Do không thấy dây giăng tại công trường nên bệnh nhân bị vướng vào cổ, ngã xuống đường. Sau khi ngã, bệnh nhân thấy chấn thương không nghiêm trọng, không ngờ bị đứt đôi khí quản.

Cứu sống thành công bệnh nhân bị đứt đôi khí quản

Phong Phạm | 10/03/2021, 12:36

Do không thấy dây giăng tại công trường nên bệnh nhân bị vướng vào cổ, ngã xuống đường. Sau khi ngã, bệnh nhân thấy chấn thương không nghiêm trọng, không ngờ bị đứt đôi khí quản.

Ngày 10.3, BS.CK2 Phạm Thanh Phong – Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết: “Các bác sĩ bệnh viện vừa phẫu thuật nội soi cứu sống một bệnh nhân chấn thương hy hữu: đứt đôi khí quản do tai nạn”.

benh-nhan-on-dinh-sau-phau-thuat.jpg
Bệnh nhân đã ổn định sức khỏe sau phẫu thuật - Ảnh: Phong Phạm

Bệnh nhân là anh Đ.T.D. (19 tuổi, sinh viên đại học, ngụ tỉnh Sóc Trăng) trên đường đưa em đi học bằng xe máy, do không thấy dây giăng tại công trường nên bị vướng vào cổ, ngã xuống đường. Sau khi ngã, bệnh nhân thấy chấn thương không nghiêm trọng như chỉ xây xát vùng cổ, ngực, khạc ít máu tươi nên không đi khám.

Bốn ngày sau tai nạn, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng phù nề vùng cổ, khàn giọng, khó thở nên đến bệnh viện địa phương khám. Và anh được chuyển đến BVĐKTƯCT điều trị vào lúc ngày 28.2 trong tình trạng khó thở, tím môi, khò khè, nghe tiếng rít thanh quản. Bệnh nhân có dấu hiệu lép bép da từ hàm dưới bên trái đến ngực trái, vết thương trầy xước cổ và ngực trái.

Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi hai bên, tụ khí vùng cổ và thành ngực. Kết quả nội phế quản cấp cứu ghi nhận bệnh nhân bị đứt khí quản đoạn 1/3 trên. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật dẫn lưu màng phổi cấp cứu do Ths.BS Trương Minh Thương – Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu; BS.CK2 Nguyễn Thanh Liêm – Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức thực hiện.

Bệnh nhân được theo dõi tại khu hồi sức sau phẫu thuật để phẫu thuật nội soi khâu lại khí quản bị đứt. Ê-kíp phẫu thuật do Bs.CK2 Lâm Chánh Thi – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bs.CK1 Lưu Tuyết Kiều – Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức thực hiện, khi bộc lộ khí quản thấy sụn khí quản 1, 2 vỡ nát, đứt đôi. Các bác sĩ xử lý tổn thương,lấy bỏ phần sụn khí quản 1, 2 vỡ nát, khâu sụn khí quản vào thanh quản. Phẫu thuật diễn ra trong 90 phút. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thở thông qua canuyn và chân canuyn khô tốt, bệnh nhân sinh hoạt gần như bình thường.

Theo BS.CK2 Lâm Chánh Thi: “Chấn thương thanh – khí quản ít gặp trong thực tế lâm sàng, tuy vậy có xu hướng ngày càng tăng. Đây là loại chấn thương có tỷ lệ tử vong cao, đứng hàng thứ hai, chỉ xếp sau chấn thương sọ não trong các chấn thương đầu mặt cổ. Bởi bệnh nhân sẽ gặp tình trạng khó thở ngay khi chấn thương hoặc thứ phát sau vài giờ, thậm chí sau 24 giờ. Đặc biệt tỷ lệ di chứng xơ sẹo cao ảnh hưởng đến thở và phát âm, việc khắc phục những di chứng này gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở những quốc gia có nền y học tiên tiến”.

Có nhiều nguyên nhân gây chấn thương thanh - khí quản. Đó là những nguyên nhân từ bên ngoài như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tự tử... Và những nguyên nhân từ bên trong như phẫu thuật nội soi, đặt nội khí quản. Với sự gia tăng các phương tiện, đặc biệt là xe gắn máy như ở Việt Nam, thì tai nạn giao thông đã trở thành nguyên nhân chính gây chấn thương thanh - khí quản.

Nguyên tắc điều trị chấn thương thanh khí quản là đảm bảo được hô hấp, đồng thời khôi phục lại tối đa cấu trúc giải phẫu và sinh lý hô hấp, phát âm của hệ thống thanh khí quản. Các triệu chứng của chấn thương khí quản rất khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương.

Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp là khó thở ở cả hai thì, mức độ khó thở có thể từ nhẹ đến trung bình hoặc nặng và ngày càng tăng dần. Dấu hiệu khác là tràn khí dưới da, có thể lan tràn gây biến dạng vùng cổ, cằm, mặt, ngực… Ngoài ra bệnh nhân còn có triệu chứng ho: ho thành cơn, có thể ho sặc, đau tăng khi ho, khó thở tím tái,khàn hoặc mất tiếng.

Sau chấn thương bệnh nhân có các triệu chứng nêu trên phải đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và xử trí kịp thời. Để phòng ngừa trường hợp tương tự, bác sĩ Thi cho biết: “Hầu hết nguyên nhân chấn thương thanh khí quản trong thời kỳ hiện nay là do tai nạn giao thông, để phòng bệnh cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Khi tham gia giao thông cần có các phương tiện bảo hiểm, bảo hộ cần thiết và nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, tuyệt đối không lơ là, chủ quan để phòng ngừa sự cố đáng tiếc xảy ra”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cứu sống thành công bệnh nhân bị đứt đôi khí quản