Nhờ ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch, thúc đẩy kết nối tour và các sản phẩm du lịch mới một cách linh hoạt, tỉnh Cà Mau đã thu hút được lượng lớn du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Ông Giang Hoàng Hon, chủ cơ sở du lịch Hương Tràm, huyện U Minh cho biết, năm 2023, du khách đến tham quan khu du lịch của ông rất đông. Theo thống kê, hàng tháng cơ sở của ông Hon đón tiếp từ 4.000 - 5.000 lượt du khách.
“Tôi chuyên về 2 mảng để thu hút khách gồm liên kết với các hộ dân khu vực lâm phần rừng tràm để đưa du khách trải nghiệm hoạt động gác kèo ong mật, đi xuồng máy xuyên rừng, đặt lợp, đặt trúm lươn trong rừng và các hoạt động vui chơi giải trí, ăn uống tại chỗ”, ông Hon nói.
Để quảng bá hình ảnh khu du lịch đến với du khách, ông Hon đã thành lập trang web riêng hoặc giới thiệu hình ảnh, các hoạt động, món ăn trên nền tảng mạng xã hội; đồng thời, thúc đẩy kết nối với các đơn vị lữ hành để tổ chức các tour du lịch.
“Quan điểm của tôi rất thích kiểu du khách đến tham quan, ăn uống hài lòng với các dịch vụ của mình rồi giới thiệu cho bạn bè, người thân. Ở đây, tôi có lượng khách thân thiết, họ đã đến đây nhiều và rất hài lòng với thái độ phục vụ của chúng tôi. Ngoài ra, trên trang web của mình, chúng tôi thường xuyên nhận lịch trình của khách đặt trước. Từ khi ứng dụng công nghệ số, lượng khách biết đến cơ sở du lịch Hương Tràm ngày càng tăng lên”, ông Hon chia sẻ.
Ông Lê Chí Thắng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Hiển cho biết, trong 3 ngày nghỉ Tết dương lịch 2024, các điểm du lịch trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã đón gần 6.000 lượt du khách, doanh thu gần 4 tỉ đồng. Năm 2023, lượng khách du lịch đến tham quan Mũi Cà Mau tăng so với thường kỳ. Dự báo lượng du khách sẽ tiếp tục tăng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
“Những năm gần đây, các cơ sở lưu trú phục vụ khách ở lại qua đêm tại các khu du lịch được nâng cao chất lượng và số lượng. Đó là điều kiện thuận lợi để thu hút du khách đến địa phương.
Đến với du lịch Mũi Cà Mau, du khách có thể tham quan cột mốc tọa độ GPS 0001, đền thờ Lạc Long Quân, cột mốc đường Hồ Chí Minh km 2436, biểu tượng cột cờ Hà Nội, biểu tượng con tàu, điểm chóp Mũi Cà Mau. Đặc biệt, du khách có thể trải nghiệm ngắm trọn mặt trời mọc từ biển Đông và lặn ở biển Tây, tham quan xuyên rừng, trải nghiệm nhiều hoạt động bắt tôm cua, câu cá thòi lòi... Ngoài ra, địa phương còn có các khu homestay về rừng biển, làng rừng, làng nghề sản xuất và khu du lịch Khai Long”, ông Thắng thông tin.
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Hiển, để thu hút khách du lịch đến địa phương, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã linh hoạt ứng dụng công nghệ số như quảng bá qua kênh thông tin của Sở VH-TT-DL Cà Mau; trên nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok hay thông qua các kênh xúc tiến, quảng bá, hội thảo về du lịch...
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau cho biết, lượng khách đến Cà Mau trong năm 2023 tăng mạnh nên tổng thu từ du lịch tỉnh này cũng tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2023 lượng khách du lịch đến Cà Mau đạt hơn 2 triệu lượt (tăng 23,5% so với 2022), vượt 19% kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch năm 2023 đạt hơn 2.900 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ, vượt 9% kế hoạch năm.
"Sở dĩ có con số tăng ấn tượng như vậy là năm 2023 Cà Mau thực hiện nhiều chương trình sự kiện quan trọng để thu hút du khách, trong đó nổi bật là các hoạt động trong chuỗi sự kiện Cà Mau điểm đến và Festival tôm", ông Hùng cho biết.
Những năm gần đây, nhờ vào vị trí thuận lợi, hạ tầng giao thông phát triển, Cà Mau đẩy mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Nhờ ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch, thúc đẩy kết nối tour và các sản phẩm du lịch mới một cách linh hoạt, tỉnh Cà Mau đã thu hút được lượng lớn du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2024 tỉnh Cà Mau đặt ra mục tiêu thu hút khoảng 2,3 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, vui chơi giải trí tại địa phương, với tổng thu đạt cao hơn năm 2023 khoảng 10%.