Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong nhiều dự án. Đặc biệt, ông còn có biểu hiện vụ lợi trong việc bổ nhiệm và điều động con trai là Vũ Quang Hải.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vụ lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước thế nào?

11/07/2020, 06:56

Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong nhiều dự án. Đặc biệt, ông còn có biểu hiện vụ lợi trong việc bổ nhiệm và điều động con trai là Vũ Quang Hải.

Ông Vũ Huy Hoàng bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong nhiều dự án - Ảnh: Internet

Gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước

Trong sai phạm tại Dự án nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (Tisco 2), ông Vũ Huy Hoàng có nhiều vi phạm, khuyết điểm do thiếu trách nhiệm, để Bộ Công Thương có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với dự án.

Dự án Tisco 2 là một trong 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỉ của ngành công thương. Thanh tra Chính phủ cho biết việc triển khai dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Tisco có nhiều sai phạm, xảy ra ở tất cả các khâu, có liên quan đến trách nhiệm của Tisco, Tổng công ty thép Việt Nam (VNS), Bộ Công Thương...

Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư 3.843 tỉ đồng. Năm 2012, VNS và Tisco có văn bản gửi Bộ Công Thương và Chính phủ xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 8.104 tỉ đồng, tăng 4.261 tỉ đồng so với mức ban đầu. Đầu năm 2017, Tisco đã thanh toán cho dự án gần 4.500 tỉ đồng, trong đó chi phí thiết bị hơn 2.100 tỉ đồng, chi phí xây dựng gần 1.000 tỉ đồng...

Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả của dự án là 3.900 tỉ đồng, tương đương với tổng mức đầu tư của dự án ban đầu. Tuy nhiên, dự án vẫn đang dở dang và đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay.

Đến thời điểm thanh tra, Tisco là chủ đầu tư, đã thanh toán cho nhà thầu MCC trên 92% giá trị hợp đồng, nhưng các hạng mục chính của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành. Tisco còn thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán các khoản bốc xếp bảo quản thiết bị gần 5 tỷ đồng, vượt với giá trị hợp đồng.

Trong khi đó, MCC chưa chuyển đủ thiết bị theo danh mục, đồng thời cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật không phù hợp với quy chuẩn của Việt Nam.

Trước những sai phạm gây thất thoát tiền tại dự án, cơ quan thanh tra đã kiến nghị Thủ tướng xử lý về kinh tế với số tiền sai phạm lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Tisco, VNS, Bộ Công Thương... kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Liên quan đến dự án này, ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng (giai đoạn 2007-2016) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương.

Đặc biệt, sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng còn được cho là liên quan đến vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến khu "đất vàng" số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM của Tổng công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Cụ thể, Sabeco được Bộ Tài chính cho phép sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng để xây dựng trụ sở văn phòng Sabeco và trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất công. Tuy nhiên, lúc đó lãnh đạo UBND TP.HCM đã ký quyết định chấp thuận cho thuê khu đất với thời gian 50 năm để xây dựng dự án khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê.

Quyết định này được cho là trái với phương án xử lý nhà, đất của Bộ Tài chính đối với khu đất. Ngoài ra, nếu Sabeco không có nhu cầu sử dụng lô đất này và giao lại cho nhà nước thì UBND TP.HCM phải giao đất qua đấu giá quyền sử dụng đất chứ không phải tự ý cho thuê để gây thiệt hại tài sản cho nhà nước.

Vụ lợi bổ nhiệm con trai

Ông Vũ Huy Hoàng còn được xác định là thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty thuốc lá Việt Nam; điều động ông Vũ Quang Hải tham gia HĐQT Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Sabeco; vi phạm quy định của Ban chấp hành T.Ư về những điều đảng viên không được làm và quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.

Năm 2011, ông Vũ Quang Hải từng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI - trong ngành công thương do ông Vũ Huy Hoàng phụ trách). Trong hai năm ông Hải trực tiếp điều hành, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết công ty có vốn điều lệ hơn 300 tỉ đồng này đã lỗ liên tiếp hai năm liền. Năm 2011 lỗ 155 tỉ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỉ đồng.

VAFI đã gởi thư chất vấn tới nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về việc Bộ Công Thương dưới thời ông làm Bộ trưởng đã bổ nhiệm con trai ông là Vũ Quang Hải làm lãnh đạo Sabeco. Năm 2015, ông Vũ Quang Hải khi đó 28 tuổi đã được lãnh đạo Bộ Công Thương điều động về Sabeco ở vị thế hàm Phó vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là Thành viên HĐQT, đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc

VAFI đưa ra hàng loạt câu hỏi: Việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải khi mới 25 tuổi làm Tổng giám đốc PVFI là đúng hay sai, ai chịu trách nhiệm gánh hậu quả làm mất vốn nhà nước và vốn của 4.700 cổ đông?

Bên cạnh đó, VAFI còn đề cập đến việc bổ nhiệm ông Võ Thanh Hà, Chánh văn phòng Bộ Công Thương, trước đó là thư ký của ông Vũ Huy Hoàng về làm Chủ tịch HĐQT Sabeco. Ông Hà chủ yếu làm công tác hành chính và chưa từng kinh qua chức vụ nào về quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Ông Vũ Huy Hoàng còn được cho là liên quan đến vụ bê bối xung quanh việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh từng cho biết sau khi rà soát quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, sơ bộ thì có thể khẳng định vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh được điều động, bổ nhiệm có nhiều dấu hiệu cho thấy có sai phạm, vi phạm trong chính sách cán bộ của Đảng, Nhà nước.

Còn ông Vũ Quang Hải, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đúng là có sai sót trong một số khâu trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm, luân chuyển ông Vũ Quang Hải.

Ngoài ra, ông Hoàng còn buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố. Ban Bí thư xác định, các vi phạm, khuyết điểm của ông Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban cán sự đảng, của Bộ Công Thương và cá nhân ông Hoàng.

Ông Vũ Huy Hoàng sinh năm 1953, quê Hải Phòng, có học vị tiến sĩ kinh tế, là Ủy viên Trung ương Đảng Khoá X, XI. Từ tháng 8.2007, ông là Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Công Thương; tháng 4/2016, ông được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công Thương.

Tháng 1.2017, ông Hoàng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương, do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng và Ban bí thư cũng đã thi hành kỷ luật cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương (nhiệm kỳ 2011-2016) với ông Hoàng.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vụ lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước thế nào?