VKS đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam mức án từ 9 – 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”..
Chiều 19.8, phiên tòa xét hỏi các bị cáo trong vụ án kinh tế, tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH một thành viên (Tổng công ty 3/2) chuyển sang phần tranh luận. Trước đó, đại diện Viện kiểm sát tiến hành luận tội, nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Theo VKS, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến tài sản công. “Vụ án bị đưa ra xét xử thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước; thể hiện sự thượng tôn pháp luật, kiên quyết bảo vệ tài sản nhà nước, của nhân dân, quyết tâm thu hồi tài sản đã bị thất thoát”, VKS nhấn mạnh.
Qua đánh giá toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ vụ án cùng lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, VKS đề nghị xử phạt Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2) từ 14 - 15 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; 15 - 16 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Như vậy, tổng hình phạt mà VKS đề nghị đối với bị cáo Minh là từ 29 - 30 năm tù.
VKS đề nghị xử phạt bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) và Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) cùng từ 9 - 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Các bị cáo khác bị đề nghị mức án tương xứng với hành vi phạm tội, theo đúng tội danh như VKS đã truy tố.
Nguyễn Văn Minh phạm tội với vai trò chủ mưu
Trên cơ sở tài liệu chứng cứ đã được thẩm tra và qua lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, theo nhận định của VKS, lợi dụng chức vụ quyền hạn, với động cơ vụ lợi cá nhân, tạo điều kiện cho gia đình, Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2) là chủ mưu thực hiện hành vi phạm tội, cùng đồng phạm thống nhất làm trái các quy định của pháp luật.
Với khu đất 43ha, Nguyễn Văn Minh thống nhất với con rể là Nguyễn Đại Dương, cùng các đồng phạm bán trái phép bằng cách mang đi góp vốn liên doanh tại Công ty Tân Phú. Sau đó, Nguyễn Văn Minh bán khu đất này cho Công ty Tân Phú với giá 250 tỉ đồng. Tiếp đến, Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương cũng bán nốt 30% cổ phần của mình tại Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá 161 tỉ đồng. Tài sản này sau đó được bán cho công ty của bà Đặng Thị Kim Oanh (ở TP.HCM).
Với khu đất 145ha, Nguyễn Văn Minh và con gái là Nguyễn Thục Anh cũng tìm cách thâu tóm bằng cách mang đi liên doanh, góp vốn. Nguyễn Văn Minh đưa cả 145ha vào danh mục “tài sản chờ thanh lý” để không xác định giá trị quyền sử dụng đất. Khu đất sau đó được góp vốn vào Công ty Tân Thành rồi “qua lại” giữa các doanh nghiệp sân sau của Minh. Cơ quan công tố cáo buộc các bị cáo gây thiệt hại 4.030 tỉ đồng.
Về hành vi tham ô tài sản, cơ quan tố tụng cáo buộc sau khi không đưa 145ha vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, Nguyễn Văn Minh chỉ đạo hoàn tất thủ tục để thay đổi quyền sử dụng đất sang tên Công ty Tân Thành. Cùng với đó, để trả nợ, Minh và con gái cùng các đồng phạm chiếm đoạt 815 tỉ đồng của nhà nước. Hành vi này bị VKS xác định là “rất tinh vi”, cùng nhau chiếm hưởng cá nhân.
Xét vai trò của bị cáo Nguyễn Văn Minh, VKS nhận định Nguyễn Văn Minh là Chủ tịch Tổng công ty 3/2, chịu trách nhiệm chính và cao nhất. Với trình độ của bản thân, bị cáo Minh phải biết rõ những quy định của Nhà nước liên quan đến quyền sử dụng đất, nhưng với động cơ vụ lợi, bị cáo đã thao túng, vun vén lợi ích cá nhân, tạo điều kiện cho công ty sân sau được hưởng lợi.
Ngoài ra, theo VKS, bị cáo Minh là người quyết định chủ trương mua bán 19% của Công ty Tân Thành, chỉ đạo Trần Nguyên Vũ thuê công ty thẩm định giá, triệu tập cuộc họp hội đồng thành viên liên quan đến việc mua không quá 20% vốn điều lệ. Sau khi nhận tiền thanh toán, Minh chỉ đạo con gái chuyển tiền, hoàn ứng cho cá nhân Nguyễn Văn Minh…
Từ đó, VKS xác định Nguyễn Văn Minh phạm tội với vai trò chủ mưu. Việc cáo buộc là hoàn toàn đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Số tiền chiếm đoạt từ hành vi tham ô đã được khắc phục toàn bộ nên VKS đề nghị xem xét giảm nhẹ.
Bị cáo Trần Văn Nam đã không ngăn chặn sai phạm
Bị cáo Trần Văn Nam đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, với sự phấn đấu, nỗ lực của cá nhân, bị cáo nhẽ ra phải chấp hành nghiêm và hướng dẫn cấp dưới chấp hành nghiêm quy định của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, VKS nhận thấy vụ án này thể hiện rõ bị cáo có động cơ vụ lợi, cố ý sai phạm. Với trách nhiệm của người đúng đầu, bị cáo Nam không những không ngăn chặn mà còn bao che, hợp thức cho sai phạm của Nguyễn Văn Minh.
Các bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương), Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương)… là những lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Dương với chức trách nhiệm vụ được giao, biết rõ sai phạm của Minh về việc chuyển nhượng khu đất nhưng đã không ngăn chặn, mà còn che giấu cho Nguyễn Văn Minh và đồng phạm, cho phép chuyển nhượng 30% vốn góp của Công ty Tân Phú, dẫn đến tài sản bị chuyển sang cho công ty tư nhân, gây thất thoát số tiền lớn.
Nhóm bị cáo tại UBND tỉnh Bình Dương biết rõ cơ quan thuế lấy quy định của năm 2006 để áp cho năm 2012 là sai nhưng vẫn phê duyệt. Trong đó, bị cáo Trần Văn Nam biết sai nhưng “vẫn giao đất”. Hành vi này gây thiệt hại 761 tỉ đồng.
Theo VKS, trong quá trình công tác, bị cáo Nam có nhiều thành tích được ghi nhận. Tại phiên tòa, bị cáo khai báo thành khẩn. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ khi lượng hình.