Giữa Sài Gòn sôi động, những người bạn tâm giao của nhà thơ Nguyễn Duy cùng khán giả đã có một đêm đắm đuối với thơ ông qua những âm điệu nhạc cổ truyền dân tộc tuồng, chèo, ca trù, chầu văn, hát xẩm… Cuộc hội ngộ thơ đặc sắc này đã để lại những dấu ấn khó quên cho Nguyễn Duy cũng như người hâm mộ.

Cuộc tao ngộ đặc sắc thơ-nhạc Nguyễn Duy trên đất phương Nam

Tiểu Vũ | 23/10/2016, 16:53

Giữa Sài Gòn sôi động, những người bạn tâm giao của nhà thơ Nguyễn Duy cùng khán giả đã có một đêm đắm đuối với thơ ông qua những âm điệu nhạc cổ truyền dân tộc tuồng, chèo, ca trù, chầu văn, hát xẩm… Cuộc hội ngộ thơ đặc sắc này đã để lại những dấu ấn khó quên cho Nguyễn Duy cũng như người hâm mộ.

Tối 22.10, chương trình Tiếng thơ - Cõi nhạc của nhà thơNguyễn Duy được tổ chức lần đầu tiên tại TP. HCM. Đêm thơ nhạc Nguyễn Duy diễn ra trong không khí ấm áp với sự hiện diện những người bạn tâm giao của nhà thơ cùng hàng trăm khán giả hâm mộ thơ ông.

Đêm giao lưu thơ nhạc diễn ra trong bối cảnh đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề vì lũ lụt vừa qua. Vì vậy nhà thơ Nguyễn Duy cũng như những nghệ sĩ khác không quên trách nhiệm của mình với đồng bào, ông đã cho đặt một thùng quyên góp để kêu gọi những tấm lòng thơm thảo của khán giả hướng về miền Trung.Cử chỉ rất nhỏ của nhà thơ và Ban tổ chức, nhưng đã gây cảm động cho nhiều người.

Thơ của Nguyễn Duy đã được “hát lên” trên nền nhạc cổ truyền dân tộc bằng những thang âm của 5 thức điệu tuồng, chèo, ca trù, chầu văn, hát xẩm qua sự thể hiện của các nghệ sĩ: NSND Thanh Hoài, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Bình, NSND Minh Gái, cùng nhóm Đông Kinh cổ nhạc.

Điều dường như ai cũng thấy rất rõ, đêm giao lưu thơ - nhạcNguyễn Duy tại Sài Gòn là một hội ngộ độc đáo giữa ca nhạc truyền thống và thơ ca đương đại.

Đêm thơ nhạc là sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống

Xuất hiện trên sân khấu, nhà thơ Nguyễn Duy đã khiêm tốn nói rằng: “Quý vị đừng bao giờ nghĩ rằng đây là sân khấu, hãy nghĩ đây là một chiếu chèo trên một sân đình ở làng quê Việt Nam”. Quả đúng như vậy, đêm thơ Nguyễn Duy diễn ra trong một không gian khá đơn giản, phần giữa sân khấu là chiếc chiếu chèo được cách điệu, bên trái trống chầu, bên phải dàn nhạc dân tộc với đàn đáy, đàn nguyệt đã trở thành khung cảnh đẹp nhất trong đêm diễn. Chính sự đơn giản trong bố trí sân khấu đã tôn vinh những bài thơ của Nguyễn Duy khiến chúngtrở nên lung linh ngời sáng khi được chuyển tải đến người thưởng thức bằng lối trình diễn đặc biệt mang đậm phong cách dân gian.

Một tiết mục nhiều cảm xúc trong đêm thơ nhạc Nguyễn Duy

Đêm giao lưu thơ của Nguyễn Duy đã đem lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho khán giả. Đó là sự trìu mến ngọt ngào tha thiết trong Khúc dân ca, Thật thà, là những thổn thức khôn nguôi qua Nhớ mẹ ta xưa, là sự trào lộng trong Xẩm ngọng, là niềm trăn trở trong Lời ru con cò biển…tất cả hòa quyện làm nên một không gian thơ nhạc chứa nhiều giá trị văn hóabản sắc dân tộc. Đó là tiếng lòng bằng ngôn ngữ thơ, được diễn tả bằng thanh âm của nhạc.

Nhà thơ Nguyễn Duy diễn tấu bài thơ Nhìn từ xa... Tổ quốc!

Có lẽ cao trào của đêm giao lưu là sự xuất hiện của chínhnhà thơ Nguyễn Duy trên sânkhấu. Trong riếng trống chầu thúc giục, tiếng chiêng đồng linh thiêng, và âm thanh nỉ non của cây đàn nhị, Nguyễn Duy đã đọc thơ, nói đúng hơn ông đã “hỏi bằng thơ”. Bài thơ Nhìn từ xa... Tổ quốc!được Nguyễn Duy đọc trong sự không khí im lặng gần như tuyệt đối. Lờihỏi “Ai?” trong thơ đượcNguyễn Duy được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Câu hỏi như xoáy vào tim người nghe, buộc ta phải nghĩ ngợi.Nóvụt bay ra khỏi không gian của đêm thơ nhạc rồi vang vọng lên trời cao:

“Xứ sở kỷ cương

sao thật lắm thứ vua

vua mánh - vua lừa - vua chôm - vua chỉa

vua không ngai - vua choai choai - vua nhỏ...

Lãnh chúa sứ quân san sát vùng cát cứ

lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa

Luật pháp như đùa - như có - như không

một người đi chật cả con đường

Ai?
không ai

Vết bầm đen gập vuông thước thợ”

Nguyễn Duy đã tìm ra câu trả lời người nghe và chính mình:

“Dù có sao
vẫn Tổ quốc trong lòng
mạch tâm linh trong sạch vô ngần
còn thơ còn dân
ta là dân - vậy thì ta tồn tại”

Thơ Nguyễn Duy luôn là vậy, dù thể hiện dưới bất cứ hình thức nào,ông thường đem lại ngạc nhiên cho người nghe người đọc. Đó là cái ngang tàng nhưng vẫn trầm tĩnh và giàu chiêm nghiệm, vì thế thơ ông cứ ngấm vào người đọc,khiến người ta phải giật mình suy nghĩ.

Nhà thơ Nguyễn Duy cùng các nghệ sĩ

Cuộc hội ngộ thơ ca của Nguyễn Duy ở phương Nam đã khép lại, nhưng chắc chắn có nhiều cuộc hội ngộ khác trong tâm hồn của những người yêu thơ của Nguyễn Duy luôn được mở ra. Đó là cuộc hội ngộ trên những con chữ trong nhiều tác phẩm màNguyễn Duy đã viết để dâng hiến cho cuộc đời này.

Bài, ảnh:Tiểu Vũ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc tao ngộ đặc sắc thơ-nhạc Nguyễn Duy trên đất phương Nam