Theo cựu Giám đốc CIA Leon Panetta, Nga có thể “làm mù mắt” Mỹ bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân để tiêu diệt các vệ tinh của Mỹ trên quỹ đạo.
Kiến thức - Học thuật

Cựu giám đốc CIA sợ Nga dùng vũ khí hạt nhân làm mù mắt tình báo Mỹ

Anh Tú 21/02/2024 16:29

Theo cựu Giám đốc CIA Leon Panetta, Nga có thể “làm mù mắt” Mỹ bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân để tiêu diệt các vệ tinh của Mỹ trên quỹ đạo.

Vào ngày 14.2, các báo cáo về một loại vũ khí không gian bí ẩn của Nga đã gây xôn xao ở Washington. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, Mike Turner, đã thúc giục Nhà Trắng cung cấp thông tin tình báo liên quan đến “mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng”.

Các phương tiện truyền thông và báo chí Mỹ cho rằng nó liên quan đến một hệ thống hạt nhân chưa được triển khai nhưng có khả năng gắn với tàu vũ trụ ở Nga sẽ gây ra mối đe dọa cho các vệ tinh của Mỹ và đồng minh.

Rất nhiều thông tin ban đầu còn mâu thuẫn; một số nguồn đề cập đến một con tàu vũ trụ được trang bị vũ khí hạt nhân, trong khi những nguồn khác mô tả nó là chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Về cơ bản, có ba mô tả: thứ nhất và đáng sợ nhất, đó là vũ khí hạt nhân được đặt trên quỹ đạo và có khả năng phóng vào bất kỳ mục tiêu nào trên Trái đất. Thứ hai, đỡ sợ hơn là vũ khí hạt nhân được thiết kế để phá hủy các vệ tinh khác. Thứ ba, đơn giản đó chỉ là một vệ tinh chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ sử dụng năng lượng hạt nhân để cung cấp năng lượng cho một số vệ tinh khác chứ không phải là một đầu đạn. Dù mô tả nào thì cũng khiến người Mỹ đứng ngồi không yên.

Có một niềm tin phổ quát rằng loạt đạn mở đầu của cuộc xung đột toàn cầu lớn tiếp theo sẽ xảy ra bên ngoài không gian. Trong khi các quốc gia cạnh tranh để tạo ra những năng lực không gian mới, một số nước cũng đang lắp đặt vũ khí để chiến đấu bên ngoài bầu khí quyển Trái đất. Nói một cách dễ hiểu, không gian đã nổi lên như một khu vực chiến tranh thiết yếu nhất trong bối cảnh thời đại thông tin lên ngôi.

Theo cựu Giám đốc CIA Leon Panetta, Nga có thể “làm mù mắt” Mỹ bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân để tiêu diệt các vệ tinh của Mỹ trên quỹ đạo. Do đó, các chuyên gia và cựu quan chức vẫn cảnh báo rằng bất kỳ mối nguy hiểm nào đối với các vệ tinh của Mỹ đều có thể gây ra những hậu quả sâu rộng.

Quân đội Mỹ phụ thuộc đáng kể vào thông tin liên lạc qua vệ tinh, hơn bất kỳ đối thủ trên toàn thế giới, liên quan đến mọi thứ, từ bom dẫn đường bằng GPS đến điều hướng quân sự và hàng hải, liên lạc trên chiến trường, quan sát chiến trường và phát hiện phóng tên lửa.

Quy tắc về vũ khí không gian

Mỹ, Trung Quốc và Nga đã có thể tiến hành các cuộc tấn công vệ tinh toàn cầu. Tuy nhiên, về nguyên tắc, họ không thể sử dụng bom hạt nhân ở đó. Hiệp ước ngoài vũ trụ năm 1967, cấm các quốc gia phóng “bất kỳ vật thể nào mang vũ khí hạt nhân hoặc bất kỳ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào khác” vào quỹ đạo, đã được cả ba nước ký kết.

Cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mick Mulroy tuyên bố rằng trong môi trường địa chính trị hiện nay, không có sự đảm bảo nào về hiệp ước đã ký kết. Quan hệ Nga – Mỹ đang rất căng thẳng do mâu thuẫn trong nhiều vấn đề. Nga quyết định ngừng tham gia hiệp ước START mới vào năm 2023, trong đó hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược mà mỗi quốc gia có thể triển khai.

Các nhà phân tích chương trình không gian của Nga tin rằng mối đe dọa ngoài vũ trụ nhiều khả năng là một loại vũ khí cần năng lượng hạt nhân lớn để thực hiện nhiều cuộc tấn công vào vệ tinh hơn là bom hạt nhân.

Một vài ví dụ trong số này có thể gồm súng xung điện từ (EMP) có khả năng phá hủy tất cả các thiết bị điện tử của vệ tinh bên trong một vùng quỹ đạo nhất định; thiết bị gây nhiễu tín hiệu hoặc vũ khí có thể làm mù cảm biến hình ảnh.

Theo Daryl Kimball, giám đốc điều hành của nhóm vận động Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, Nga có nhiều khả năng đang phát triển một hệ thống chạy bằng năng lượng hạt nhân với khả năng tác chiến điện tử.

Theo đánh giá năm 2023 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, Nga đang nghiên cứu nhiều loại vũ khí nhằm mục tiêu vào các vệ tinh cụ thể và có thể đang nghiên cứu các hệ thống vũ khí có công suất cao hơn nhằm mở rộng mối đe dọa đối với tất cả các vệ tinh.

Vũ khí phi hạt nhân chống vệ tinh đã xuất hiện được một thời gian. Sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, Nga đã thử nghiệm một tên lửa chống vệ tinh có sức tàn phá khủng khiếp trên một trong những vệ tinh cũ của họ vào năm 2021.

Nhưng một quả bom hạt nhân nổ trên quỹ đạo sẽ là một câu chuyện rất khác. Theo chuyên gia Brian Weeden của Tổ chức Thế giới An toàn, nếu vũ khí hạt nhân nổ trên quỹ đạo, điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả vệ tinh quân sự và thương mại.

Trước lo ngại của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng Moscow đang phát triển vũ khí diệt vệ tinh. "Chúng tôi luôn dứt khoát chống lại và hiện vẫn phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân vào không gian", AFP vào khuya 20.2 dẫn lời Tổng thống Putin tại cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. "Những gì chúng tôi đang làm trong không gian cũng giống như trường hợp của các nước khác, bao gồm Mỹ", theo ông Putin.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu giám đốc CIA sợ Nga dùng vũ khí hạt nhân làm mù mắt tình báo Mỹ