Để tháo gỡ khó khăn cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều kiến nghị rà soát lại chi phí.

Cứu thị trường xăng dầu từ thuế phí

Tuyết Nhung | 14/10/2022, 18:09

Để tháo gỡ khó khăn cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều kiến nghị rà soát lại chi phí.

Doanh nghiệp đề nghị rà soát lại chi phí

Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng - kiến nghị, Bộ Tài chính cần nghiên cứu định mức chi phí. Đối với định mức premium nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về, nên điều chỉnh hàng tháng để sát tình hình thị trường. Chi phí định mức trong nước đề nghị điều chỉnh 6 tháng, mặc dù đã điều chỉnh nhưng chưa đúng với thực tế. Vì đây là nền tảng cho việc tạo nguồn.

tth_d0c55.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp

"Định mức chi phí xăng dầu đã có từ năm 2014 đến bây giờ, nhưng các chi phí khác như thuê đất, lương đều tăng, gây ra bất cập. Do vậy, mỗi năm cần phải xem xét chi phí định mức cho các cửa hàng xăng dầu, ít nhất phải tính theo CPI. Tôi đề nghị Cục giá và Bộ Tài chính hết sức lưu ý, việc này là nền tảng cho việc tạo nguồn", ông Quỳnh đề nghị.

Cũng liên quan đến chi phí, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Petrolimex - cho hay, chi phí vận chuyển của các thương nhân đầu mối năm nay rất cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp mong muốn liên Bộ Công Thương - Tài chính chia sẻ với khó khăn này của doanh nghiệp để có phương án tháo gỡ.

Về công thức tính giá cơ sở, đại diện doanh nghiệp cho rằng cần xem xét tính đúng, tính đủ các chi phí trong thời điểm hiện tại vào giá cơ sở để doanh nghiệp không bị lỗ, có điều kiện vay vốn để nhập hàng.

Không chỉ rà soát lại chi phí, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đề nghị cần xem xét lại cho đúng việc định giá. Với việc định giá như thế này, vô hình trung, đây vừa là giá sàn, vừa là giá trần. Doanh nghiệp trong Nghị định chỉ được quyền bán buôn nhưng không được vượt giá cơ sở nhà nước đề ra. Vì vậy, ông Bảo đề nghị Bộ Tài chính nên rà soát tất cả chi phí, cùng Liên Bộ Công Thương - Tài chính đưa ra báo cáo đặt ra giá trần, trên cơ sở đó, doanh nghiệp tự điều chỉnh mức giá dưới giá trần.

Gỡ khó cho doanh nghiệp từ thuế phí

Đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Truyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, về chi phí, theo quy định hiện hành, tại mỗi kỳ điều hành, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá phù hợp nhất, cân đối lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Về mặt trách nhiệm, theo pháp luật, Bộ Tài chính thực hiện tương đối đầy đủ, như hướng dẫn cơ cấu giá, phân tích trích lập Quỹ bình ổn giá và thông báo các chi phí định mức.

Đối với chi phí định mức đưa xăng dầu từ nước ngoài về, định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính thông báo 2 lần vào ngày 10.1 và ngày 10.7. Trong thời gian qua, từ khi Nghị định 95 ra đời, Bộ Tài chính có thông báo, điều chỉnh đúng thực tế. Tuy nhiên từ ngày 10.7 đến nay, thị trường xăng dầu diễn biến quá bất thường, dẫn đến chi phí thay đổi, không đáp ứng được thực tế, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Còn chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về cảng và premium trong nước vừa được điều chỉnh ngày 11.10.

Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số chính sách nhất định, như giảm thuế từ ngày 1.4 và giảm thuế môi trường từ ngày 1.7. Và trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11.10, Bộ Tài chính cũng rà soát căn cứ con số thực tế của doanh nghiệp. Với chi phí kinh doanh, một năm điều chỉnh 1 lần. Bộ Tài chính đã có thông báo điều chỉnh từ ngày 4.6 và áp dụng luôn từ ngày 1.7. Trên con số rà soát thực tế của các công ty kinh doanh lớn - chiếm đến 70% thị phần, có hệ thống phân phối rộng, thì chi phí tính đủ, đảm bảo.

"Tuy nhiên trên thực tế có phát sinh thêm như tiền thuê đất, nhân công,... vì vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng Vụ Thị trường trong nước nghiên cứu những đề xuất và thời hạn điều chỉnh để có biện pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp", ông Nguyễn Văn Truyền nhấn mạnh.

Liên quan đến việc nhập khẩu xăng dầu, ông Truyền cho biết, do nhập khẩu xăng dầu khó khăn, Bộ Tài chính cũng có chỉ đạo quyết liệt về việc nhập khẩu xăng dầu, tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhanh nhất trong giải quyết thủ tục nhập khẩu xăng dầu. Đối với thuế, Bộ Tài chính sẽ có phương án, chuẩn bị sẵn trong trường hợp giá xăng dầu có biến động bất thường khác để có sự chủ động hơn.

Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết, trong thời gian tới, cần có các nhóm giải pháp chính trong điều hành xăng dầu để đảm bảo nguồn cung, cũng như hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Bộ Tài chính rà soát, kiến nghị, đề xuất giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

"Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận", ông Trần Duy Đông chỉ rõ.

Thêm vào đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là Sở Công Thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Ngoài ra, hiện nay mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tiếp tục tăng cao, để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, đại diện Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sớm điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức tính giá cơ sở để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh thực tế cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp tước giấy phép hoặc tạm tước giấy phép.

"Đề nghị các nhà máy lọc đầu cần có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ", ông Đông đề nghị.

Đồng thời, các nhà máy lọc dầu cũng cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất để cung ứng cho thị trường trong nước. Trên cơ sở cuộc họp sáng nay, rà soát để phân giao tổng nguồn phù hợp, gồm nguồn nhập khẩu và trong nước để đảm bảo đủ nguồn cho quý 4.

Vấn đề quan trọng nhất vẫn là nguồn cung

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nêu rõ, hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung. "Hiện nguồn trong nước đang chiếm 70-80%, tức là vẫn phải nhập khẩu 20-30% nhưng nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu.

tt_hai_xang_dau_1_a7748.png

Vì vậy, phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đó có việc phải tính đúng, tính đủ chi phí thực tế của doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước cũng như nước ngoài, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường...", Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 11.10, Bộ Công Thương đã đề xuất và Bộ Tài chính đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói cần phải tiếp tục rà soát các chi phí thực tế, hợp lý khác của doanh nghiệp để điều chỉnh như: chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam mới được điều chỉnh ngày 10.7 nhưng chi phí này hiện đã tăng rất cao nên vẫn cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc nhập khẩu mặt hàng xăng dầu…

Theo đó, Thứ trưởng giao cho Vụ Thị trường trong nước xem xét các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trên tinh thần nếu trong phạm vi giải quyết của Bộ Công Thương thì cần sớm xử lý. Những nội dung không thuộc quyền hạn, chức năng của Bộ thì phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương có liên quan để giải quyết. Đối với những nội dung vượt quá thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ và có những tham mưu, đề xuất cụ thể.

Bài liên quan
Cục quản lý thị trường TP.HCM: Số cửa hàng tạm hết xăng dầu vẫn tăng
Chiều 11.10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết tính đến ngày hôm nay có 137/550 cửa hàng trên địa bàn thông báo tạm hết xăng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
19 phút trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cứu thị trường xăng dầu từ thuế phí