CNN dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Congo Mutamba Tungunga cho biết trong tuần qua nước này xử tử khoảng 102 người. Ngoài ra, còn 70 người nữa sắp bị hành quyết.
Tất cả ở độ tuổi 18 - 35, là cướp có vũ trang và cướp hoạt động trong thành thị (Kulunas, theo tiếng địa phương). Hoạt động hành quyết được thực hiện tại nhà tù Angenga, 45 trường hợp vào cuối tháng 12.2024 và 57 trường hợp khác trong 2 ngày qua. Chuyến bay chở 70 tử tù nữa đã đến Angenga.
Quyết định thực thi án tử hình làm dấy lên tranh cãi. Một số người hoan nghênh vì tin rằng làm vậy góp phần khôi phục an ninh - trật tự, nhiều người khác lại lo ngại về nguy cơ lạm quyền và vi phạm nhân quyền.
Fiston Kakule, sống tại thành phố Goma miền Đông đất nước chia sẻ: “Chúng tôi ủng hộ quyết định của Bộ trưởng Tungunga, án tử hình giúp chấm dứt tình trạng tội phạm hoành hành ở thành thị. Từ 8 giờ tối trở đi bạn không thể tự do đi lại do sợ gặp phải kulunas”.
Nhà hoạt động nhân quyền Espoir Muhinuka thì cảnh báo về tình huống áp lực chính trị dẫn đến bản án bất công, hành quyết bừa bãi. Ông kêu gọi tôn trọng thủ tục tư pháp lẫn đảm bảo nhân quyền cơ bản.
“Tình hình Congo rất phức tạp đòi hỏi cách tiếp cận đa chiều. Cuộc chiến chống lại băng đảng hoạt động trong thành thị phải được thực hiện song song với nỗ lực chống đói nghèo, thất nghiệp, cô lập khỏi xã hội - những yếu tố tạo ra tội phạm”, theo nhà hoạt động Muhinuka.
Án tử hình là vấn đề nhạy cảm tại Congo. Quốc gia này bãi bỏ án tử hình vào năm 1981, nhưng đến năm 2006 lại khôi phục. Vụ hành quyết cuối cùng diễn ra vào năm 2003.
Tháng 3.2024, chính phủ Congo chính thức tuyên bố tái áp dụng án tử hình cho quân nhân phạm tội phản quốc. Vào tháng 5, có 8 binh sĩ bị tuyên tử hình vì lâm trận bỏ trốn, đến tháng 7 thêm 25 binh sĩ chịu bản án tương tự nhưng không bị hành quyết.