Tại tòa, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội nói: "Cho dù là một thằng tù cũng phải có nhân cách".
“Cảm giác như Hưng không hiểu luật”
Chiều 21.7, tại phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”, sau khi nghe phần đối đáp của đại diện VKS, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên) đã đề nghị VKS làm rõ căn cứ xác định trong chiếc vali đó là tiền và bị cáo yêu cầu chuyển tiền bằng cách nào, khi nào? Tại sao ông Tuấn (Nguyễn Anh Tuấn - cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội) nói đưa tiền của Nguyễn Thị Thanh Hằng cho bị cáo mà vẫn nộp tiền khắc phục?
Theo luật sư bào chữa cho Hoàng Văn Hưng, vật chứng quan trọng trong vụ án này là chiếc vali, Hưng khai trong đó có 4 chai rượu. Dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội, luật sư nói trong chiếc cặp đó chưa chắc đựng những thứ như lời khai của những người có liên quan.
Về việc cung cấp lời khai của Hưng, theo luật sư, bị cáo đã rất tích cực hợp tác với CQĐT để chứng minh mình vô tội. Hơn nữa, ngay từ đầu bị cáo đã kêu oan và kêu oan liên tục; tại phiên tòa, những chứng cứ gỡ tội đã được bị cáo khai nhất quán và khẳng định không nhận số tiền như cáo buộc.
Tham gia đối đáp sau khi nghe Hoàng Văn Hưng trình bày, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn “cảm giác như Hưng không hiểu luật”. Cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội nói rõ việc khắc phục hậu quả vụ án là vì CQĐT và VKS kết luận bị cáo phạm tội môi giới hối lộ, và phải chịu trách nhiệm về số tiền 1,85 triệu USD. “Việc tôi nộp tiền khắc phục hậu quả là tuân thủ pháp luật”, bị cáo Tuấn nói rõ.
Cuối lời, ông Tuấn nói: “Tôi đã nhìn thấy Hưng khóc trước tòa nhưng không hiểu động cơ khóc là gì, đấy là những giọt nước mắt cần phải xem xét. Cho dù là một thằng tù cũng phải có nhân cách”.
Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế: “Mức án bị đề nghị rất nghiệt ngã”
Trong phần đối đáp, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) cho biết trong ngày hôm nay hoặc ngày mai, gia đình bị cáo sẽ nộp hết toàn bộ số tiền phải khắc phục trong vụ án này.
Trình bày về tình tiết giảm nhẹ, theo cựu thư ký, thời điểm dịch COVID-19, bị cáo đã đi hết các điểm dịch, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ngoài ra, gia đình bị cáo có bố ở chiến trường Tây Nguyên trở về…
"Bị cáo thấy mức án mà VKS đề nghị rất là nghiệt ngã với cuộc đời của bị cáo. Xin HĐXX và đại diện VKS xem xét để bị cáo có cơ hội trở về với gia đình làm lại cuộc đời. Bị cáo đã nhận tội trước nhân dân, trước Đảng. Bị cáo rất ăn năn hối lỗi về việc đó", Kiên trình bày.
Trước đó, VKS cho rằng bản thân bị cáo Kiên không chỉ có hành vi yêu cầu, đòi hỏi, thỏa thuận các doanh nghiệp phải đưa tiền mà Kiên còn nhờ một số doanh nghiệp xác nhận tiền họ chuyển cho Kiên là vay mượn dân sự và thỏa thuận góp vốn nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Sau khi dẫn chứng lời khai của một loạt đại diện doanh nghiệp về việc đưa tiền cho Kiên, kiểm sát viên cho rằng không có căn cứ để áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” đối với bị cáo Kiên.
Đối với quan điểm đề nghị chuyển tội danh cho Kiên vì luật sư cho rằng bị cáo vô ý nhận hối lộ, không nhận thức hết được hành vi của mình, doanh nghiệp đưa bao nhiêu cũng được, VKS cũng phân tích và cho thấy không thể vô ý nhận 253 lần hối lộ được, trong đó có gần 200 lần nhận qua tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, theo VKS, sau phần luận tội của VKS thì Kiên đã tác động gia đình nộp thêm số tiền 8 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Vợ bị cáo có đơn đề nghị tự nguyện dùng tài sản chung là căn hộ chung cư để khắc phục hậu quả cho bị cáo, đề nghị HĐXX xem xét, ghi nhận cho bị cáo.
Đại diện VKS nhận định hành vi của Kiên cũng như các bị cáo làm mất đi ý nghĩa của chuyến bay giải cứu, gây bất bình trong nhân dân và “phản bội lại sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, nhân dân”. VKS khẳng định hành vi của Kiên là nhận hối lộ 253 lần với tổng số tiền 42 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, Kiên bị cáo buộc nhận hối lộ với số lần nhiều nhất, với số tiền nhiều nhất. Quá trình điều tra vụ án, Kiên đã chủ động trả lại các doanh nghiệp khoảng 12 tỉ đồng; ngoài ra, gia đình bị cáo nộp thêm 15 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Sau khi VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án tử hình, người nhà bị cáo đã nộp thêm 8 tỉ đồng để khắc phục. Như vậy, tổng số tiền Kiên và gia đình đã nộp là 35 tỉ đồng.