CQĐT xét thấy bị can Nguyễn Đức Thái thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với CQĐT làm rõ bản chất vụ án. Bị can cũng đã phối hợp với gia đình nộp lại 3 tỉ đồng tiền nhận hối lộ.
Như Một Thế Giới đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa có kết luận điều tra vụ án “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (viết tắt là NXB Giáo dục) và các đơn vị liên quan.
Mua giấy in với giá cao sẽ làm tăng giá sách
Theo đó, ngoài việc kết luận hành vi, đề nghị truy tố 8 bị can, CQĐT còn phân tích nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội, cũng như đưa ra các kiến nghị.
Cụ thể, theo CQĐT, mua sắm giấy in để phục vụ in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của NXB Giáo dục, được thực hiện hằng năm. Giá giấy in chiếm 30 – 40% cơ cấu giá bán sách giáo khoa; việc mua giấy in với giá cao sẽ làm tăng giá sách.
CQĐT kết luận việc mua sắm giấy in theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho phép chủ đầu tư tự quyết định danh sách rút gọn, làm hạn chế sự tham gia của các đơn vị cung cấp có năng lực, có chất lượng tốt và giá bán thấp, không đảm bảo sự cạnh tranh, tính công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
CQĐT cho rằng việc không quy định, hoặc không quy định rõ về hạn mức áp dụng đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu dẫn đến nhiều doanh nghiệp lợi dụng để ban hành hạn mức cao hơn nhiều so với quy định của Luật Đấu thầu đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu, như chào hàng cạnh tranh, chào hàng cạnh tranh rút gọn.
"Đây là nguyên nhân dẫn đến việc thông đồng, đưa các nhà thầu vào danh sách được lựa chọn, tạo điều kiện trúng thầu, nguy cơ gây thiệt hại lớn cho nhà nước", CQĐT nhận định.
Ngoài ra, theo CQĐT, Bộ GD-ĐT đã cử kiểm soát viên tại NXB Giáo dục nhưng không quy định rõ việc kiểm soát trực tiếp, tham gia vào hoạt động đấu thầu đối với hoạt động mua sắm thường xuyên, dẫn đến các bị can lợi dụng để thực hiện sai phạm trong thời gian dài.
Từ nguyên nhân trên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước quy định rõ về hạn mức được áp dụng đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu mà doanh nghiệp ban hành.
CQĐT cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT quy định cụ thể việc giám sát, kiểm soát hoạt động mua sắm thường xuyên của NXB Giáo dục. Trong đó, quy định rõ việc kiểm soát viên được tham gia giám sát trực tiếp trong suốt quá trình đấu thầu và những trường hợp bắt buộc phải báo cáo Bộ GD-ĐT về kết quả lựa chọn nhà thầu.
Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục nộp lại 3 tỉ đồng
Trong vụ án này, bị can Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục) bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận đã có hành vi nhận hối lộ gần 25 tỉ đồng.
Quá trình điều tra, CQĐT xét thấy bị can thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với CQĐT làm rõ bản chất vụ án. Bị can cũng đã phối hợp với gia đình nộp lại 3 tỉ đồng tiền nhận hối lộ từ Tô Mỹ Ngọc, Nguyễn Trí Minh.
Bị can cũng tự nguyện giao tài sản để phục vụ công tác kê biên, đảm bảo việc nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi bất chính và khắc phục hậu quả. Công đoàn NXB Giáo dục có văn bản gửi CQĐT xác nhận thành tích, đóng góp của bị can đối với đơn vị. Vì vậy, bị can Thái được CQĐT đề nghị xem xét khi lượng hình.
Đối với bị can Tô Mỹ Ngọc (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng), Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát), CQĐT kết luận hai bị can đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với CQĐT làm rõ bản chất vụ án.
Bị can Ngọc đã phối hợp với gia đình nộp lại 19 tỉ đồng là toàn bộ lợi nhuận thu được của các gói thầu năm 2017. Bị can Minh đã phối hợp với gia đình nộp lại 2,78 tỉ đồng là toàn bộ lợi nhuận thu được của các gói thầu năm 2017…