Trong lịch sử điện ảnh, bộ phim đầu tiên làm về vụ chìm tàu Titanic ra mắt công chúng chỉ một tháng sau khi vụ việc xảy ra. Nữ chính trong phim chính là người đã may mắn sống sót trải qua vụ chìm tàu bi kịch nhất trong lịch sử hàng hải.

Cuộc đời đau buồn của nữ chính phim Titanic đầu tiên bị huỷ hoại sau khi phim công chiếu

bai cao | 09/12/2016, 11:42

Trong lịch sử điện ảnh, bộ phim đầu tiên làm về vụ chìm tàu Titanic ra mắt công chúng chỉ một tháng sau khi vụ việc xảy ra. Nữ chính trong phim chính là người đã may mắn sống sót trải qua vụ chìm tàu bi kịch nhất trong lịch sử hàng hải.

Ngày nay, nhắc đến phim làm về vụ chìm tàu Titanic, người yêu điện ảnh sẽ nhớ ngay đến “Titanic” (1997), sẽ không ai còn nhớ đến “Saved From the Titanic” (Giải cứu khỏi tàu Titanic - 1912) - bộ phim điện ảnh đầu tiên làm về vụ chìm tàu lịch sử.

Có một chi tiết thú vị về phim, đó là vai nữ chính của “Saved From the Titanic” do một nữ diễn viên sống sót sau thảm họa chìm tàu đảm nhận. Phim đã được thực hiện cấp tốc để theo dòng thời sự và ra mắt ở thời điểm chỉ một tháng sau khi vụ chìm tàu xảy ra.

Nữ diễn viên người Mỹ Dorothy Gibson đã may mắn sống sót sau vụ chìm tàu Titanic, cô cũng đồng thời là nữ chính xuất hiện trong bộ phim điện ảnh đầu tiên làm về vụ đắm tàu bi kịch.
Trước những sự vụ lớn của đời sống xã hội, Hollywood không bao giờ chậm chân trong việc phản ánh lại sự việc qua lăng kính điện ảnh, với vụ chìm tàu Titanic cũng vậy.

Tại thời điểm vụ việc xảy ra, nữ diễn viên Dorothy Gibson đã là một gương mặt được biết đến của dòng phim câm thời bấy giờ. Cô là một hành khách có mặt trên chuyến tàu định mệnh. Ở tuổi 22, Dorothy đang có một hợp đồng diễn xuất với hãng phim Éclair.

Ngay sau khi sống sót bình an trở về, Dorothy nhanh chóng tận dụng những trải nghiệm của chính bản thân mình trong vụ việc, để viết kịch bản phim, trong đó, cô là nữ chính. Tận dụng sự quan tâm của truyền thông và công chúng đối với vụ việc bi kịch, cả hãng phim Éclair và nữ diễn viên Dorothy Gibson đã cấp tốc thực hiện một phim câm đen trắng.

Tàu Titanic rời cảng Southampton (Anh) ngày 10.4.1912.
Ngày nay, hầu như không còn ai nhớ tới nữ diễn viên từng nổi tiếng ở Hollywood hồi đầu thế kỷ 20 - Dorothy Gibson. Cô bắt đầu sự nghiệp với vai trò người mẫu cho các họa sĩ. Gương mặt khả ái của cô đã xuất hiện trong các tờ tạp chí, các tấm bưu ảnh, trên tem mác sản phẩm…

Năm 1911, Dorothy Gibson có bước đột phá trong sự nghiệp diễn xuất khi được ký hợp đồng trở thành diễn viên của hãng Éclair và có những vai diễn đầu tiên gây dấu ấn với khán giả thời bấy giờ.

Mùa xuân năm 1912, Dorothy Gibson dành ra vài tuần để sang Châu Âu du ngoạn, khi nhận được điện của hãng phim, đề nghị cô quay trở về Mỹ ngay để tham gia diễn xuất trong phim mới, đúng lúc này, chuyến tàu đầu tiên của Titanic với hải trình từ Anh đến Mỹ bắt đầu bán vé.

Ngay lập tức, Dorothy mua vé và có mặt trên chuyến tàu định mệnh. Vào đêm tàu Titanic đâm vào tảng băng trôi, Dorothy thức chơi bài đến khuya trên khoang hạng nhất. Khi đang trở về phòng mình để đi nghỉ lúc nửa đêm, Dorothy bất ngờ thấy tàu rung lắc mạnh và những tiếng kêu răng rắc, tiếng đổ vỡ vang lên ở khắp nơi.

Dorothy Gibson năm 1911, ở độ tuổi 22

Biết có điều bất thường xảy ra, cô quyết định chạy đi tìm hiểu và ngay lập tức nhận thấy sàn tàu chao nghiêng mạnh, Dorothy nhanh chóng chạy lên boong và tìm thấy một chiếc thuyền cứu hộ còn chỗ trống. Con thuyền mà Dorothy may mắn được ngồi lên chính là thuyền cứu hộ đầu tiên được hạ xuống từ tàu Titanic trong đêm đen tối.

Sau khi trở về Mỹ, nữ diễn viên Dorothy Gibson được báo chí săn đón bởi cô đang nắm giữ những câu chuyện rất được quan tâm. Dorothy chia sẻ với báo chí khi đó rằng sự việc là cơn ác mộng với cô: “Tôi sẽ không bao giờ quên được tiếng khóc thảm thiết vang lên từ những người bị rơi xuống biển và những người đang lo sợ cho số phận của người thân”.

Thoạt tiên, khi mới trở về Mỹ, Dorothy cũng bị khủng hoảng. Trong quá trình thực hiện bộ phim “Saved From the Titanic”, cô đã nhiều lần bật khóc vì phải nhớ lại những ký ức kinh hoàng vừa trải qua. Thậm chí, để tăng thêm phần chân thực, cô còn tự nguyện mặc lại chính bộ trang phục đã mặc trong đêm xảy ra vụ chìm tàu để diễn xuất thêm cảm xúc.

Với cách thức làm phim “mì ăn liền” của thời đại phim câm đen trắng, “Saved From the Titanic” đã được thực hiện hoàn tất chỉ trong vòng một tuần, giống như hầu hết các bộ phim thời bấy giờ, tác phẩm chỉ dài có… 10 phút.

“Saved From the Titanic” được ra mắt ở thời điểm một tháng sau vụ chìm tàu, và là bộ phim điện ảnh đầu tiên trong lịch sử làm về vụ việc đen tối nhất trong lịch sử hàng hải thế giới.

Một bức tranh khắc họa nhan sắc Dorothy Gibson
Nội dung phim kể về một nữ sinh viên trẻ (do Dorothy Gibson thủ vai), đã đính hôn với một người lính hải quân và đang trên chuyến tàu Titanic để trở về Mỹ sau quãng thời gian du học ở Châu Âu. May mắn sống sót sau vụ đắm tàu kinh hoàng, cô gái trẻ bị ám ảnh bởi những gì đã thấy, cô thường ngất lịm đi mỗi khi quá xúc động vì nhớ lại vụ việc.

Biển cả trở thành nỗi ám ảnh của cô, nhưng biển cả lại là sự nghiệp của chàng lính hải quân - vị hôn phu của cô. Luôn sống trong sự lo lắng cho người yêu, cô gái trẻ khiến cha mẹ đẻ quyết định âm thầm buộc con rể tương lai phải lựa chọn, hoặc người yêu, hoặc sự nghiệp.

Chàng lính hải quân đau đớn lựa chọn tình yêu dành cho biển cả và quyết định rời xa cô gái, bởi trách nhiệm, nghĩa vụ của người lính khiến anh không thể rời xa quân ngũ.

Khi cha của cô gái biết được lý do cao cả đằng sau quyết định của chàng trai, ông đã rất cảm động và quyết định sẽ không tạo thêm áp lực cho đôi trẻ nữa, ông sẽ để thời gian chữa lành tâm lý cho con gái và sẽ tiếp tục để con rể sống với nghề nghiệp mà anh đã lựa chọn.

Tại thời điểm “Saved From the Titanic” ra mắt, phim đã phải đối diện với nhiều ý kiến chỉ trích từ giới phê bình, vì cho rằng phim đã trục lợi từ một sự việc tang thương, bi kịch. Dù vậy, phim được công chúng rất quan tâm đón nhận và là phim ăn khách nhất ở thời điểm bấy giờ.

Poster phim “Saved From the Titanic” (1912) - bộ phim ra mắt chỉ một tháng sau vụ chìm tàu bi kịch và là phim điện ảnh đầu tiên làm về vụ việc đen tối nhất trong lịch sử hàng hải.
Dorothy nhanh chóng từ bỏ sự nghiệp diễn xuất sau khi “Saved From the Titanic” ra mắt, mặc dù tại thời điểm đó cô đang là gương mặt thu hút sự chú ý lớn nhất của màn ảnh. Những dư chấn tâm lý để lại sau vụ việc đã khiến cô muốn thay đổi và thử sức trong lĩnh vực mới - opera, nhưng vốn không phải một giọng ca thực thụ, Dorothy nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Về sau, nữ diễn viên chuyển tới Pháp sinh sống, cuộc đời cô trải qua nhiều thăng trầm, biến động, nhưng chủ yếu là buồn bã, một phần vì Dorothy đã hết thời, một phần vì những biến động của thời cuộc lúc bấy giờ. Cuối cùng, Dorothy Gibson qua đời trong cảnh cô đơn năm 1946 ở tuổi 56.

Năm 1914, một trận hỏa hoạn xảy ra tại hãng phim Éclair khiến tất cả những cuộn phim còn lưu giữ được về các vai diễn của Dorothy Gibson bị cháy, trong đó có cả cuộn phim “Saved From the Titanic”, vì vậy, cho tới hôm nay, người ta chỉ còn được thấy lại một vài hình ảnh về phim mà không thể xem phim được nữa.

Một cảnh trong “Saved From the Titanic”. Nữ diễn viên Dorothy Gibson là nhân vật nữ xuất hiện trong cảnh phim.

Một số nhà phê bình trong lĩnh vực điện ảnh thậm chí còn cho rằng đây là một tổn thất lớn của dòng phim câm đen trắng thời kỳ đầu, khi bộ phim đầu tiên làm về vụ chìm tàu Titanic, do một nữ diễn viên sống sót trải qua vụ việc - biên kịch và diễn xuất chính, lại vĩnh viễn biến mất đầy đáng tiếc.

Mặc dù sống sót trải qua vụ việc kinh hoàng và còn làm nên một bộ phim ăn khách ở thời điểm bấy giờ, nhưng dường như chính bộ phim đã tác động ngược trở lại, khiến Dorothy từ bỏ nghiệp diễn để rồi cuối cùng, đánh mất tất cả danh tiếng.

Dù không còn có thể xem lại “Saved From the Titanic” nhưng bộ phim là một dấu ấn mở đường cho rất nhiều phim truyền hình và điện ảnh về sau khai thác những câu chuyện tình lãng mạn, lấy bối cảnh vụ chìm tàu lịch sử, biến Titanic trở thành một biểu tượng trong văn hóa đại chúng.

Bích Ngọc/Dân Trí (theoAtlas Obscura/IB Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc đời đau buồn của nữ chính phim Titanic đầu tiên bị huỷ hoại sau khi phim công chiếu