UBND tỉnh An Giang quyết định tạm ứng 24 tỉ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh để xử lý sạt lở khẩn cấp tuyến quốc lộ 91. Nhưng mới đây số cát được cho vào bao... gia cố đoạn sạt lở lại trôi tiếp xuống sông. Vậy tỉnh có phải chi thêm?
Như báo điện tử Một Thế Giới đã thông tin, khoảng 4 giờ sáng 20.8, một đoạn quốc lộ 91 đi qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, H.Châu Phú, tỉnh An Giang đã xảy ra sạt lở lớn với chiều dài gần 30 mét, sụp xuống sông Hậu. Theo ghi nhận, trên mặt đường quốc lộ 91, phía bờ sát khu dân cư xuất hiện nhiều vết răng nứt rộng, chạy dài hàng chục mét và đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở. Toàn bộ những bao cát vừa được gia cố đã trôi sông...
Trước đó, khu vực này đã bị sạt lở, nên UBND tỉnh An Giang quyết định chi khẩn cấp không quá 25 tỉ đồng khắc phục khẩn cấp sạt lở. Và Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Mỹ Luông (TX.Tân Châu) được UBND tỉnh chỉ định thầu, đắp bao cát, làm kè tạm để gia cố...
Ông Nguyễn Văn Du - Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh An Giang, cho biết khi bị trượt khối cát đắp vào nền đường, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho tạm dừng để cho đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát lại địa hình đáy sông...
Cũng theo ông Du, việc sụp hoàn toàn các bao tải cát là do sự cố thiên tai. Do đó, tư vấn kỹ thuật vừa thiết kế vừa chỉ dẫn kỹ thuật có thông qua các sở ngành, thêm sự chủ trì của thường trực UBND tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã đưa ra hướng xử lý theo tình huống khẩn cấp.
“Ở đây việc thiết kế kỹ thuật đúng chứ không sai. Vụ sụp bao tải cát là do thiên tai, hơn nữa địa hình ở vùng này có hàm ếch, lạch sâu lở. Chúng tôi đã xác định và khoanh vùng rồi. Tuy nhiên địa hình rất là phức tạp nên trong ngày hôm nay chúng tôi sẽ khoan xong hố khoan thứ 2. Chiều hôm qua chúng tôi đã hoàn thành hố khoan thứ nhất, để xác định địa chất.
Sau khi phân tích địa tầng như thế nào, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để cho tư vấn thiết kế báo cáo lại quá trình khảo sát cùng với các sở ngành chuyên môn có liên quan như GTVT, NN-PTNT, Xây dựng, TN-MT để cùng tham gia đề xuất của tư vấn thiết kế”, ông Du nói.
Và hôm nay 21.8, Chủ tich UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã ký quyết định tạm ứng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang 24 tỉ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh để xử lý sạt lở khẩn cấp tuyến quốc lộ 91 này. Vậy toàn bộ cát đã trôi sông, tỉnh có phải chi thêm?
Trước mắt, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang, cơ quan này vẫn chưa nhận được tiền từ ngân sách nhà nước, mặc dù Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định cho tạm ứng.
“Riêng số lượng cát bị trôi, sụp thì nhà thầu thi công phải theo hồ sơ, thiết kế và chịu trách nhiệm. Nhưng được một cái, số cát đó không thể nào mất đi vì nó trượt ra vào hố bên ngoài. Cát mình được gói vào bao tải rồi, chứ không phải cát rời nên khi trượt sẽ nằm ở đó, còn việc lỗ hay không của nhà thầu thi công (vì sự cố này- PV), chúng tôi sẽ bàn bạc với UBND tỉnh”, ông Du khẳng định.
Ông Phùng Mỹ Luông - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Mỹ Luông cho biết số cát trôi sông thì chưa có kết luận của cơ quan chức năng nên không thể nói bên nào chịu trách nhiệm.
“Tôi xin khẳng định với anh, hiện tại công ty tôi làm đúng theo hồ sơ kỹ thuật, chỉ dẫn của thiết kế và chỉ đạo của chủ đầu tư. Hiện tại chủ đầu tư và các ban ngành đang nhờ những đơn vị tư vấn thiết kế khoan địa chất để tìm ra nguyên nhân nó trượt là do đâu thì mới có kết luận.
Nếu có kết luận do thiên tai thì chúng tôi không chịu trách nhiệm, còn nếu do sự cố kỹ thuật thì số lượng cát đó công ty tôi gánh. Khẳng định với anh, công ty tôi làm đúng theo hồ sơ kỹ thuật, nên công ty tôi đâu có làm sai mà chúng tôi ngại”, ông Luông nói.
Tô Văn