Theo CBRE, sự phát triển của kinh doanh trực tuyến sẽ không gây trở ngại đến kế hoạch mở rộng cửa hàng của các nhà bán lẻ trong năm 2016, nhất là các nhà bán lẻ truyền thống.

Cửa hàng bán lẻ vẫn 'sống khỏe' dù thương mại điện tử phát triển

Phan Diệu | 31/03/2016, 07:18

Theo CBRE, sự phát triển của kinh doanh trực tuyến sẽ không gây trở ngại đến kế hoạch mở rộng cửa hàng của các nhà bán lẻ trong năm 2016, nhất là các nhà bán lẻ truyền thống.

Trong bản nghiên cứu “Mức độ sôi động của các nhà bán lẻ toàn cầu” doTập đoàn đa quốc giaCBRE mới công bố, cửa hàng bán lẻ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng.
Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy 83% thương hiệu cho biết kế hoạch mở rộng trong năm 2016 của họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của thương mại điện tử.
Trong khi đó, từ góc độ của nhà bán lẻ, chỉ 22% thương hiệu lo ngại việc cạnh tranh gay gắt với hình thức bán lẻ trực tuyến là mối đe dọa kinh doanh với họ.
Cùng lúc, các nhà bán lẻ khá lạc quan một cách thận trọng trong việc mở rộng hệ thống cửa hàng. Trong số những người được hỏi, 17% thương hiệu có mong muốn mở rộng quy mô lớn với dự định mở thêm hơn 40 cửa hàng trong năm 2016 (tăng so với 9% năm 2015). Phần lớn (67%) thương hiệu chỉ dự định mở thêm khoảng 20 cửa hàng.
“Sự hiện diện của cửa hàng tại các địa điểm then chốt vẫn đóng vai trò quan trọng đối với hình ảnh thương hiệu. Các cửa hàng vẫn cần tạo sự hấp dẫn với người mua, và khách hàng vẫn thấy họ cần đến cửa hàng để tự chọn sản phẩm và tận hưởng cảm giác thỏa mãn đi cùng với sự trải nghiệm thương hiệu cụ thể”, ông Joel Stephen, Giám đốc cấp cao, Trưởng đại diện bán lẻ CBRE châu Á cho biết.
Đối với ngành bán lẻ Việt Nam, dù quy mô thị trường lớn, nhưng ngành bán lẻ của Việt Nam vẫn còn tập trung quá nhiều vào các kênh phân phối truyền thống thông qua chợ, cửa hàng nhỏ lẻ.
So với các nước trong khu vực, tỷ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam mới chỉ là 25%, thấp hơn nhiều so với Singapore ( 90%), Malaysia (60%), Trung Quốc (51%), Thái Lan (34%), Phillippines (33%) …
Hiện tại, cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại và hàng trăm cửa hàng tiện lợi có thương hiệu. Theo quy hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.
Đối với thị trường bán lẻ thế giới, trong khi các nước châu Âu là điểm đến lý tưởng năm nay thì Trung Quốc là thị trường mục tiêu đứng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thứ 4 toàn cầu.
Có 27% nhà bán lẻ dự định mở rộng cửa hàng tại nước này, tiếp theo đó là Hồng Kông tại vị trí thứ 6 (24%), Nhật Bản thứ 7 (22%) và Singapore thứ 9 (21%). Ba thị trường bán lẻ hàng đầu thế giới là Đức (35%), Pháp (33%) và Anh (29%).
Khi được hỏi về các nhân tố rủi ro trong năm tới, các thương hiệu cho biết sự leo thang chi phí bất động sản (56%) và bất ổn trong triển vọng kinh tế (42%) tiếp tục là mối quan ngại hàng đầu của họ.
Ông Henry Chin, Trưởng bộ phận Nghiên cứu CBRE châu Á – Thái Bình Dương nhận định “môi trường kinh tế ngày càng khó khăn, và những mối quan ngại về chi phí vận hành cao và thiếu không gian chất lượng đồng nghĩa với việc các nhà bán lẻ phần nào sẽ cẩn trọng hơn trong năm nay”.
Trong khi đó, ông Joel Stephen, nói rằng vẫn có nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ để phát triển hoạt động kinh doanh tại thị trường châu Á khi khu vực này có đến 4 nơi nằm trong danh sách 10 điểm đến được ưa chuộng nhất thế giới.
“Mục tiêu hiện nay của tất cả các cửa hàng bán lẻ là đưa ra chương trình bán hàng hấp dẫn để thúc đẩy người tiêu dùng quay lại cửa hàng thường xuyên và chi tiêu nhiều hơn”, ông Henry Chin nói.
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cửa hàng bán lẻ vẫn 'sống khỏe' dù thương mại điện tử phát triển