Ông Trần Bằng Việt, cựu CEO Mai Linh Taxi và hiện là CEO Đông A Solutions cho rằng, Mai Linh có thể suy nghĩ đến việc sáp nhập với Uber Việt Nam và sử dụng hệ thống công nghệ của họ để khai thác hiệu quả hơn.

Cựu CEO Mai Linh Taxi: Mai Linh có thể suy nghĩ đến việc sáp nhập với Uber Việt Nam

The Leader | 09/10/2017, 11:31

Ông Trần Bằng Việt, cựu CEO Mai Linh Taxi và hiện là CEO Đông A Solutions cho rằng, Mai Linh có thể suy nghĩ đến việc sáp nhập với Uber Việt Nam và sử dụng hệ thống công nghệ của họ để khai thác hiệu quả hơn.

Công ty con của Tập đoàn Mai Linh - Mai Linh Miền Bắc đang xin ý kiến cổ đông bổ sung ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách bằng xe máy. Hiện ứng dụng gọi taxi Mai Linh đã có thêm chức năng M.Bike và M.Bike Premium. Liệu bước đi mới này của Mai Linh có giúp tập đoàn cải thiện tình trạng ế ẩm trước sức ép của taxi công nghệ Grab và Uber?

The Leader đã có buổi trao đổi với ông Trần Bằng Việt - cựu CEO Mai Linh Taxi và hiện là CEO Đông A Solutions về vấn đề này.

- Theo ông, việc Mai Linh kinh doanh thêm mảng xe ôm công nghệ là động thái giúp họ giành khách hàng với Uber và Garb, hay chỉ là hướng đi nhằm cải thiện kết quả kinh doanh khi mảng taxi truyền thống đang ế ẩm?

Nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng ở các đô thị khá cao. Ở phía Bắc, người dân nhạy cảm với giá hơn. Ngay cả Uber, Grab cũng đang phải cạnh tranh bằng giá với các hãng taxi nhỏ lẻ ở đây. Vì hệ thống cồng kềnh và không có khả năng giảm giá, Mai Linh đang giảm dần năng lực cạnh tranh ở thị trường này.

Chờ đợi tác động giảm giá từ các ứng dụng công nghệ thì tương đối lâu và có thể tổn hại đến nguồn doanh thu từ phân khúc khách hàng vẫn đang chấp nhận giá cao. Do đó, đưa ra sản phẩm tấn công vào thị trường xe ôm công nghệ là hành động rất thông minh của Mai Linh. Lợi ích là vừa thử nghiệm hệ thống và mô hình, vừa có thêm một phân khúc khách hàng mới, cũng như tấn công trực tiếp vào đối thủ.

Tôi cảm nhận rằng Mai Linh đang đóng băng khách hàng hiện hữu chấp nhận giá cao, không tham giành những khách hàng tham giá rẻ và dễ thay đổi - vì đó là khách hàng không trung thành. Đồng thời, Mai Linh đón sớm nhóm khách hàng thấp hơn, chăm sóc, duy trì và phát triển để trở thành khách hàng sau này. Trong khi đó họ vẫn phát triển các ứng dụng công nghệ để giảm dần giá thành và tăng hiệu quả kinh doanh.

- Mai Linh đã tích hợp chức năng gọi xe ôm vào ứng dụng gọi taxi truyền thống và đưa ra mức giá xe ôm ngang bằng với Uber và Grab. Liệu sự chuẩn bị như thế có giúp họ hoạt động hiệu quả, trong khi người tiêu dùng đã quá quen với hình ảnh Uber và Grab từ cuối năm 2014 đến nay?

Họ không thể không thay đổi mô hình điều hành theo hướng ứng dụng công nghệ nếu còn muốn tồn tại. Còn việc thêm xe ôm vào thì không tăng thêm chi phí, nhưng lại làm tăng thêm lựa chọn cho khách hàng.

Tôi nghĩ họ làm như thế là hợp lý. Dĩ nhiên, sẽ còn cần theo dõi thêm quá trình họ triển khai.

- Grab và Uber luôn tung ra nhiều gói khuyến mãi lớn, giúp người dùng có khi như đi miễn phí. Liệu Mai Linh có nên đi theo hướng này để cạnh tranh với đối thủ, vì sao?

Grab, Uber muốn thâm nhập thị trường, tâm trí khách hàng và tập cho khách hàng thói quen sử dụng dịch vụ mới. Còn Mai Linh đã có thị trường, nên quan tâm đến chất lượng và hiệu quả thay vì chỉ cố gắng có thêm khách hàng.

Do đó, nên sử dụng khéo léo khuyến mãi ở một mức độ nào đó. Không nên bắt chước bằng mọi giá.

- Vậy họ cần làm gì nữa để giúp mảng kinh doanh mới này thành công?

Hãy nhớ rằng ứng dụng là cái dễ có. Quản trị vận hành mới tạo nên thành công. Chiến lược và sản phẩm mới cần được triển khai nhất quán, tích hợp vào hệ thống hiện tại.

Thực sự quan tâm đến trải nghiệm khách hàng. Và hãy nhớ rằng kẻ thù lớn nhất đến từ bên trong, không phải từ bên ngoài.

- Trên thực tế, cùng với động thái tung ra mô hình kinh doanh xe ôm công nghệ, Mai Linh đã tiến hành nhiều bước tái cấu trúc mạnh mẽ. Trong nửa đầu năm 2017, Mai Linh cắt giảm 6.000 nhân viên để cắt các khâu trung gian, giảm chi phí. Tháng 5.2017, Công ty Dimora Enterprises của Mỹ cũng chuẩn bị xây nhà máy ôtô điện ở Thanh Hóa. Mai Linh cho biết sẽ mua 20.000 ôtô điện từ đây để chạy taxi. Trước đó, họ cũng áp dụng thí điểm ứng dụng gọi xe taxibằng phần mềm. Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực vừa qua của Mai Linh đến khả năng hồi sinh của họ trong tương lai?

Việc cắt giảm và tái cấu trúc là nên, nếu đúng hướng và không làm ảnh hưởng đến những năng lực cốt lõi của Mai Linh. Việc sử dụng taxi điện nếu đi kèm với chi phí đầu tư và vận hành tốt thì cũng sẽ thay đổi đáng kể tương quan cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Còn việc liên quan đến sản xuất xe điện thì tôi xin phép không trả lời.

- Trong bối cảnh mới của thị trường, liệu Mai Linh có cần chuyển đổi mô hình đầu tư, chẳng hạn khoán hết xe cho tài xế hoặc mô hình nào khác. Việc này có khả thi với Mai Linh?

Mai Linh đã sớm thực hiện việc chuyển quyền sử hữu cho lái xe và nhà đầu tư. Công ty chỉ tập trung vào vận hành kinh doanh mà thôi.

- Theo ông, Mai Linh có nên hợp tác với Grab hoặc Uber ở góc độ nào đó để cùng tồn tại hay không? Nếu có, nên hợp tác những gì?

Hợp tác thì khó có sự hợp tác. Vì Grab không cần, còn Uber sẽ có lợi hơn Mai Linh nếu hợp tácvà càng lâu thì Mai Linh sẽ càng bất lợi.

Thế nhưng nếu có ràng buộc về sở hữu thì lại khác. Mai Linh có thể suy nghĩ đến việc sáp nhập với Uber Việt Nam và sử dụng hệ thống công nghệ của họ để khai thác hiệu quả hơn. Theo quan sát của tôi thì Uber đang đuối sức và có dấu hiệu muốn rút khỏi thị trường Việt Nam.

- Xin cám ơn ông!

Theo Dương Nguyễn/The Leader

Chưa rõ ai sẽ đảm nhiệm vị trí CEO Uber Việt Nam

Sau 3 năm gắn bó, ông Đặng Việt Dũng (sinh năm 1985) đã chính thức rời vị trí CEO Uber Việt Nam từ ngày 1.10.

Ông Dũng từng bỏ Đại học Bách Khoa để theo học cử nhân tạiTrường Amherst College in Massachusetts (Mỹ) và học thạc sĩ tại Trường Kinh doanh Harvard. Năm 2014, ông tạm dừng việc học ở Harvard về Việt Nam làm CEO Uber.

Tại thị trường Việt Nam,Uber đã phát triển chóng mặt chỉ sau 3 năm vàtrở thành mối đe dọa đối với taxi truyền thống. Uber đang triển khai tại Việt Nam các dịch vụ như UberX, UberSUV, UberBlack, UberMoto, Uber Delivery... Tính đến tháng 8.2017, ứng dụng này đã có 4 triệu người dùng và hàng trăm triệu cây số tổng cộng các chuyến đi.

Cuối tháng 9, việc bị Cục thuế TP.HCM truy thu số tiền thuế66,68 tỉ đồng đã làm rộ lên thông tin Uber Việt Nam tạm dừng hoạt động, ông Đặng Việt Dũng khi đó đã lên tiếng khẳng định chỉ là tin đồn.

Gần đây, Grab và Uber đều vấp phải sự phản đối của nhiều hãng taxi truyền thống Việt Nam. Cùng với đó, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Uber, Grab tạm ngưng kết nối thêm xe mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu CEO Mai Linh Taxi: Mai Linh có thể suy nghĩ đến việc sáp nhập với Uber Việt Nam