Các nền kinh tế lớn châu Âu đang hứng chịu sự hoành hành của dịch bệnh và đã bắt đầu thực hiện những biện pháp quyết liệt phòng chống COVID-19.

COVID-19: Đức đóng cửa biên giới, Ý và Tây Ban Nha tăng vọt ca tử vong

16/03/2020, 14:08

Các nền kinh tế lớn châu Âu đang hứng chịu sự hoành hành của dịch bệnh và đã bắt đầu thực hiện những biện pháp quyết liệt phòng chống COVID-19.

Châu Âu đang căng thẳng đối phó với dịch COVID-19 - Ảnh: Internet

Đức thắt chặt biên giới

Đức sẽ đóng cửa một phần biên giới với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Luxembourg và Đan Mạch khi nước này tăng cường nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch do chủng coronavirus mới.

Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer cho biết những sự kiểm tra mới sẽ có hiệu lực vào 8 giờ sáng thứ hai 16.3 theo giờ Đức (tức đầu giờ chiều Việt Nam).

Những người qua lại biên giới để làm việc vẫn có thể đi qua, giao thương hàng hóa cũng thế. Tuy nhiên, những người "không có lý do chính đáng để đi lại sẽ không còn được phép ra hay vào nước Đức", ông Seehofer nói thêm.

Nhưng điều này chỉ áp dụng với người không có quốc tịch Đức. Bộ trưởng Seehofer nhấn mạnh rằng công dân Đức ở các nước láng giềng sẽ được phép hồi hương.

Đức vào thứ bảy vừa rồi đã xác nhận có gần 4.000 ca nhiễm COVID-19 và 11 trường hợp tử vong.

Nước láng giềng phía bắc Đức là Đan Mạch và các nước láng giềng phía đông như Ba Lan, Czech đã đóng cửa biên giới trong những ngày gần đây.

Ý ghi nhận 365 trường hợp tử vong mới trong vòng 24 giờ

Hôm nay, Ý thông báo có thêm khoảng 3.590 trường hợp nhiễm coronavirus trong 24 giờ qua, nhiều hơn gần 100 ca so với mức tăng của ngày hôm trước. Đồng thời, các ca nhiễm mới nâng tổng số người mắc coronavirus tại Ý lên 24.747.

Trong đó số người chết tăng kỷ lục với 368 ca trong 24 giờ qua, nâng số tử vong từ đầu dịch lên 1.809. Cho đến nay, vùng Lombardi vẫn là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 1.218 trường hợp tử vong và 13.272 trường hợp dương tính COVID-19.

Chính quyền địa phương đang lo ngại về năng lực của hệ thống bệnh viện cho dù hệ thống y tế ở đây là một trong những nơi hoạt động hiệu quả nhất ở châu Âu, bởi số người nhiễm ngày càng cao.

"Số ca nhiễm tiếp tục tăng. Chúng tôi sẽ sớm tới lúc không còn giường bệnh trống", Thống đốc Lombardi Attilio Fontana cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với Sky TG24 vào Chủ nhật trước khi công bố báo cáo mới nhất.

Giulio Gallera, quan chức y tế hàng đầu của vùng Lombardi, đã đưa ra nhận xét tương tự: "Ở Bologna, chúng tôi vẫn còn 15 đến 20 giường trị liệu chuyên sâu. Chúng tôi đang ở gần điểm tới hạn". Còn theo ông Fontana, việc thiết lập một bệnh viện dã chiến với 500 phòng trị liệu chuyên sâu đang được lên kế hoạch trong hai khu triển lãm tại Hội chợ Milan.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đại đa số những người nhiễm COVID-19 phải được điều trị trong vòng vài tuần.

Viện trưởng Viện Y tế quốc gia Ý Silvio Brusaferro cũng không biết liệu Ý đã đạt đến đỉnh điểm hay chưa và khi nào có thể chứng kiến ​​số ca mắc mới bắt đầu giảm.

Tử vong ở Tây Ban Nha tăng gấp đôi trong một ngày, lên 288 ca

Cơ quan y tế Tây Ban Nha cho biết tử vong do coronavirus đã tăng hơn gấp đôi trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm lên tới 8.000 ca vào Chủ nhật vừa qua. Cụ thể, Tây Ban Nha đã có 7.753 ca nhiễm bệnh, thẻ hiện sự tăng vọt khi thứ bảy tuần trước mới chỉ có 5.700 ca. Khoảng một nửa trong số đó tập trung ở thủ đô Madrid.

Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết nước này đã ghi nhận 288 trường hợp tử vong kể từ khi bắt đầu đại dịch, trong khi cuối tuần trước chỉ là 136. Cú nhảy tử thần diễn ra một ngày sau khi chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố tình trạng khẩn cấp và thực hiện các biện pháp bất thường để hạn chế di chuyển không cần thiết.

Chính quyền Tây Ban Nha cũng đã đóng cửa nhà hàng, quán bar, hầu hết các cửa hàng bán lẻ và cắt giảm giao thông công cộng.

Áo hạn chế di chuyển trên toàn quốc

Thủ tướng Sebastian Kurz vào Chủ nhật 15.3 nói với báo chí Áo rằng chỉ có 3 lý do để mọi người rời khỏi nhà: công việc thiết yếu, mua sắm thiết yếu như thực phẩm, giúp đỡ người khác.

Bình luận của ông Kurz được đưa ra ngay sau khi thống đốc tỉnh Tyrol tuyên bố cách ly cho khu tỉnh nằm trên cao nguyên. Áo, một quốc gia có khoảng 8 triệu người, đã xác nhận 800 trường hợp nhiễm coronavirus mới.

Những người trên 70 tuổi ở Anh sẽ được yêu cầu tự cách ly

Người cao tuổi ở Anh sẽ được yêu cầu tự cách ly "trong vài tuần tới", Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nói với kênh Sky News của Anh hôm Chủ nhật. Ông Hancock đang phải giải quyết mối lo ngại ngày càng tăng về sự bùng phát coronavirus ở Anh.

Bộ trưởng Y tế Anh nói rằng chính phủ đã đặt ra các hạn chế áp dụng trong những ngày tới, trong đó có yêu cầu những người dễ bị tổn thương và những người trên 70 tuổi cần tự cách ly trong thời gian có thể lên đến 4 tháng. Đó là một phần trong kế hoạch hành động để đối phó dịch bệnh của chính phủ.

Ông Hancock cũng kêu gọi các nhà sản xuất tăng cường chế tạo thêm máy thở mà theo ông là "quan trọng" trong trận chiến để cứu giúp bệnh nhân. "Chúng tôi mới có khoảng 5.000 máy thở. Chúng tôi nghĩ rằng mình cần nhiều hơn thế," ông Hancock nói.

Đối với hầu hết mọi người, coronavirus mới chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình, chẳng hạn như sốt và ho. Đối với một số người, đặc biệt là người lớn tuổi và những người có vấn đề về sức khỏe hiện tại, nó có thể gây ra bệnh nặng hơn, gồm cả viêm phổi.

Anh Tú (theo Euro News)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
COVID-19: Đức đóng cửa biên giới, Ý và Tây Ban Nha tăng vọt ca tử vong