Khác với các ngày Rằm khác trong năm, nhiều người quan niệm cúng rằm tháng 7 nên cúng trước 12g ngày 15.7 Âm lịch (trước ngày 25.8). Đây là nét văn hóa truyền thống của người Á Đông.
Thông thường, việc cúng lễ tháng 7 bắt đầu từ mùng 2 đến ngày 14.7, nhiều gia đình đã làm lễ cúng cho chúng sinh (hay còn gọi là cúng cô hồn) và cúng Vu Lan ngay tại nhà.
Chia sẻ trên Dân Trí, TS.Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng, thực tế điều này xuất phát từ các truyền thuyết dân gian. Người xưa quan niệm ngày 15.7 âm lịch là ngày giới hạn của kỳ “mở cửa”, sau ngày này người cõi âm sẽ không thể nhận đồ được nữa, chính vì vậy, việc thực hiện phải sớm trước 15.7 là vì vậy.
Ngoài ra, cũng cần phân biệt 2 lễ cúng khác nhau.
Ngày nay, có nhiều người đã gộp cúng gia tiên và cúng chúng sinh làm một nhưng đây là điều không nên. Bởi lẽ cúng gia tiên cần làm lễ ở trong nhà trước ban thờ tổ tiên thể hiện sự biết ơn đến ông bà tổ tiên và việc thực hiện cúng vào thời gian ban ngày. Còn việc cúng chúng sinh (cô hồn) tháng 7 cần được thực hiện ở ngoài trời, các ngã 3 đường và thực hiện vào buổi tối.
Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình có thể bày đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng,… chu đáo. Thông thường, mâm cúng sẽ như sau: Gà, xôi, canh, nem rán, giò lụa và nộm… bên cạnh hoa, quả trên bàn thờ gia tiên.
Trong khi đó, lễ vật mâm cúng chúng sinh thường nhiều màu sắc để cúng cho những linh hồn, ma đói không nơi nương tựa. Và mâm cúng chủ yếu là muối gạo chứ không phải cúng mặn. Bởi theo quan niệm dân gian, việc cúng mặn cho chúng sinh dễ gây sự “sân si”.
Mâm cúng chúng sinh thường được đặt ngoài trời hoặc cửa nhà và cúng vào chiều tối 14/7 hoặc 15/7 (âm lịch). Trên mâm cúng chúng sinh lễ vật gồm có:
- Muối gạo (để rắc bốn phương tám hướng sau khi cúng xong)
- Cháo trắng nấu loãng (12 bát nhỏ)
- Hoa quả (tốt nhất là 5 loại quả có 5 màu sắc khác nhau)
- Quần áo chúng sinh nhiều màu sắc khác nhau
- Các loại bánh kẹo, bắp
- Tiền vàng
- Nước
- 3 nén nhang, 2 ngọn nến nhỏ
Điều cuối cùng, khi cúng, tấm lòng thành của con người là chính, nó thể hiện ở cái tâm chứ không phải “mâm cao, cỗ đầy”.
Minh An (Tổng hợp)