Công Phương là cầu thủ, tôi là nhà thơ. Bóng đá và thơ có thể song hành? Tôi nghĩ là có.
Cảm hứng hưng phấn nhất của cầu thủ chính là lúc anh làm chủ đường bóng, vượt qua bao bủa vây trùng trùng điệp điệp để rồi chọn thời cơ thuận lợi nhất, hít hơi thở thật sâu đến căng lồng ngực rồi tung một cú sút quyết định.
Giây phút ấy có thể trái bóng vượt ra khỏi sức hút của trái đất, cũng có thể chỉ lè lè rơi thỏm xuống lỗ chân trâu. Giây phút xuất thần ấy, nếu thủng lưới đối phương nào khác gì lúc nhà thơ chạm đến “giấc mơ xanh” trong trùng trùng ngôn ngữ? Làm thơ, bóng đá thậm chí làm tình đi nữa, có khác gì nhau?
Thi sĩ soi mặt vào trang giấy mới
Thấy trầm luân ẩn hiện lẽ sinh tồn
Cầu thủ gặp chính mình trong trái bóng
Lúc làm bàn sút bóng thẳng vào gôn
Sau khoảnh khắc đó, giây phút đó, cầu thủ nghĩ gì? Tôi đã tìm được câu trả từ suy tư của cầu thủ Công Phượng.
Một tứ thơ chân thành, có cảm giác như anh vừa buột miệng nói với chính mình: “Tôi chưa lần nào khóc trên sân nhưng không có nghĩa là tôi không khóc”. Khóc dễ hay khó? Quá dễ, nếu nỗi buồn ập tới và đẩy những giọt nước mắt trào ra mí mắt.
Ấy thế, dù buồn, nhưng vẫn không khóc, mới là khó, là sự chịu đựng ghê gớm. Sự chịu đựng ấy, với Công Phượng: “Mỗi đêm là một kinh khủng đối với tôi”. Và anh cũng biết: “Các anh em cũng đã trải qua nỗi buồn và họ đã thể hiện nỗi buồn khác nhau”.
Sau lời tự sự ấy, anh đã rút ra một điều đáng suy ngẫm: “Cái gì chịu đựng quá thì nó cũng sẽ tự giải thoát thôi”. Mà phải là thế. Không thể chìm đắm mãi trong quá khứ dẫu vinh quang, chứ hà huống gì của nỗi buồn.
Sự vững tin trong bài thơ (nói đúng hơn là tự sự) của Công Phượng khiến tôi thích và nhiều người cũng thích. Tôi thêm quý anh và đồng đội anh đã tự nhủ cùng đứng dậy. Tự đứng dậy. Sẽ làm mới lại chính mình.
Thơ hay bóng đá, cũng vậy thôi. Lại cần một cảm hứng tươi mới khác Và tiếp tục đi tới.
Lê Minh Quốc
Nguyên văn bài thơ của Công Phượng khi SEA Games 28 kết thúc:
“Biết là chuyện đã qua
Không bao giờ vớt lại được
Nhưng cái gì đó vẫn đọng lại trong tôi
Những trận quan trọng tôi luôn nhớ đến nó mỗi lúc tôi buồn
Tôi chưa lần nào khóc trên sân nhưng không có nghĩa là tôi không khóc.
Tôi không khẳng định tôi buồn hơn các anh em trong đội nhưng cũng chẳng ai buồn hơn tôi cả.
Các anh em cũng đã trải qua nỗi buồn và họ đã thể hiện nỗi buồn khác nhau.
Mỗi đêm là một kinh khủng đối với tôi.
Nó luôn hiện về những trận quan trọng mà tôi và đồng đội đã đánh mất mãi không thể lấy lại được.
Nó mãi rời xa bảo tôi quên thì làm sao tôi có thể quên
Bảo tôi mạnh mẽ làm sao tôi có thể mạnh mẽ trong đêm tối.
Cái gì chịu đựng quá thì nó cũng sẽ tự giải thoát thôi.
Giải thì cũng kết thúc rồi nói nữa mọi người lại thêm nhớ lại và buồn
Phượng chúc các anh em trong đội cố gắng tập luyện và thi đấu thật tốt.
Chúng ta cũng trải qua nhiều thăng trầm trong những tháng qua rồi kỉ niệm
vui buồn có. Hãy cố gắng làm cho thật tốt mọi người nhé. Chúc các anh em trong đội luôn luôn khoẻ mạnh và thành đạt.
Tạm biệt SEA Games 28”.