Vào lúc này, các thành phố cổ kính và đài các của Châu Âu vắng vẻ và đầy tiếng gió lùa. Các quảng trường và sân vận động cũng vắng tanh, các bảo tàng đóng cửa, các nhà thờ do dự về việc duy trì hoạt động, các nhà hàng cao cấp và các quán bar mát mẻ đóng cửa.

COVID-19: Châu Âu đang rệu rã với nỗi lo 'Ngày tận thế'

16/03/2020, 08:01

Vào lúc này, các thành phố cổ kính và đài các của Châu Âu vắng vẻ và đầy tiếng gió lùa. Các quảng trường và sân vận động cũng vắng tanh, các bảo tàng đóng cửa, các nhà thờ do dự về việc duy trì hoạt động, các nhà hàng cao cấp và các quán bar mát mẻ đóng cửa.

Coronavirus không chỉ làm bệnh dịch lây lan mà còn làm lây nhiễm trong xã hội cảm giác bất an, sợ hãi và rệu rã. Trên hết, COVID-19 đã khiến nhân loại hết tự phụ về khả năng kiểm soát hay khả năng bất khả chiến bại từ sức mạnh của khoa học, công nghệ và nền dân chủ.

Nếu đó là sự thật gần như mọi nơi mà vi-rút đi qua, thì ở châu Âu, nơi cuộc sống thường nhật luôn tràn đầy sinh khí của giao lưu, nơi mọi người thường gặp gỡ nhau trên đường phố hoặc trong quán cà phê, và có thói quen chào đón bạn bè với nụ hôn lên má

Giờ thì không còn nữa. Lúc này, người châu Âu được khuyên phải trốn tránh, tạo ngăn cách biên giới giữa các quốc gia, thậm chí ngay trong thành phố, trong các khu phố hay xung quanh nhà của mỗi người - để bảo vệ bản thân khỏi hàng xóm, thậm chí là người thân của họ.

Đối mặt với một loại vi-rút không đếm xỉa đến biên giới, châu Âu hiện đại vốn không có biên giới giờ lại đang phải xây dựng ranh giới ở khắp mọi nơi. Nhưng các quốc gia khác nhau có cách giải quyết khác nhau, và mỗi hành động rời rạc và khác biệt đã làm tăng cảm giác về sự tách biệt cũng như cảm giác rằng nghi kỵ trong khối.

Nghịch lý của một loại vi-rút không có biên giới là giải pháp đòi hỏi phải có biên giới, không chỉ giữa các quốc gia mà còn ở bên mỗi nước, bà Neilalie Tocci, cố vấn của Liên minh châu Âu cho biết. Tuy nhiên, việc dựng biên giới một cách không phối hợp sẽ không giúp được gì. Trên thực tế, việc dựng biên giới có thể không tạo ra nhiều khác biệt. Các mối đe dọa vô hình đã tồn tại ở bên trong.

Mặc dù vậy, chắc chắn có một sự quay trở lại với mô hình nhà nước truyền thống trong kiểm soát và trấn an. Khi đại dịch lan rộng từ Ý sang Tây Ban Nha, Pháp, Đức và xa hơn nữa, ngày càng có nhu cầu về các phương pháp khắc nghiệt, thậm chí độc đoán, nhiều trong số chúng được lấy cảm hứng từ Trung Quốc.

Sau khi xem dịch bệnh ở Trung Quốc với sự thờ ơ khó tin, châu Âu đã bị Ý làm ​​cho khiếp sợ. Đột nhiên, nhiều quốc gia trên lục địa già đang cố gắng cách ly, để bảo vệ chính họ và công dân của họ. Ý tưởng về sự đoàn kết châu Âu và về một châu Âu không biên giới với mặc định là nơi công dân có thể tự do đi lại và làm việc, dường như đã biến mất. Nếu đại dịch có tính chất như một cuộc chiến tranh, đòi hỏi phải có hành động mạnh mẽ, thì kẻ thù có thể là người đứng cạnh bạn.

Nó không còn chỉ là vấn đề về biên giới giữa các quốc gia nữa, mà là ngay cả giữa các cá nhân, ông Ivan Krastev, người điều hành Trung tâm Chiến lược Tự do và là thành viên thường trực tại Viện Khoa học nhân loại ở Vienna.

Bây giờ nó không chỉ là nỗi sợ đơn lẻ với ai đó, ông Krastev nói. Tất cả mọi người xung quanh bạn đều có thể là một mối nguy hiểm, mang vi-rút. Người đó có thể không biết chính mình là mối nguy hiểm cho bạn, và người duy nhất gặp nguy hiểm là người bạn không bao giờ gặp, người ngồi trong nhà. Thậm chí những cử chỉ thân thiện như nụ hôn bỗng trở thành nguy hiểm, hay như là cái ôm chia sẻ vui buồn cũng vậy.

Ông Krastev đã nghiên cứu về cuộc khủng hoảng di cư ở Châu Âu, gọi đó là một cú sốc lớn như sự sụp đổ ở Đông Âu 3 thập niên trước. Nhưng bây giờ không ai nói về việc mở biên giới, ông nói. Ngay bây giờ, nỗi lo không chỉ là người di cư mà bạn sợ tất cả mọi người.

Tường thuật về cuộc khủng hoảng người nhập cư bao gồm các so sánh ẩn dụ như cơn lũ, xâm lược và thậm chí là đại dịch côn trùng và giờ là thêm tuyên bố rằng những người nhập cư đang mang bệnh. Người nhập cư muốn rời bỏ cuộc sống khốn khổ của họ đến một châu Âu mà họ coi là an toàn và giàu có. Nhưng giờ châu Âu cũng không còn an toàn.

Bây giờ, người nhập cư sẽ tự hỏi: Có phải bệnh dịch còn tồi tệ hơn chiến tranh không? Ông Krastev nói. Bạn không thể thương lượng với bệnh dịch hoặc chạy trốn (như khi đối mặt với cảnh sát).

Cuộc khủng hoảng của COVID-19 đang làm tăng thêm bất ổn cho sự bất ổn, thêm sợ hãi cho nỗi sợ hãi, thúc đẩy quá trình lo lắng về một thế giới đang chuyển động quá nhanh, theo ông Dominique Moïsi, một nhà khoa học chính trị người Pháp khi nói về căn bệnh do coronavirus mới gây ra.

Với khủng bố, hoảng loạn kinh tế, bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu và người nhập cư, ông nói, chúng vốn bất ổn và không thể biết được điều gì phía trước. Bây giờ đến một kẻ thù vô hình. Bạn có thể đặt tay lên một tay nắm cửa và nhiễm vi-rut - đó là nỗi sợ hãi lớn nhất, Moïsi nói. Moïsi kể khi ông chạm và hôn má người cháu của mình, ông đã bắt đầu bị ám ảnh bởi cái chết từ lây lan dịch.

Tuy nhiên, việc trấn an toàn xã hội là một điều khó khăn và cấp thiết hơn bởi vì kẻ thù dịch bệnh là thứ vô hình, ông nói. Paris đã trải qua khủng bố và chứng kiến ​​150 người thiệt mạng trong một đêm năm 2015, đó là sự tàn bạo nhưng hữu hình. Còn số người chết vì vi-rút sẽ nhiều hơn rất nhiều, nhưng nó vô hình mà chúng ta chưa bao giờ trải nghiệm.

Vì vậy, rất khó cho các chính phủ đã từng thành công khi trấn an dân chúng trong thời kỳ khủng bố, giờ đây phải tìm cách khiến dân chúng đang sợ hãi hành động vì lợi ích chung.

Trong dịch bệnh hồi thế kỷ 14, đã cướp đi rất nhiều sinh mạng, mọi người tin rằng Chúa đã kết án những người đáng chết và chọn những người được cứu rỗi. Nhưng trong một xã hội thế tục, người khác khó tin vào điều này, ông Krastev nói. Thay vào đó, có tất cả những thuyết âm mưu với bài báo nói về vi-rut nước ngoài, và thậm chí một phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng quân đội Mỹ phải chịu trách nhiệm.

Năm 2003, George Steiner, nhà triết học châu Âu đã chết vào tháng trước, đã viết một bài luận nổi tiếng cho Viện Nexus có tên là Ý tưởng của châu Âu. Nhưng ý tưởng đó đang bị đe dọa.

Theo đó, bản sắc văn hóa của Châu Âu được thành lập dựa trên một số đặc điểm còn thiếu ở Mỹ, nơi văn hóa xe hơi, ngoại ô xô bồ và không gian mở bao la mang đến cảm giác cách biệt.

Còn ở châu Âu, đó là văn hóa của những quán cà phê, nơi mọi người gặp gỡ, đọc, viết và vẽ. Chúng là những nơi người ta tha hồ tham gia các cuộc tranh luận bàn bạc, nơi cho các nhà văn và nhà thơ, triết học, hoạ sĩ… chiêm nghiệm sáng tạo.

Châu Âu cũng có cả một nền văn hóa dành cho người đi bộ, được hình thành trên các quảng trường và đường phố nhỏ, thường được đặt theo tên của các học giả và chính khách nổi tiếng. Còn trong thời gian bệnh dịch này, các quán cà phê đóng cửa và quảng trường vắng người dân và khách du lịch, cả hai đặc trưng của châu Âu ở quán xá và quảng trường đều bị phá hủy, dẫn đến sự cô lập và cô đơn, ông Krastev nói.

Nhưng có lẽ quan trọng nhất, ông Steiner đã viết, là cảm giác về cái chết và sự suy tàn của người châu Âu đang ngự trị ở lục địa già. Sâu xa trong niềm tin tôn giáo và triết học châu Âu có đề cập đến sự kiện tận thế bi thảm. Châu Âu, không giống như các nền văn minh khác, luôn ám ảnh có một ngày nào đó sẽ sụp đổ dưới sức nặng từ mặt trái của những thành tựu, giàu có... Dù giờ không phải là ngày tận thế, nhưng tâm trạng thật nghiệt ngã.

Tuy nhiên, đôi khi nỗi sợ bị phá vỡ bởi những hành động đáng ngạc nhiên của nhân loại và tình đoàn kết, bà Tocci lưu ý. Một người Ý, bà Tocci đang ở nhà tại Rome cùng chồng và các con, phải điền vào mẫu đơn của cảnh sát khi bà ra ngoài đường, thậm chí là khi đi đến cửa hàng tạp hóa và bà đang cố gắng nhìn nhận vào khía cạnh lạc quan của cuộc sống cách ly.

Bạn có thể dành thời gian cho con cái và gia đình, trên mạng, trò chuyện với cha mình bằng Skype, bà Tocci đánh giá mạng xã hội đang chứng tỏ là có lợi hơn so với tính toán.

Người Ý đã hát với nhau từ ban công tách biệt của họ và thể hiện sự cảm kích thống nhất đối với các nhân viên y tế đang kiệt sức vì họ, bà nói. Người dân dù sợ hãi nhưng hầu hết vẫn thể hiện trách nhiệm và sự đoàn kết.

Tác giả bài viết Steven Erlanger kể: Ngay cả trên con đường Brussels buồn tẻ và trống rỗng, ai đó đã treo một lá cờ Ý từ một cửa sổ căn hộ. Và vẫn còn đó, trong các cửa hàng tạp hóa, nơi mọi người di chuyển âm thầm và cẩn thận xung quanh nhau, những khoảnh khắc của cảm xúc được chia sẻ. Một người phụ nữ với giỏ hàng đầy ắp đang cố xếp thêm một gói giấy vệ sinh và làm rơi điện thoại. Tôi nhặt nó lên và đưa cho cô ấy, rồi nghĩ tôi đã ngu ngốc đến mức nào, nhưng cô ấy cảm ơn tôi và mỉm cười buồn bã, thấu hiểu sự nghi ngại của tôi.

Ông Krastev đang cố gắng quyết định nên ở lại Vienna hay đưa gia đình tới Bulgaria, nơi các cơ sở y tế dù yếu kém hơn nhưng vi-rút ít lây lan và nơi ông có gia đình và bạn bè thân thiết hơn.

Đâu là nơi an toàn hơn, một câu hỏi cho tất cả mọi người đang trong cảm giác sống tị nạn, Krastev tự hỏi. Con gái ông vừa trở về từ Tây Ban Nha và đã không hiểu tại sao cô không thể ở lại đó. Nhưng Krastev nói với con gái, Tây Ban Nha mến khách mà con yêu thích sẽ biến mất sau 48 giờ nữa.

Nhiều người đã chú ý đến La Peste (Bệnh dịch), một tác phẩm ngụ ngôn được xuất bản năm 1947 bởi Albert Camus. Tác phẩm được coi là một bài học không chỉ về cách mọi người hành xử trong đại dịch, mà là cách tự nhiên bùng nổ để chế giễu sự giả tạo của chúng ta.

Khi bệnh dịch hạch cuối cùng cũng xuất hiện trong thành phố vui nhộn của mình, nhân vật chính là Tiến sĩ Bernard Rieux, nói rằng bệnh dịch không bao giờ bị tiêu diệt hoặc biến mất, mà chỉ vắng bóng một thời gian.

Anh Tú (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
COVID-19: Châu Âu đang rệu rã với nỗi lo 'Ngày tận thế'