Rủi ro tài chính của dự án Trúc My Complex được duy trì ở mức rất cao, phản ánh mức độ sử dụng đòn bẩy cao với tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu khoảng 3,4 lần, cao hơn so với mức 2,5 lần trong kế hoạch ban đầu.
Hạ bậc xếp hạng tín nhiệm
Công ty TNHH Hoàng Trúc My vừa hoàn tất đợt phát hành trái phiếu trị giá 200 tỉ đồng. Trái phiếu phát hành có mã HCMCH2429001, kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 21.5.2029, lãi suất phát hành 12%/năm.
Theo kế hoạch hồi đầu năm của công ty này, năm 2024 dự kiến phát hành 1.500 tỉ đồng trái phiếu, sau điều chỉnh xuống 1.350 tỉ đồng. Như vậy, lô trái phiếu 200 tỉ đồng vừa qua có thể chỉ là khởi đầu trong năm nay.
Tuy vậy, bức tranh tài chính của Hoàng Trúc My không mấy sáng sủa. Trong đánh giá mới đây, FiinRatings đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm xuống mức “B” và triển vọng “ổn định” đối với Công ty TNHH Hoàng Trúc My, phản ánh rủi ro dự án ở mức tương đối cao và rủi ro tài chính ở mức rất cao của công ty khi phát hành trái phiếu phát triển dự án Trúc My Complex.
Hồ sơ rủi ro dự án của dự án được điều chỉnh hạ một bậc từ mức trung bình xuống mức tương đối cao trong bản cập nhật xếp hạng tín nhiệm tháng 5.2024. Nguyên nhân chính đến từ các đánh giá lại trong rủi ro xây dựng của dự án.
Theo đó, mặc dù mức độ phức tạp của công trình nhà cao tầng và các rủi ro về khả năng thay thế nhà thầu của công trình là không đổi, việc các hồ sơ pháp lý của dự án tiếp tục bị trì hoãn có ảnh hưởng đáng kể tới tiến độ kỳ vọng của Trúc My Complex.
Cụ thể, sau 2 lần xin thay đổi chủ trương đầu tư liên quan tới tổng mức đầu tư, thời gian hoàn thiện dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, và thiết kế dự án, Hoàng Trúc My vẫn đang xin phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại thời điểm tháng 5.2024 để thay đổi tổng mức đầu tư và xin gia hạn thời gian hoàn thành dự án do đã quá thời hạn vào tháng 12.2022.
Doanh nghiệp này cũng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Với lịch sử trì hoãn triển khai dự án và nhiều lần điều chỉnh chủ trương đầu tư, Hoàng Trúc My có khả năng gặp khó khăn trong việc bắt đầu xây dựng dự án như kế hoạch, dẫn đến gia tăng rủi ro dự án bị thu hồi.
Ngoài ra, việc trì hoãn dự án cũng ảnh hưởng tới khả năng thu tiền mở bán trước từ khách hàng, tiếp tục ảnh hưởng tới các giai đoạn sau của dự án do nguồn tiền thu trước đóng góp vào dòng tiền chính để sử dụng xây dựng và hoàn thiện dự án.
Các đánh giá về rủi ro thương mại của dự án được giữ nguyên. Trong đó các rủi ro vận hành và kinh doanh của dự án bất động sản dân cư tại các thành phố cấp 1, các thành phố vệ tinh hoặc các tỉnh có lượng lớn lao động như ở địa bàn tỉnh Bình Dương được đánh giá ở mức trung bình.
Rủi ro tài chính cao, áp lực trả nợ lớn
FiinRatings đánh giá rủi ro tài chính của dự án Trúc My Complex được duy trì ở mức rất cao, phản ánh mức độ sử dụng đòn bẩy cao với tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu khoảng 3,4 lần, cao hơn so với mức 2,5 lần trong kế hoạch ban đầu.
Nguyên nhân mức vốn chủ sở hữu đang được giữ nguyên ở mức 400 tỉ đồng tính tới thời điểm tháng 5.2024 và kế hoạch phát hành trái phiếu của Hoàng Trúc My được điều chỉnh giảm xuống mức 1.350 tỉ đồng.
Với các mức phí bảo lãnh và lãi vay ở mức cao, Hoàng Trúc My phải chịu áp lực trả nợ lớn trong năm 2028 khi trái phiếu đáo hạn, trong đó tổng nợ gốc và phí, lãi vay phải trả ước tính khoảng 2,484 tỉ đồng trong thời gian trái phiếu lưu hành. Việc này dẫn tới tỷ lệ bao phủ nợ và lãi vay (DSCR) của dự án chỉ ở mức 1,04 lần tính tới thời điểm đáo hạn trái phiếu.
FiinRatings đánh giá, do phụ thuộc vào dòng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh, khả năng trả nợ của công ty này dễ biến động và có sức chống chịu ở mức thấp với các thay đổi về giá bán và giá nguyên vật liệu, hoặc các chi phí phát sinh khác do chậm trễ trong tiến độ xây dựng và bán hàng.
Kết quả xếp hạng tín nhiệm của Hoàng Trúc My có thể được xem xét nâng hoặc hạ điểm trong từng kịch bản cụ thể. Tuy nhiên, khả năng nâng điểm xếp hạng tín nhiệm của công ty trong 12 tháng tới ở mức thấp. Lý do là dự án Trúc My Complex hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện pháp lý và chỉ dự kiến đi vào kinh doanh từ cuối năm 2025.
Kịch bản bị hạ điểm xếp hạng diễn ra khi công ty gia tăng thêm nợ vay so với kịch bản cơ sở, trong khi nguồn thu từ bán hàng không được tốt khiến mức đòn bẩy tài chính duy trì ở mức cao trong một thời gian dài, khả năng trả nợ suy giảm làm ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ gốc trái phiếu vào năm 2028; tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý diễn ra chậm hơn dự kiến khiến cho kế hoạch phát triển dự án bị đình trệ, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán nợ gốc và lãi vay của công ty.
Công ty Hoàng Trúc My, có trụ sở tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, được thành lập vào tháng 12.2016 với vốn điều lệ ban đầu là 35 tỉ đồng. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa.
Chủ tịch kiêm giám đốc là Trịnh Hoàng Trúc My, sinh năm 1997, lúc thành lập công ty bà My chỉ mới 19 tuổi và là đại diện pháp luật doanh nghiệp thời điểm đó.
Tháng 7.2020, doanh nghiệp này tăng vốn từ 35 tỉ đồng lên 450 tỉ đồng và đến tháng 3.2021, lại giảm vốn về 400 tỉ đồng. Đây cũng là thời điểm ông Đỗ Văn Bình thay bà Trúc My đại diện pháp luật của công ty.
Ngoài ra, ông Đỗ Văn Bình còn là người đại diện pháp luật của một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH gỗ Âu Châu, Công ty TNHH sản xuất gỗ Quốc Thịnh, Công ty TNHH Sản xuất Đồ gỗ nội thất Hưng Thịnh.
Công ty Hoàng Trúc My còn được biết đến là chủ đầu tư dự án khu nhà ở 22/12 tại phường Thuận Giao, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Dự án có quy mô 33,847m2 và đã được UBND TP.Thuận An phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và chấp thuận Hoàng Trúc My làm chủ đầu tư vào năm 2017.
Vào tháng 8.2020, dự án khu nhà ở 22/12 được điều chỉnh gồm 177 căn nhà liên kề và 999 căn hộ chung cư, với tổng mức đầu tư 2.099 tỉ đồng. Quy mô dân số dự kiến là 3.385 người, với chung cư 38 tầng nổi và 3 tầng hầm.