“Mượn dao giết người, mượn tay người khác để giết kẻ thù” là câu thành ngữ Trung Quốc nói về việc dùng vũ khí của người khác để chống lại kẻ thù. Giờ đây, các nhà khoa học từ hải quân Trung Quốc cho biết đã áp dụng trí tuệ cổ xưa này vào các cuộc chiến tranh dựa trên công nghệ cao hiện đại.
Nhịp đập khoa học

Công nghệ đột phá dùng radar quân sự của nước khác để định vị, theo dõi tàu trên biển

Sơn Vân 07/01/2024 19:04

“Mượn dao giết người, mượn tay người khác để giết kẻ thù” là câu thành ngữ Trung Quốc nói về việc dùng vũ khí của người khác để chống lại kẻ thù. Giờ đây, các nhà khoa học từ hải quân Trung Quốc cho biết đã áp dụng trí tuệ cổ xưa này vào các cuộc chiến tranh dựa trên công nghệ cao hiện đại.

Nhóm nghiên cứu đến từ tỉnh Sơn Đông (phía đông Trung Quốc) cho biết đã phát triển một công nghệ có thể sử dụng tín hiệu phát ra từ radar, tàu chiến hoặc thậm chí máy bay cảnh báo sớm của các quốc gia khác để theo dõi các tàu chở hàng trên biển. Việc này chỉ yêu cầu những thiết bị đơn giản như máy tính xách tay và ăng ten nhỏ.

Song Jie, nhà khoa học tại Đại học Hàng không Hải quân Quân đội Trung Quốc, viết trong một bài báo đã được bình duyệt cùng các đồng nghiệp của ông từ Đại học Yên Đài: “Các hình ảnh rõ như ban ngày”. Cả hai đại học này đều nằm tại thành phố Yên Đài (Trung Quốc) ven biển.

Bài báo của họ được xuất bản trên tạp chí Radio Science and Technology (Khoa học và Công nghệ Vô tuyến) bằng tiếng Trung.

Một bài báo đã được bình duyệt là được đánh giá bởi các chuyên gia trong lĩnh vực đó trước khi xuất bản. Quá trình bình duyệt nhằm đảm bảo rằng bài báo đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao về nội dung và hình thức. Các bài báo được bình duyệt thường được xuất bản trên tạp chí khoa học uy tín.

Phát hiện nêu trên từng được coi là không thể. Kể từ khi radar được phát minh vào năm 1935, chỉ người gửi hoặc đồng minh của họ mới có thể sử dụng tín hiệu đó. Việc sử dụng sóng điện từ để xác định vị trí mục tiêu đòi hỏi kiến thức về các thông số vật lý chi tiết mà chỉ máy phát mới biết và những thông số này liên tục thay đổi.

Với người ngoài, những tín hiệu này xuất hiện như một mớ hỗn độn và việc trích xuất thông tin có giá trị từ chúng sẽ giống như mò kim đáy bể. Thế nhưng, nhóm của Song Jie đã tìm cách sử dụng các tín hiệu radar có thể không thân thiện để phát hiện các tàu ra vào cảng. Đây là một thành tích chưa từng có.

Nhóm nghiên cứu cho biết: “Hệ thống của chúng tôi hoạt động tốt với các mục tiêu di chuyển chậm trên biển. Nó có thể theo dõi tàu một cách dễ dàng”.

cong-nghe-dot-pha-dung-radar-quan-su-cua-nuoc-khac-de-dinh-vi-theo-doi-tau-tren-bien-1-.jpg
Nhóm nghiên cứu cho biết phát hiện đơn giản của họ “hoạt động tốt với các mục tiêu di chuyển chậm trên biển” - Ảnh: Đại học Hàng không Hải quân Quân đội Trung Quốc
cong-nghe-dot-pha-dung-radar-quan-su-cua-nuoc-khac-de-dinh-vi-theo-doi-tau-tren-bien-2-.jpg
Nhóm nghiên cứu đằng sau phát hiện này cho biết công việc của họ có thể giúp ích cho quân đội Trung Quốc trong chiến tranh điện tử - Ảnh: Shutterstock

Với những quốc gia sở hữu mạng lưới radar rộng lớn như Trung Quốc, hệ thống này có thể không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Song với các quốc gia nhỏ hơn hoặc các lực lượng bị phá hủy radar hoặc không đủ khả năng mua sắm, đây có thể là vị cứu tinh. Bằng cách nắm bắt tín hiệu của đối phương, họ có thể giành được lợi thế quan trọng với rất ít nỗ lực.

Hãy tưởng tượng người Houthi ở Yemen tấn công các tàu chở hàng bằng máy bay không người lái hoặc tên lửa. Mỹ đổ lỗi cho Iran đã chuyển thông tin tình báo về những con tàu này, nhưng nếu người Houthi sử dụng tín hiệu radar của Mỹ thay vào đó thì sao? Nhóm của Song Jie đã chứng minh rằng điều này về mặt kỹ thuật là khả thi.

Ở thành phố Yên Đài, các nhà khoa học đã chọn một tòa nhà dân cư làm căn cứ cho thí nghiệm của họ. Bên cửa sổ, một ăng ten thu sóng (không lớn hơn giá phơi quần áo là mấy) đã sẵn sàng. Kết nối với ăng ten này là một máy phân tích sóng điện từ (có kích thước bằng lò vi sóng) để xử lý các tín hiệu nhận được. Những tín hiệu này sau đó được đưa vào một máy tính xách tay thông thường để phân tích thêm.

Việc thiết lập rất đơn giản: Tất cả thiết bị có thể được lấy dễ dàng và vận chuyển trong cốp ô tô.

Việc phát hiện mục tiêu trên biển bằng radar thường là thách thức đáng kể do sóng điện từ phản xạ liên tục, thường làm át đi thông tin quan trọng giữa tiếng ồn. Tuy nhiên, nhóm của Song Jie vẫn có thể xác định vị trí và theo dõi tất cả tàu thương mại di chuyển trong phạm vi 20km tính từ bờ biển, tương đương khoảng cách tuyến hàng hải giữa Biển Đỏ và bờ biển Yemen.

Hơn nữa, họ còn thu thập thông tin tình báo quan trọng về hướng và tốc độ của các tàu, vô cùng hữu ích cho các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hoặc tên lửa tiềm năng.

Dù nguồn tín hiệu trong thí nghiệm đến từ một radar quân sự Trung Quốc nhưng nhóm của Song Jie không sử dụng bất kỳ thông số kỹ thuật nào liên quan đến radar. Điều này đồng nghĩa là trong các tình huống thực tế, hệ thống của họ có thể khai thác tín hiệu từ bất kỳ nền tảng quân sự nào trên thế giới.

Trong bài báo, Song Jie và các đồng nghiệp đã chia sẻ thuật toán mạnh mẽ của họ, giải thích cách sử dụng nó để lấy ngược các thông số vận hành của radar quân sự từ quang phổ thu được.

Thế nhưng, các ứng dụng thực tế của hệ thống này sẽ gặp phải hàng loạt trở ngại. Ví dụ, tín hiệu trực tiếp từ radar tới ăng ten thu mạnh hơn đáng kể so với tín hiệu phản xạ từ thân tàu, thường che đi những đặc điểm khác biệt của nó. Cả hai tín hiệu đều rất quan trọng để định vị chính xác tàu. Hơn nữa, việc giải mã tín hiệu đòi hỏi một phương pháp xử lý độc đáo không thường thấy ở các trạm radar tiêu chuẩn.

Nhóm của Song Jie đã trình bày chi tiết một cách tỉ mỉ các quy trình và biện pháp phòng ngừa này trong bài báo, cùng những hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật nén và tích lũy dữ liệu giúp nâng cao tốc độ cũng như độ chính xác của phân tích máy tính.

Các nhà nghiên cứu này tin rằng công việc của họ cũng có thể hỗ trợ quân đội Trung Quốc trong chiến tranh điện tử, với những ứng dụng tiềm năng về trinh sát điện tử, vũ khí chống bức xạ, nhiệm vụ thâm nhập ở độ cao siêu thấp và công nghệ tàng hình.

Bài liên quan
Các nhà khoa học Trung Quốc: Sao Thủy bí ẩn có thể chứa nhiều kim cương
Theo một nghiên cứu từ Đại học Trung Sơn ở thành phố Chu Hải (miền nam Trung Quốc), sao Thủy có thể đang che giấu một bí mật lấp lánh đằng sau màu tối bất thường của nó.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghệ đột phá dùng radar quân sự của nước khác để định vị, theo dõi tàu trên biển