, các đơn vị không được dùng chung ống thổi khi đo nồng độ cồn. Nếu đơn vị, cá nhân nào chưa thực hiện đúng quy định trên, người dân có thể phản ánh để CA TP kiểm tra, xử lý.
Chiều 14.12, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó phòng tham mưu CA TP.HCM - cho biết lãnh đạo CA TP đã khẳng định, các đơn vị không được dùng chung ống thổi khi đo nồng độ cồn.
“Nếu đơn vị, cá nhân nào chưa thực hiện đúng quy định trên, người dân có thể phản ánh cụ thể về CA TP để đơn vị kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông Hà, hiện nay lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) thực hiện việc đo nồng độ cồn theo phương pháp kiểm tra định tính (dùng phễu để xác định người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong hơi thở hay không); khi dừng, kiểm tra phương tiện thổi một hơi thở định tính (tốn khoảng 3 - 5 giây), nếu không phát hiện nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện được tiếp tục hành trình tham gia giao thông.
Trong trường hợp phát hiện vi phạm, CSGT sẽ yêu cầu người vi phạm đưa phương tiện vào khu vực xử lý.
Tại đây, CSGT dùng máy đo định lượng (máy dùng ống thổi). Lúc này, mỗi người sẽ được sử dụng 1 ống thổi riêng biệt. Cán bộ CSGT sẽ lấy, bóc ống thổi trong túi nylon hoặc để người vi phạm tự tay bóc ống thổi ra và cắm vào máy để thổi. Lần kiểm tra này nhằm xác định mức độ vi phạm và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định.
“Nếu người dân phát hiện CSGT không thay ống thổi mới (bước kiểm tra định lượng) có thể yêu cầu họ thay ống thổi khác”, ông Hà cho biết.
Liên quan đến việc đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, ông Hà cho biết, sau thời gian thực hiện đo nồng độ cồn đã làm kéo giảm đáng kể số vụ tai nạn giao thông so với trước đây.
"Việc này được thể hiện rất rõ nhất tại các bệnh viện, các trường hợp bị tai nạn giao thông phải nhập viện cấp cứu đã giảm đáng kể”, ông Hà nói.
Ngoài ra, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, hiện Công an TP đã xây dựng kế hoạch mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và các sự kiện chính trị lớn của đất nước, hoạt động văn hóa lễ hội tại TP.
Theo đó, Công an TP đã phân công cụ thể trọng tâm công tác, chỉ tiêu tấn công, trấn áp tội phạm đối với từng hệ lực lượng, từng cấp với quan điểm "triệt xóa các băng nhóm ngay từ khi mới hình thành...".
Đối với tội phạm ma túy phải đánh cả đường dây, bắt đối tượng cầm đầu, không đánh khúc giữa; đối với tội phạm kinh tế, tham nhũng môi trường phải nhận diện tội phạm, lựa chọn điểm đột phá, "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", "không vùng cấm, không có ngoại lệ".
"Sáng mai (15.12), chúng tôi sẽ tổ chức lễ ra quân cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024”, ông Hà cho biết thêm.