Cựu Thủ tướng Phần Lan Esko Aho nhấn mạnh: “Khoa học và công nghệ (KH&CN) là yếu tố căn bản kết hợp với các yếu tố khác như giáo dục hay mối quan hệ hợp tác giữa khối doanh nghiệp tư nhân với các trung tâm nghiên cứu đã tạo ra đổi mới sáng tạo (ĐMST)”.
Chú trọng công nghệ cao
Trong buổi thuyết trình tại Bộ KH&CN ngày 18.9, Cựu Thủ tướng Phần Lan Esko Aho dẫn câu chuyện thành công của hãng Nokia trước đây. Ông cho rằng nếu không có sự hợp tác với khối viện trường thì sẽ không có thời hoàng kim của Nokia như thế giới đã biết. Tuy nhiên, ông Esko Aho nhấn mạnh: “ĐMST là cần phải biết chấp nhận rủi ro vì bản chất của ĐMST là sẵn sàng làm cái gì đó mới mẻ. Do đó, nếu không biết chấp nhận cái mới và chấp nhận rủi ro thì không thể có đổi mới sáng tạo”.
Chia sẻ chính câu chuyện để có ĐMST ở Phần Lan, ông Aho cho biết tại Phần Lan, việc hoạch định chính sách dựa trên tư duy thay đổi khái niệm ngay từ khi khái niệm đó còn chưa đến điểm khủng hoảng nhằm đón trước được tương lai.Đây cũng chính là một trong những nhân tố cơ bản giúp Phần Lan thành công trong việc tăng trưởng kinh tế nhờ ĐMST.
Ngoài ra, theo cựu Thủ tướng, các nhân tố khác giúp Phần Lan có được sự tăng trưởng như ngày nay là việc nước này chú trọng đầu tư vào công nghệ cao để tiến xa hơn và việc chính phủ luôn nỗ lực hỗ trợ và đầu tư để tạo ra các thể chế thúc đẩy hợp tác công tư, qua đó tạo điều kiện cho ĐMST.
Đối với Việt Nam, ông Esko Aho cho rằng Việt Nam có đầy đủ các yếu tố căn bản để ĐMST phát triển như có nền tảng KH&CN và giáo dục tốt.
Khái niệm nền kinh tế đổi mới sáng tạo
Trong buổi thuyết trình, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: “Để bắt kịp với những yêu cầu đổi mới của đất nước trong bối cảnh mới, chính chúng ta – các nhà quản lý và hoạch định chính sách KH&CN, đổi mới sáng tạo cần thay đổi trước”.
Theo Bộ trưởng, trong các diễn đàn kinh tế gần đây, khái niệm nền kinh tế tri thức đang dần được thay đổi bằng khái niệm nền kinh tế ĐMST; hướng đến một nền kinh tế mà vai trò dẫn dắt dựa trên ĐMST, khởi nghiệp là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới.
Đối với Việt Nam, mô hình tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên đã không còn thích hợp, nguồn vốn trí tuệ trở thành đầu vào quan trọng trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Đầu tư KH&CN, ĐMST và nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong ba đột phá chiến lược trong tăng trưởng kinh tế bền vững bên cạnh hai trụ cột là thể chế và hạ tầng đã được Đảng, Chính phủ và Quốc hội quan tâm tập trung chỉ đạo”.
Được biết, năm 2017, chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam đã tăng 12 bậc, xếp thứ 47/127 quốc gia và nền kinh tế, vươn lên thứ nhất trong số 27 nước có thu nhập trung bình thấp. Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (gồm 27 nước), Việt Nam đã vươn lên xếp thứ Nhất; trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ Ba (sau Singapore, Malaysia và đứng trên Thái Lan).
Trong Báo cáo về Xếp hạng Chỉ số ĐMST toàn cầu 2017, cả 2 nhóm chỉ số đầu vào và đầu ra về ĐMST của Việt Nam năm 2017 đều có sự tiến bộ so với năm 2016. Cụ thể, nhóm chỉ số đầu ra tăng 8 bậc, trong đó hầu hết các nhóm chỉ số đều tăng bậc như thể chế vĩ mô, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và nghiên cứu…; nhóm chỉ số đầu ra tăng 4 bậc.
Thu Anh