9 triệu dân ở các thành phố Trung Quốc sẽ mất việc trong năm nay, và từ 18 đến 30 triệu người ở các thành phố sẽ phải chấp nhận bị giảm từ 30 đến 50% lương.

Trung Quốc: Hàng chục triệu người bị giảm lương, mất việc

16/03/2020, 06:13

9 triệu dân ở các thành phố Trung Quốc sẽ mất việc trong năm nay, và từ 18 đến 30 triệu người ở các thành phố sẽ phải chấp nhận bị giảm từ 30 đến 50% lương.

Chủ quán ăn phải xắn tay nấu món bán cho khách Bắc Kinh - Ảnh: Getty Images

Đó là ước tính của bà Dan Wang, nhà phân tích của tổ chức dự báo kinh tế Economist Intelligence Unit (Anh). Còn theo hãng tin CNBC, dấu chỉ một nền kinh tế ảm đạm do dịch COVID-19 gây ra là các doanh nghiệp Trung Quốc bị tổn thất nặng nề nhất vẫn đang bị chật vật vì nhân công chưa quay lại làm việc, và nhiều người lao động đã phải chấp nhận bị giảm lương.

Dịch COVID-19 bùng phát từ thành phố ổ dịch Vũ Hán hồi cuối tháng 12.2019, từ đó phát tán cấp toàn cầu, hơn 150 quốc gia và lãnh thổ bị nhiễm dịch và làm chết gần 6.000 người, tính đến ngày 15.3.

Đa số ca tử vong là ở Trung Quốc, nơi đã phải kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chí ít 1 tuần tại hơn một nửa quốc gia, trong nỗ lực hạn chế sự lây nhiễm coronavirus.

Hiện số ca nhiễm mới đã giảm đáng kể, nhưng các chính quyền địa phương vẫn quyết liệt phòng chống dịch tái bùng phát. Chính quyền đã ban hành nhiều biện pháp nghiêm khắc (đôi lúc mâu thuẫn) nhằm hạn chế đi lại, cách ly du khách trong 14 ngày và bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi họ trở lại nơi làm việc.

Vẫn thiếu nguồn lao động dù Trung Quốc đã qua đỉnh dịch

Trong khi các công ty nhà nước và các ngành công nghiệp lớn chính thức làm việc trở lại ở mức 90% hoặc cao hơn, giới doanh nghiệp nhỏ và vừa không thuộc tâm dịch tỉnh Hồ Bắc chỉ mới làm việc trở lại ở mức 60%, theo thông tin của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MITT) ngày 13.3.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức tăng kể trên là một sự cải thiện, so với mức 50% trong tuần trước đó. Sự hạn chế đi lại và biện pháp cách ly bắt buộc 14 ngày đã khiến nhiều người dân khó thể quay trở lại làm việc, từ đó làm trì hoãn các hoạt động logistic, theo lời Thứ trưởng MITT Tân Quốc Bân cho biết.

Ông Tân cũng nói các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng bị thiếu vốn làm ăn và trang phục bảo hộ lao động, trong khi việc nối lại hoạt động và sản xuất của các doanh nghiệp trong cùng dây chuyền cung ứng lại không đồng bộ.

Chính phủ Trung Quốc đã xếp các doanh nghiệp nhỏ vào diện “hộ kinh doanh” với 80 triệu hộ vốn sử dụng hơn 200 triệu lao động trên toàn quốc. Trong hạng mục này có 95% trong 20 triệu “hộ” làm ăn ở các mảng ẩm thực, theo phân tích của tổ chức dữ liệu kinh doanh Qichacha.

Các nhà hàng ăn, quán bar và các dạng quán ăn - uống khác này đều cảm nhận tác động kinh hoàng của dịch COVID-19, theo các nhà phân tích khẳng định. Hiện Trung Quốc đã nới lỏng hạn chế đi lại, tấp nập nhiều người hơn so với giai đoạn “thành phố ma”, nhưng các tiệm bán mặt tiền, chủ yếu là các quán ăn, vẫn phải đóng cửa. Vì chính quyền thành phố cấm tụ tập đông người, nên các quán ăn nào cố gắng mở cửa hoạt động chỉ được phép xếp 2, 3 khách ngồi chung một bàn.

Bà Gao Han, lãnh đạo nhóm sản xuất - bán lẻ thuộc tổ chức tư vấn Alvarez & Marsal ở Bắc Kinh, nói ngành ẩm thực không chỉ có doanh số quá thấp so với năm 2019, mà còn “cực kỳ thiếu nhân viên”, đến độ giám đốc nhà hàng cũng phải nhào vào bếp để nấu món bán cho khách.

Bà Gao nói: “Sự trở lại của người lao động chắc chắn là nguyên nhân chính khiến ngành kinh doanh nhà hàng có tỉ lệ phục hồi quá thấp”, và bà ước tính chỉ có 40% các nhà hàng mở cửa lại, với khoảng 20% số nhân viên trở lại làm việc.

CNBC nêu không thể rõ tỉ lệ trở lại làm việc là bao nhiêu nhân viên, nhưng ngành ăn uống là một phần trong lĩnh vực dịch vụ thuê nhiều nhân viên từ các vùng nghèo của Trung Quốc.

Ngành ăn uống không là ngành duy nhất phải đối mặt với thách thức về nguồn lao động. Đối với các vùng nghèo nhất nước, số lao động nhập cư quay lại chỗ làm đạt 14,2% hôm 5.3, theo người phát ngôn Su Guoxia của Cơ quan Xóa nghèo thuộc chính phủ Trung Quốc.

Giai đoạn sau Tết Nguyên đán thường là thời điểm đỉnh để đổi việc làm, nhưng diễn đàn tuyển dụng lao động Moka (Trung Quốc) cho biết khách của họ - chủ yếu là các công ty lớn và các công ty làm việc trực tuyến - trong năm nay lại không cần quá nhiều nhân viên mới, đồng thời cũng rất ít người đăng ký tìm kiếm việc làm.

Thường thì việc làm mới sẽ khiến quỹ lương tăng lên từ 20 đến 30% nhưng trong nửa đầu năm nay sẽ không có nhiều thay đổi về mức lương đã thỏa thuận, theo giám đốc tiếp thị Yu Tingting của Moka cho biết.

Các công ty nước ngoài làm ăn ở Trung Quốc thì dần trở lại hình thức làm việc tại chỗ hoặc làm việc từ xa, cũng phải đối phó với sự hạn chế đi lại cùng sức tăng trưởng kinh tế bị chậm lại ở Trung Quốc.

Ông Steven Lynch, giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Vương quốc Anh, nói nhiều công ty thành viên đang phải giảm nguồn quỹ lương từ 25 đến 50%.

Và trong khi một số công ty trực thuộc nhà nước (SOE) được chính phủ ưu ái hỗ trợ, như được vay lãi suất thấp, thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tư nhân vẫn đang chật vật: “Họ không có nguồn thu từ vài tháng qua. Nhiều công ty nói họ sắp bị phá sản vì không có khách”.

Doanh nghiệp nhỏ chỉ còn lưa thưa nếu thời gian phục hồi kéo dài

Khi số ca nhiễm dịch COVID-19 giảm trung bình 20 ca/ngày ở Trung Quốc và tỉnh Hồ Bắc dần trở lại làm việc, các nhà phân tích kỳ vọng hoạt động kinh tế của Trung Quốc sẽ trở lại bình thường trong vòng khoảng 1 tháng nữa.

Ông Scott Galit, giám đốc dịch vụ thanh toán tài chính xuyên biên giới Payoneer (chuyên làm việc với các nhà buôn qua mạng internet) nói: “Trong khi có sự rối loạn cung ứng, đa số người mà chúng tôi đã trò chuyện đều nói ít ra họ cũng sẽ bắt đầu trông chờ sự trở lại bình thường.

Ông Galit còn nói sự phục hồi kinh tế Trung Quốc vẫn còn “mong manh dễ vỡ”, lưu ý những sự lo ngại như liệu dịch COVID-19 sẽ tác động đến nguồn cung ứng cho các sự kiện bán lẻ, hoặc sự rối loạn kinh tế khi mà dịch COVID-19 đã loang khắp thế giới.

Tầm cỡ lây lan của dịch vào nguồn cầu của toàn cầu cũng nhồi thêm sự bất an cho Trung Quốc vốn vừa tuyên bố đã vượt qua giai đoạn đỉnh dịch trong tuần này. Cho đến nay, các nhà phân tích cùng các nhà kinh tế học đang dự báo một sự phục hồi kinh tế nhanh chóng ở Trung Quốc, một khi đã chấm dứt dịch và người tiêu dùng Trung Quốc lại vung tiền mua sắm.

Nhưng các doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc chỉ có thể chờ thêm một thời gian nữa, nhất là ngành ẩm thực. Bà Gao nói: “Cuộc phục hồi càng dài sẽ càng giảm số người tham gia thị trường này. Họ có thể bỏ cuộc bất kỳ lúc nào. Khi chúng tôi có được điều gọi là phục hồi trong tháng 6 tới, có lẽ chúng tôi sẽ chứng kiến vài người chơi không còn hiện diện”.

Mỹ Trinh (theo CNBC)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Dự kiến cung cấp miễn phí phần mềm chống lừa đảo cho người dân vào tháng 7
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia cho biết phần mềm sử dụng công nghệ tiên tiến để kiểm tra số điện thoại, địa chỉ website, số tài khoản, quét mã độc và kiểm tra mã QR, giúp người dùng tránh xa các mối nguy hiểm tiềm tàng trên không gian mạng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc: Hàng chục triệu người bị giảm lương, mất việc