Phình động mạch chủ ngực là một bệnh lý do thành mạch tổn thương bóc tách với kích thước đường kính ngang của động mạch chủ đo được lớn hơn hoặc bằng 1,5 lần so với đường kính của đoạn động mạch phủ còn lại. Ở một số vị trí phình đặc biệt đòi hỏi kỹ thuật điều trị phức tạp hơn.

Cứu bệnh nhân bị phình động mạch chủ ngực

Thanh Ngọc | 10/04/2021, 15:54

Phình động mạch chủ ngực là một bệnh lý do thành mạch tổn thương bóc tách với kích thước đường kính ngang của động mạch chủ đo được lớn hơn hoặc bằng 1,5 lần so với đường kính của đoạn động mạch phủ còn lại. Ở một số vị trí phình đặc biệt đòi hỏi kỹ thuật điều trị phức tạp hơn.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) vừa điều trị thành công cho 1 bệnh nhân phình động mạch chủ đoạn quai bằng kỹ thuật kết hợp giữa can thiệp và phẫu thuật (hybrid). Người bệnh là ông T.V.B. (SN 1956, ngụ ở Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang). Người bệnh nhập viện trong tình trạng mệt, đau nhức đầu. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả CT cho thấy người bệnh phình động mạch chủ ngực đoạn quai với đoạn phình lớn, kích thước 62x63 mm (đường kính ngang và đường kính trước sau), chẩn đoán phình động mạch chủ ngực đoạn sát gốc động mạch dưới đòn bên trái.

tim-mach.5-ket-hop-ky-thuat-can-thiep-va-phau-thuat-chuyen-vi-3-mach-mau-nuoi-nao-va-dat-stent-graft-de-cuu-song-nguoi-benh-bi-phinh-dong-mach-chu-nguc-2-.jpg
Bệnh nhân đã dần ổn định sức khỏe sau can thiệp - Ảnh: CTV

Đây là một vị trí không thể điều trị đặt stent bằng phương pháp can thiệp thông thường do tại vị trí đoạn phình có các mạch máu nuôi não (bao gồm động mạch thân cánh tay - đầu, động mạch cảnh chung trái và động mạch dưới đòn trái). Sau khi hội chẩn với các chuyên gia, êkip đã quyết định sử dụng kỹ thuật hybrid, kết hợp giữa phẫu thuật chuyển vị trí các mạch máu cổ và can thiệp đặt stent graft tại đoạn phình của động mạch. Một mạch máu nhân tạo đã được cắm vào động mạch chủ lên, dẫn máu đến 3 động mạch nuôi não vùng cổ (chuyển vị trí toàn bộ mạch máu), sau đó đặt stent graft vào đoạn phình của động mạch chủ ngực. Và bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định.

Đặt Stent graft là phương thức điều trị can thiệp nội mạch, tức là can thiệp qua đường ống thông. Kỹ thuật sử dụng đoạn stent graft để loại trừ đoạn động mạch bị phình, giảm nguy cơ vỡ và giúp điều chỉnh dòng chảy trong lòng mạch đúng như giải phẫu.

Theo Ths.BS CKII Trần Phước Hòa - Trưởng đơn vị Tim mạch Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long - người điều trị cho bệnh nhân: “Đây là 1 trường hợp phẫu thuật phức tạp, đặc biệt là khi phải chuyển vị hoàn toàn 3 nhánh mạch máu nuôi não. Trong suốt quá trình phẫu thuật chuyển vị phải duy trì huyết động tối ưu, đảm bảo độ mê và theo dõi tưới máu não liên tục bằng máy theo dõi độ bão hòa oxy não để đảm bảo cung cấp máu đầy đủ cho não bệnh nhân. Kỹ thuật đặt stent graft cũng là 1 kỹ thuật đòi hỏi phương tiện cực kỳ hiện đại cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ trong kíp mổ”.

Hybrid là kỹ thuật kết hợp giữa can thiệp và phẫu thuật được triển khai tại Việt Nam từ năm 2011 với những ưu điểm nổi trội và hiệu quả. Kỹ thuật yêu cầu một môi trường được trang bị các thiết bị y tế hiện đại, có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao và dịch vụ chăm sóc hậu phẫu chuyên nghiệp. Hybrid phối hợp được ưu điểm của phẫu thuật và can thiệp nội mạch, cho phép bác sĩ phẫu thuật mạch máu xử lý được các thương tổn khó, phức tạp đôi khi không thể thực hiện được nếu phẫu thuật hoặc can thiệp truyền thống…

Cũng theo BS Hòa, phình động mạch chủ không còn là bệnh lý hiếm gặp, số bệnh nhân mắc phình động mạch chủ nhập viện ngày càng tăng. Thông thường, phình động mạch chủ ít có triệu chứng hoặc chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hay khi chụp X-quang ngực thường quy. Ngoài ra, một số bệnh nhân có triệu chứng không điển hình như:

Đau đột ngột vùng trước ngực hoặc sau lưng: Cảm giác đau thường mơ hồ, có thể thấy đau ở vùng cổ và hàm dưới, hoặc đau giữa 2 xương bả vai, đau vai trái, hay đau lưng. Khi bị phình tách động mạch chủ ngực thì cơn đau xuất hiện đột ngột như xé vùng trước ngực hoặc sau lưng. Bệnh nhân cũng có thể thấy khó thở, khó nuốt do bị chèn ép. Bởi khi phình động mạch chủ ngực với mức độ lớn có thể gây chèn ép các cấu trúc xung quanh hoặc các tạng lân cận, dẫn đến khàn tiếng (do chèn ép thần kinh thanh quản), khó thở, khó nuốt (do chèn ép khí quản, thực quản), phù (do chèn ép tĩnh mạch).

Để phát hiện kịp thời và điều trị sớm cũng như hạn chế nguy cơ của phình động mạch chủ ngực, người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt đối với người trên 50 tuổi. Cần kiểm soát huyết áp ổn định, không hút thuốc lá, thường xuyên tập thể dục.

Bài liên quan
Cần Thơ khai mạc lễ hội bánh dân gian Nam Bộ
Tối 17.4, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 11 năm 2024 với chủ đề “Đậm đà hương vị phương Nam” chính thức diễn ra tại TP.Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cứu bệnh nhân bị phình động mạch chủ ngực