Để nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK), Việt Nam cần chú trọng minh bạch thông tin, giải quyết những vấn đề như “room” nước ngoài còn lại, hay mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối…
Việt Nam lỡ chuyến tàu nâng hạng
Trái với kỳ vọng, MSCI vẫn chưa thêm Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi (Emerging market).
Theo báo cáo khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu trước đó, MSCI đánh giá tiêu chí "khả năng chuyển nhượng" (Transferability) của Việt Nam đã được thay đổi từ cần cải thiện "-" sang không có vấn đề lớn "+".
Việt Nam đã có sự cải thiện trong khả năng chuyển nhượng nhờ sự gia tăng giao dịch ngoài sàn và chuyển nhượng hiện vật có thể được thực hiện mà không cần có sự phê duyệt trước của cơ quan quản lý.
Việt Nam cũng tiếp tục nỗ lực phát triển thị trường có kế hoạch giải quyết một số vấn đề về khả năng tiếp cận, chẳng hạn như giới hạn sở hữu nước ngoài, công bố thông tin thị trường bằng tiếng Anh...
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều tiêu chí cần cải thiện bao gồm: Giới hạn sở hữu nước ngoài; "room" khối ngoại; quyền bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài; mức độ tự do của thị trường ngoại hối; đăng ký nhà đầu tư và thiết lập tài khoản; quy định thị trường; luồng thông tin và thanh toán bù trừ.
Theo các chuyên gia, nếu được các tổ chức này nâng hạng lên thành thị trường mới nổi, tác động rõ ràng nhất là TTCK Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn lớn hơn, ổn định và đa dạng hơn từ những nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), trong trường hợp nếu MSCI và FTSE Russell nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi thì có khả năng thu hút khoảng 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), sẽ có thêm khoảng 1,5 tỉ USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài chảy vào thị trường nếu Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp.
Bên cạnh các quỹ đầu tư, thị trường được nâng hạng cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút được thêm những đối tác đầu tư tài chính hay đầu tư chiến lược. Qua đó giúp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa cũng như cải thiện năng lực của các doanh nghiệp trên thị trường.
Ngoài ra, việc thực hiện các tiêu chí để nâng hạng sẽ giúp cải cách thể chế, hoàn thiện thị trường, thúc đẩy các doanh nghiệp và thị trường tài chính phát triển. Theo đó, TTCK phải cải thiện nhiều điều kiện: tính minh bạch thông tin, khung thể chế, cơ chế, điều kiện giao dịch thị trường…
Việc TTCK phát triển cũng sẽ giúp hệ thống tài chính Việt Nam phát triển đồng đều hơn, cân bằng hơn, các doanh nghiệp cũng sẽ có kênh huy động vốn, nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư trung - dài hạn đáng tin cậy, tạo động lực tăng trưởng kinh tế nói chung.
Cần sự nỗ lực của nhiều bên
Theo các chuyên gia, việc nâng hạng TTCK cần sự nỗ lực của nhiều bên, trong đó cần chú trọng minh bạch thông tin, cải thiện khung thể chế, điều kiện giao dịch thị trường…
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho rằng để nâng hạng thị trường, cần chú trọng cải thiện chất lượng hàng hóa trên TTCK.
“Nếu được nâng hạng mà không duy trì được chất lượng hàng hóa thì dù được nâng hạng rồi cũng sẽ bị cho xuống hạng”, ông Phụng nói và cho rằng điều này cần sự chung tay của nhiều bên, từ Nhà nước đến doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ, các đơn vị kiểm toán…
Theo đó, Nhà nước cần tạo ra môi trường vĩ mô ổn định để các doanh nghiệp phát triển tốt. Khi doanh nghiệp phát triển tốt thì chất lượng thị trường sẽ tốt, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư nói riêng lẫn nền kinh tế nói chung.
“Các doanh nghiệp phát hành chứng khoán để huy động vốn cần minh bạch, công khai trong quản trị, mục đích sử dụng vốn để nhà đầu tư yên tâm xuống tiền”, ông Phụng nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường là các công ty môi giới, người làm dịch vụ chứng khoán cũng cần nâng cao chất lượng của mình.
“Tôi mong muốn họ hãy nâng cao đạo đức kinh doanh, đừng “nói quá mức” những doanh nghiệp chất lượng kém để nhà đầu tư bị thiệt hại”, ông Phụng nhấn mạnh.
Thêm nữa, theo ông Phụng, các đơn vị kiểm toán cũng cần minh bạch, công tâm trong các kết luận của mình.
“Không thể cứ kết luận vấn đề này tốt nhưng ngoại trừ cái nọ, ngoại trừ cái kia, trong khi các nội dung được ngoại trừ khá tù mù và rủi ro với nhà đầu tư, bởi thực tế không phải ai cũng hiểu được bản chất của việc ngoại trừ”, ông Phụng chia sẻ.
TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhấn mạnh, một trong những tiêu chí được các tổ chức định hạng rất quan tâm là minh bạch thông tin. Đây vẫn là một điểm nghẽn cần sớm được giải quyết để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường trong năm 2025.
Bên cạnh việc cải thiện tính minh bạch thông tin, Việt Nam cũng cần xử lý vấn đề thanh toán, nhất là việc loại bỏ yêu cầu nhà đầu tư phải có sẵn tiền ở thời điểm đặt lệnh (pre-funding, theo Thông tư 120/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính), thay vào đó là yêu cầu có tiền ở thời điểm nhận cổ phiếu (T+2), bởi đây là tiêu chí được cả FTSE Russell và MSCI đặc biệt quan tâm trong các báo cáo đánh giá gần nhất.
Cũng theo ông Lực, việc đáp ứng các tiêu chí nâng hạng khác của MSCI khó khăn hơn nhiều, bởi Việt Nam còn nhiều yếu tố cần cải thiện.
Trong ngắn hạn, cần cải thiện khả năng chuyển nhượng thông qua việc cắt giảm thủ tục; nghiên cứu và sớm triển khai các sản phẩm, dịch vụ như cho vay chứng khoán và bán khống trên thị trường Việt Nam.
Trong dài hạn, Việt Nam sẽ cần giải quyết những tiêu chí được MSCI quan tâm, nhất là giới hạn sở hữu nước ngoài, “room” nước ngoài còn lại, hay mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối.
“Đây là những vấn đề liên quan đến các quy định pháp luật cũng như tạo ra nhiều thay đổi trong việc quan điểm hội nhập và điều hành vĩ mô của các cơ quan quản lý. Do đó, việc hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng TTCK lên mới nổi sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và bộ ngành, địa phương liên quan”, ông Lực chia sẻ.