Nhiều loại chi phí đã lạc hậu, nguồn cung xăng dầu bất cập... khiến doanh nghiệp chịu lỗ. Trong khi đó, hai Bộ "đùn đẩy" trách nhiệm đã lộ ra nhiều vấn đề.

'Vỡ trận' xăng dầu: Chi phí tăng nhanh, Bộ Tài chính hành động chậm

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung | 13/10/2022, 10:51

Nhiều loại chi phí đã lạc hậu, nguồn cung xăng dầu bất cập... khiến doanh nghiệp chịu lỗ. Trong khi đó, hai Bộ "đùn đẩy" trách nhiệm đã lộ ra nhiều vấn đề.

Bộ Công Thương nói do chi phí tăng nhanh

Đại diện Bộ Công Thương lý giải do giá, nguồn cung xăng dầu thế giới biến động bất thường, biên độ giao động lớn và khó dự báo (nhất là trong giai đoạn quý 2/2022 các doanh nghiệp đã nhập với khối lượng lớn giá cao do lo ngại nguồn cung thiếu nên sang quý 3/2022, giá giảm mạnh, các doanh nghiệp đã bị thua lỗ lớn) nên thời gian gần đây các doanh nghiệp nhập khẩu, mua trong nước số lượng cầm chừng để hạn chế thua lỗ.

hinh-anh-2.png

Từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng (chi phí vận chuyển, premium… tăng) nhưng những chi phí này không được Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh tăng kịp thời trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành (theo quy định việc điều chỉnh các chi phí này phải được thực hiện từ đầu tháng 7.2022 nhưng đến giữa tháng 10 mới được điều chỉnh) gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Để hạn chế thua lỗ, các doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động kinh doanh.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc kiểm soát giá các hàng hóa khác nói chung trên thị trường thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đề nghị xin ý kiến thêm của Bộ Tài chính. Theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp triển khai Chương trình bình ổn thị trường để bảo đảm nguồn cung hàng hóa với giá hợp lý cho thị trường, nhất là trong những giai đoạn lễ, Tết (nhu cầu tăng cao).

Dẫn quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, Bộ Tài chính được giao rà soát điều chỉnh và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Trên cơ sở thông tin xác thực từ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi các mức chi phí kinh doanh xăng dầu tiếp tục tăng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và điều chỉnh các mức chi phí đã tăng để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí này trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo mức phù hợp với thực tế phát sinh nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Công tác đảm bảo nguồn cung, Bộ Công Thương cho biết, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 Nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong 3 tháng cuối năm dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu (hiện 02 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong Quý 4/2022). Lượng còn lại sẽ nhập khẩu để bảo đảm cung ứng cho thị trường.

"Về cơ bản, lượng sản xuất và nhập khẩu như trên theo đúng kế hoạch đã phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022. Nguồn cung xăng dầu trên thị trường mặc dù có nhiều khó khăn nhưng cơ bản vẫn được cung ứng đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng", đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Bộ Tài chính khẳng định vấn đề nằm ở nguồn cung

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng điều quan trọng nhất là cần phải xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thì cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu là Bộ Công Thương. Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội các khoản thuế, phí đối với xăng dầu.

"Công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, do đó việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương và các doanh nghiệp", Bộ trưởng Phớc nói.

Liên quan trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: “thứ nhất về thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu 3.000 đồng/lít, về mức sàn tối thiểu; chúng tôi đã tham mưu Chính phủ giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống còn 10%, trình Chính phủ trình Quốc hội trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao thì tiếp tục giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% thuế giá trị gia tăng.

Thứ hai về chi phí định mức đối với kinh doanh xăng dầu, hiện nay quy định đối với 1 lít xăng chẳng hạn như A92 là 975 đồng, sau khi có đề nghị của Bộ Công thương chúng tôi đã xin ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp và đã thống nhất tăng lên 350 đồng. Như vậy 1 lít xăng A92 hiện nay thì chi phí định mức là 1.320 đồng.

Như vậy, Bộ Tài chính luôn ủng hộ làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ cho người dân và đảm bảo giá xăng dầu hạ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống cho người dân. Chúng tôi đã tham mưu rất kịp thời, chính xác đối với các chính sách để phản ứng trước vấn đề tăng giá xăng dầu”.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: “hiện nay, vấn đề làm thế nào để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, làm thế nào để quản lý tốt các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng. Nước ta hiện nay có đến 36 doanh nghiệp đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối; hay như đối với doanh nghiệp phân phối chúng ta cũng có đến hàng trăm doanh nghiệp.

Vậy làm thế nào để xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất? Đây là một vấn đề đặt ra và chúng tôi cũng đã trao đổi, phối hợp với Bộ Công Thương để Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý”. 

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết hiện nay nhà nước không quy định chiết khấu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu vì yếu tố này chủ yếu phục thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá xăng dầu thế giới, sản lượng tồn kho xăng dầu của các thương nhân đầu mối và phương thức bán hàng của hai bên.

Trường hợp giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm có thể tác động làm giảm giá xăng dầu trong nước, nếu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có sản lượng tồn kho lớn thì các thương nhân đầu mối có thể tăng chiết khấu để bán hàng và ngược lại. Ngoài ra, chiết khấu xăng dầu có thể còn phụ thuộc vào chính sách bán hàng và năng lực kinh doanh của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mà đại lý, tổng đại lý ký hợp đồng trực tiếp.

Nhận định của Bộ Công Thương cho rằng, việc chưa điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng dẫn đến việc phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường là chưa đủ cơ sở và chưa đúng với diễn biến thực tế thị trường hiện nay.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương đánh giá, làm rõ nguyên nhân khó khăn về nguồn hàng, đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí; chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước trong mọi tình huống.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu phương án giảm mức trích lập và kết hợp sử dụng Quỹ BOG xăng dầu (nếu cần thiết) theo quy định để việc điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng không tác động đến giá cơ sở xăng dầu kỳ điều hành.

Trong những ngày qua, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như: TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... (hiện tượng này không phải phổ biến, có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động).

Cùng với việc tái diễn cắt chiết khấu cho các đại lý bán lẻ xăng dầu, việc cung ứng dầu trong hệ thống lại gặp vấn đề khi nhiều đại lý, cửa hàng không thể nhập được hàng. Tình trạng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính "đùn đẩy" trách nhiệm trong điều hành đã lộ ra nhiều bất cập trong việc quản lý giá xăng dầu hiện nay.

Bài liên quan
Xăng dầu đồng loạt tăng giá, có loại tăng gần 2.000 đồng/lít
Sau 4 phiên giảm liên tiếp, giá xăng dầu trong nước đã đồng loạt tăng, có loại tăng gần 2.000 đồng/lít, từ 15 giờ chiều nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Vỡ trận' xăng dầu: Chi phí tăng nhanh, Bộ Tài chính hành động chậm