Trang Interesting Engineering cho biết Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vừa phát hiện cách tạo phản ứng miễn dịch đủ mạnh để tiêu diệt vi rút HIV chỉ bằng 2 mũi tiêm cách nhau 1 tuần.
Lý do chính khiến HIV khó đối phó là chúng đột biến quá nhanh, dễ dàng trốn tránh kháng thể do vắc xin tạo ra. Vài năm trước MIT ghi nhận tiêm nhiều mũi vắc xin với liều lượng tăng dần trong 2 tuần sẽ tạo ra lượng kháng thể lớn phần nào giúp xử lý vi rút nhưng chiến lược này khó triển khai quy mô lớn.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới, họ phát hiện có thể tạo phản ứng miễn dịch mạnh tương tự chỉ bằng 2 mũi tiêm cách nhau 1 tuần. Mũi đầu liều lượng ít cho phép hệ miễn dịch phản ứng mạnh với mũi thứ hai liều lượng lớn hơn.
Kết hợp mô hình phân tích trên máy tính và thử nghiệm trên chuột, MIT sử dụng protein vỏ của HIV làm vắc xin. Phiên bản 1 mũi tiêm đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tiến hành được một thử nghiệm khác theo liệu trình 2 mũi.
Theo giáo sư MIT Arup Chakraborty: “Bằng cách kết hợp khoa học vật lý với khoa học sự sống, chúng tôi đã làm sáng tỏ một số câu hỏi cơ bản về miễn dịch giúp phát triển liệu trình 2 mũi này để mô phỏng liệu trình nhiều mũi. Cách tiếp cận như vậy có thể áp dụng cho vắc xin các bệnh khác”.
Cách tiếp cận mới
Mỗi năm, HIV lây nhiễm cho hơn 1 triệu người trên toàn thế giới, trong số đó không ít người không được tiếp cận với thuốc kháng vi rút. Một loại vắc xin hiệu quả sẽ góp phần ngăn cản nhiều người mắc bệnh hơn.
Vắc xin đầy hứa hẹn là loại gồm protein vỏ của HIV cùng hạt nano SMNP. Hạt này hoạt động như chất trợ thúc đẩy phản ứng tế bào B (tế bào bạch huyết tiết kháng thể) mạnh hơn với vắc xin. MIT qua tiến hành một loạt thí nghiệm xác định tiêm 1 mũi là không đủ, liệu trình 7 mũi mới hiệu quả vì nó mô phỏng phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc mầm bệnh: khi có nhiều protein vi rút hay kháng nguyên thì hệ miễn dịch phản ứng mạnh.
Mặc dù vậy họ vẫn muốn giảm số mũi tiêm. Ban đầu, MIT phát hiện phản ứng mạnh chỉ xuất hiện khi tiêm từ 3 mũi trở lên, nhưng bằng cách thay đổi khoảng thời gian giữa các mũi lẫn liều lượng họ phát hiện tiêm 20% vắc xin ở mũi đầu rồi 80% ở mũi thứ hai - cách 7 ngày - vẫn đạt hiệu quả như tiêm 7 mũi.
Sắp tới, MIT dự kiến tiến hành thử nghiệm trên linh trưởng không phải người, đồng thời nghiên cứu các vật liệu chuyên biệt dùng cho mũi thứ hai nhằm tăng phản ứng miễn dịch.