Chính sách mua bán điện trực tiếp (DPPA) có hiệu lực, được đánh giá rất quan trọng bởi tính bền vững, lâu dài. Các tập đoàn lớn của thế giới tại Việt Nam đều đang rất trông chờ vào cơ chế này.
Kinh tế - đầu tư - dự án

'Cú huých' cho doanh nghiệp khi được mua bán điện trực tiếp

Tuyết Nhung 19:27 04/07/2024

Chính sách mua bán điện trực tiếp (DPPA) có hiệu lực, được đánh giá rất quan trọng bởi tính bền vững, lâu dài. Các tập đoàn lớn của thế giới tại Việt Nam đều đang rất trông chờ vào cơ chế này.

Đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3.7.2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Theo nghị định này, việc mua bán điện được thực hiện theo hai hình thức là qua đường dây kết nối riêng và qua lưới điện quốc gia.

mua-ban-dien-truc-tiep.jpg
Việc ban hành cơ chế DPPA được đánh giá rất quan trọng với ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam - Ảnh: IT

Trong đó, hình thức mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện năng qua đường dây kết nối riêng giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Còn hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia sẽ được thông qua hợp đồng kỳ hạn giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền).

Đối với hình thức này, Chính phủ quy định đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán toàn bộ điện năng sản xuất vào thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền ký hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực hoặc đơn vị được ủy quyền/phân cấp để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu.

Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền mua bán điện thông qua hợp đồng kỳ hạn.

Về hình thức mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, Chính phủ quy định đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn thực hiện mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây kết nối riêng theo các nguyên tắc hợp đồng mua bán điện do hai bên thỏa thuận. Giá bán điện cũng do 2 bên tự thỏa thuận trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định này.

Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện về công suất, sản lượng, giá đối với sản lượng điện dư với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (hoặc đơn vị được ủy quyền) theo quy định.

Ngoài các hoạt động mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng quy định ở trên, khách hàng sử dụng điện lớn được mua bán điện với Tổng công ty Điện lực (hoặc đơn vị bán lẻ điện không phải Tổng công ty Điện lực) theo quy định.

Trường hợp đơn vị điện lực vừa thực hiện chức năng phát điện và chức năng bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia đồng thời với các nguồn điện tại chỗ khác để bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện trong các mô hình khu, cụm, giá bán lẻ điện cho khách hàng được thực hiện theo quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.

Về hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, Nghị định cũng quy định rõ việc bán điện của đơn vị phát điện năng lượng tái tạo qua thị trường điện giao ngay và việc mua bán điện với Tổng công ty điện lực.

Theo quy định, giá thị trường điện giao ngay là giá thị trường điện toàn phần được hình thành theo từng chu kỳ giao dịch của thị trường điện giao ngay và được xác định bằng tổng của giá điện năng thị trường và giá công suất thị trường. Trong đó, giá điện năng thị trường và giá công suất thị trường được xác định theo quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành.

"Cú huých" cho doanh nghiệp

Được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng với các doanh nghiệp, cơ chế DPPA nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện, và kỳ vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ ban hành cơ chế này có thể giúp cho nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư mới.

Cơ chế DPPA được cho là sẽ đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện; góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường; hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Cơ chế cũng phù hợp với chủ trương, chính sách của Việt Nam về khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đồng thời tuân thủ quy định Luật Điện lực và các văn bản chỉ đạo có liên quan.

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện bày tỏ sự quan tâm tham gia cơ chế DPPA và mong muốn Việt Nam sớm ban hành cơ chế này với kỳ vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Một số tập đoàn lớn như Samsung, Apple, Heiniken, Google, Nike... đã gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương thể hiện sự ủng hộ đối với cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), một số doanh nghiệp có nhu cầu tham gia cơ chế DPPA (Samsung, Heineken, Nike) có tổng sản lượng điện tiêu thụ bình quân tháng đều lớn hơn 1.000.000kWh/tháng. Một số cơ sở của Heineken ở Quảng Nam và Hà Nội có sản lượng tiêu thụ khoảng từ 500.000 đến 800.000kWh/tháng. Các cơ sở này đều đấu nối ở cấp 22kV trở lên.

Đáng chú ý, kết quả của cuộc khảo sát về nhu cầu tham gia mua bán điện trực tiếp của bên bán và bên mua cho thấy nhu cầu về hình thức này rất lớn.

Cụ thể, về nhu cầu tham gia DPPA của bên bán (các đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo) cho thấy, trong số 95/106 dự án có công suất đặt từ 30MW trở lên (42 dự án điện mặt trời và 64 dự án điện gió) tham gia khảo sát có 24 dự án (với công suất đặt 1.773MW) mong muốn tham gia; 17 dự án (công suất đặt 2.836MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng. Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên mua điện (là các tổ chức đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22kV trở lên) cho thấy, có gần 50% số khách hàng được khảo sát trả lời mong muốn được tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu ước tính 996MW.

Trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: "Nghị định này cần được xây dựng theo tinh thần là làm khẩn trương, làm theo cơ chế rút gọn, nhưng cũng phải đúng theo quy định của pháp luật, không bỏ sót khâu nào trong quy trình mà chỉ cố gắng rút ngắn về mặt thời gian".

Bài liên quan
Trình Chính phủ cơ chế mua bán điện trực tiếp trong tháng 5
Tại chỉ thị mới, Thủ tướng yêu cầu tháng 5.2024 Bộ Công Thương phải trình Chính phủ cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Diễn đàn Hợp tác Việt Nam – EU ‘Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững’
Ngày 7.11 tại TP.HCM đã diễn ra diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU “Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Cú huých' cho doanh nghiệp khi được mua bán điện trực tiếp