Cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), ông Huỳnh Thế Năng (61 tuổi) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Mới đây, sau khi nhận kết luận điều tra, ông Huỳnh Thế Năng đã có đơn khiếu nại đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện KSND tối cao.

Cựu Tổng giám đốc Vinafood 2 khiếu nại vì bị quy tội làm thất thoát hàng trăm tỉ đồng

09/08/2020, 14:04

Cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), ông Huỳnh Thế Năng (61 tuổi) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Mới đây, sau khi nhận kết luận điều tra, ông Huỳnh Thế Năng đã có đơn khiếu nại đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện KSND tối cao.

Bị can Trần Văn Tâm- nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh bị khởi tố và bắt tạm giam vào tháng 3.2019 - Ảnh: H.D.

Ông Huỳnh Thế Năng có bị cấp dưới qua mặt?

Một trong những nội dung của kết luận điều tra khiến ông Năng không đồng tình nhất là việc Cơ quan điều tra (CQĐT) cho rằng ông không sâu sát trong công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay tại ngân hàng, để Công ty Lương thực Trà Vinh (công ty con của Vinafood 2) qua mặt. Và Công ty Lương thực Trà Vinh đã sử dụng vốn sai mục đích, đảo nợ, chuyển tiền thông qua các hợp đồng mua bán khống, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Ông Năng cho rằng trên thực tế, bên cạnh việc thành lập các tổ kiểm tra, đoàn kiểm tra thì Tổng công ty còn tiến hành kiểm tra giám sát gián tiếp bằng các hình thức như: thông qua các báo cáo tài chính thống kê quý, năm và báo cáo định kỳ khác theo quy định, thông qua phối hợp giám sát tài chính giữa các phòng, ban nghiệp vụ Tổng công ty, kiểm soát viên, ban kiểm soát nội bộ và ý kiến chỉ đạo của ban lãnh đạo, thông qua đơn vị kiểm toán độc lập.

Ngoài ra, công tác chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn tại các đơn vị phụ thuộc đã được ông thực hiện một cách đầy đủ, thường xuyên và liên tục trong suốt quá trình nhận nhiệm vụ. Để chứng minh vấn đề này, ông dẫn ra hàng loạt thông báo, công văn chỉ đạo các phòng ban trong Tổng công ty xử lý rốt ráo những vấn đề liên quan đến vốn, đặc biệt là tại Công ty Lương thực Trà Vinh.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT về việc giám sát tài chính năm 2015 và quý 1.2016 của Vinafood 2 trình Thủ tướng thể hiện năm 2014, Vinafood 2 đã lỗ hơn 873 tỉ đồng - Ảnh: Thanh Nguyên

Ông Năng cho rằng, sở dĩ sai phạm của Công ty Lương thực Trà Vinh được phát hiện là do việc chính ông tái triển khai hệ thống kế toán Effect cho toàn Tổng công ty và phân công người cụ thể theo dõi các giao dịch bất thường tại các công ty phụ thuộc. Đồng thời năm 2017, ông đã quyết định thành lập tổ để kiểm tra tình hình huy động vốn, sử dụng vốn và tài sản tại các đơn vị hạch toán phụ thuộc công ty mẹ. Chính từ đây, sai phạm ở Công ty Lương thực Trà Vinh đã được phát hiện.

Ông Năng cũng cho biết, Công ty Lương thực Trà Vinh được quyền tự chủ trong kinh doanh. Trong đó có quyền chủ động ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán gạo trong nước nên Công ty Lương thực Trà Vinh được toàn quyền trong việc sử dụng vốn để chuyển tiền thông qua các hợp đồng mua bán mà không cần phải báo cáo hay xin ý kiến Tổng Công ty trước khi thực hiện. Chính vì vậy, việc CQĐT quy kết rằng xuất phát từ việc Tổng công ty không kiểm tra, sử dụng quản lý vốn của Công ty Lương thực Trà Vinh nên để cho công ty con này chuyển tiền thông qua hợp đồng mua bán khống là không đúng với bản chất của sự việc.

CQĐT cho rằng, để kiểm tra, giám sát tại Công ty Lương thực Trà Vinh, từ năm 2012-2017, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra được lập nhưng quá trình này ông Huỳnh Thế Năng cùng người tiền nhiệm là ông Trương Thanh Phong (Tổng giám đốc Vinafood 2 giai đoạn 2002-2013), Nguyễn Ngọc Nam (nguyên Phó tổng giám đốc Vinafood 2)... không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, không phát hiện sai phạm của Tâm và đồng phạm, gây thiệt hại cho nhà nước.

Tuy nhiên theo ông Năng, điều lạ là cả ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Vinafood 2 suốt 11 năm liền, cả trong thời kỳ khởi phát sai phạm tại Công ty Lương thực Trà Vinh (2012-2013), và ông Nguyễn Ngọc Nam đều được đề nghị xử lý bằng biện pháp hành chính.

Ngoài ra, việc không truy cứu trách nhiệm của Công ty Kiểm toán độc lập AASC - đơn vị đã đồng ý toàn phần với các báo cáo tài chính và không có bất kỳ khuyến nghị gì mặc dù có tham gia chứng kiến kiểm kê tại thời điểm 0 giờ hàng năm, cũng đặt ra một câu hỏi lớn?

Về vụ án tại Công ty Lương thực Trà Vinh, CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam một số người để điều tra hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” gây thiệt hại cho Vinafood 2 hơn 200 tỉ đồng. Theo đó, từ 2012 - 2017, ông Trần Văn Tâm trong cương vị giám đốc điều hành Công ty Lương thực Trà Vinh đã kinh doanh đã liên tục thua lỗ với tổng số tiền lên đến hơn 814 tỉ đồng.

Sau khi nhận chức vụ Tổng giám đốc Vinafood 2, ông Huỳnh Thế Năng đã có tờ trình đến Hội đồng Thành viên của Tổng công ty đề nghị giám sát tài chính của 5 công ty con, trong đó có Công ty Lương thực Trà Vinh - Ảnh: Thanh Nguyên

Để tiếp tục được Vinafood 2 cấp vốn, bảo lãnh vay vốn ngân hàng, ông Tâm chỉ đạo cấp dưới lập khống các báo cáo tài chính, hợp đồng thỏa thuận mua bán, xuất khẩu hàng hóa với 20 công ty tạo các công nợ khống... chứng minh Công ty Lương thực Trà Vinh kinh doanh có lãi.

Tính đến 31.10.2017, Công ty Lương thực Trà Vinh có dư nợ tại các ngân hàng là hơn 600 tỉ đồng. Được Vinafood 2 bảo lãnh trả nợ thay và ủy quyền sử dụng hạn mức, nên các ngân hàng đã thu tiền từ công ty mẹ. Ngoài ra, ông Tâm còn bị cáo buộc lập khống các chứng từ để lấy hơn 5,1 tỉ đồng của Công ty Lương thực Trà Vinh để hợp thức hóa mua 2 căn nhà. Sau đó, ông Tâm làm giả các chứng từ chi mua gạo để cân đối sổ sách qũy tiền mặt để che giấu số tiền tham ô.

Có sự nhầm lẫn về con số?

Theo đơn khiếu nại của ông Năng, việc CQĐT cho rằng ông phải chịu trách nhiệm khi làm giảm vốn chủ sở hữu tại Vinafood 2 với số tiền hơn 651 tỉ đồng là không chính xác. “Tôi cho rằng đã có sự nhầm lẫn về mặt thứ tự của những chữ số này. Lẽ ra phải là hơn 561 tỉ đồng nhưng lại bị đảo thành 651 tỉ đồng. Bởi căn cứ vào biên bản xác minh ngày 27.4.2020 của CQĐT tại Vinafood 2 thì vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31.3.2014 của Tổng công ty - tức 14 ngày trước khi tôi nhận nhiệm vụ chính xác là 4.456.546.859.372 đồng. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30.9.2017 của Tổng công ty, tức sau khoảng 2 ngày kể từ khi tôi nhận quyết định nghỉ hưu là 3.895.168.231.657 đồng”, đơn ông Năng trình bày.

Theo ông, như vậy, nếu làm phép trừ đơn giản thì số tiền bị giảm vốn chính xác chỉ có 561.378.627.715 đồng, không phải 651 tỉ đồng như Kết luận điều tra. Về việc này, ông Năng có ý kiến rằng, khi tiến hành nhận bàn giao nhiệm vụ từ ông Nguyễn Ngọc Nam (quyền Tổng giám đốc trước đó) thì ông chỉ được bàn giao về quyền hạn, trách nhiệm của Tổng giám đốc mà không được bàn giao chính thức về tài chính.

Việc xác định vốn chủ sở hữu tại Tổng công ty không được tiến hành tại thời điểm ông nhận nhiệm vụ, mà lại được căn cứ trước đó 14 ngày và chưa trừ đi các khoản lỗ phát sinh từ do hệ luỵ của thời kỳ trước để lại là không công bằng với ông.

“Còn những khoản lỗ phát sinh vào thời điểm tôi đang làm Tổng giám đốc, nhưng nguyên nhân của việc phát sinh lỗ lại hoàn toàn khách quan. Như việc liên quan việc trúng gói thầu gạo Philippines - chỉ 1 ngày sau khi tôi về nhận nhiệm vụ, việc tham gia đấu thầu đã được tổ chức từ trước. Vấn đề này đã được tôi trình bày rất nhiều lần trong các bản tự khai mà tôi đã gửi CQĐT và Viện KSND tối cao, nhưng chưa được 2 cơ quan tố tụng xem xét một cách thấu đáo.

Sẽ thật bất công với tôi nếu như bắt tôi phải gánh chịu cả những khoản lỗ mà nguyên nhân của việc phát sinh hoàn toàn do hệ lụy do thời kỳ trước để lại và do các nguyên nhân khách quan mà hoàn toàn không xuất phát từ lỗi hoặc do sự thiếu trách nhiệm của tôi”, ông Năng trình bày.

Nói rõ hơn về khoản lỗ của Tổng công ty, ông Năng trình bày rằng, biên bản xác minh của CQĐT thể hiện trong năm 2014, công ty mẹ hoạt động kinh doanh lỗ trước thuế là hơn 873 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong tổng số tiền lỗ hơn 873 tỉ đồng này thì có đến hơn 824 tỉ đồng tiền lỗ là do hệ luỵ của thời kỳ trước và các nguyên nhân khách quan (chiếm tỉ lệ hơn 94 %).

“Vấn đề này được thể hiện rõ tại biên bản giám sát tài chính năm 2015 của Bộ NN&PTNT và Báo cáo số 308/TCTKT-BC của phòng Tài chính Kế toán Tổng công ty về việc phân tích nguyên nhân lỗ lũy kế đến thời điểm 31.3.2015. Những nguyên nhân và hệ lụy này cũng được khẳng định trong Thông báo kết luận số 155/TB-VPCP ngày 27.4.2015 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận Thanh tra số 2734/KL-TTCP ngày 25.9.2015 Thanh tra Chính phủ”, đơn của ông Năng thể hiện.

Như vậy, tổng các khoản lỗ do hệ luỵ từ thời kỳ trước để lại và do các nguyên nhân khách quan là hơn 824 tỉ đồng. Nếu như trừ đi con số hơn 824 tỉ đồng này thì vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2014 sẽ còn lại khoảng 3.600 tỉ đồng. Ông Năng trình bày: “Con số khi tôi bàn giao tại thời điểm nghỉ hưu là gần 3.900 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, tôi không làm giảm vốn chủ sở hữu như kết luận điều tra đã quy kết. Mà trái lại, dưới thời tôi làm Tổng giám đốc, tôi đã góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu chính xác từ 3.632.177.859.317 đồng lên 3.895.168.231.657 đồng”.

Năm 2015, ông Huỳnh Thế Năng tiếp tục có công văn về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn ở Công ty Lương thực Trà Vinh - Ảnh: Thanh Nguyên

Về việc CQĐT nhận định ông Năng thiếu chỉ đạo sâu sát đối với công tác kiểm kê, giao khoán cho Công ty Kiểm toán độc lập AASC, theo ông là hoàn toàn không có cơ sở. Ông khẳng định đã thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của Tổng giám đốc trong công tác kiểm kê. Theo đó, trong 3 năm tại vị, ông đã ban hành 3 quyết định về việc thành lập ban chỉ đạo kiểm kê theo đúng quy định.

Ông Năng cũng cho biết hoàn toàn không có việc Tổng công ty giao khoán trách nhiệm kiểm kê tài sản cho AASC. Bởi lẽ trách nhiệm tổ chức công tác kiểm tra tài sản tại Tổng công ty và các đơn vị phụ thuộc là thuộc về ban chỉ đạo kiểm kê mà ông đã thành lập vào cuối mỗi năm. Còn riêng năm 2014, sở dĩ có việc ông thuê Công ty kiểm toán AASC tham gia chứng kiến kiểm kê và hướng dẫn kiểm kê là xuất phát từ việc đây là năm đầu tiên ông về công ty nên muốn công tác kiểm kê được thực hiện một cách thận trọng và chính xác nhất.

Từ những nội dung phân tích trên, ông Huỳnh Thế Năng cho rằng, trong suốt khoảng thời gian nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc Vinafood 2 (từ tháng 4.2014 đến tháng 9.2017), ông đã thực hiện đúng và đầy đủ mọi chức trách, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, theo kết luận điều tra thì sai phạm tại Công ty Lương thực Trà Vinh đã khởi phát từ năm 2012 tức là thời điểm trước khi ông Năng về nhận nhiệm vụ.

“Những hành vi mà CQĐT đã dùng làm căn cứ quy kết trách nhiệm đối với tôi là chưa chính xác, nhiều nội dung mang tính quy buộc, khiên cưỡng. Đồng thời CQĐT cũng chưa làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân, tổ chức có liên quan. Tôi đề nghị CQĐT, Viện KSND tối cao xem xét, quyết định trả hồ sơ để nhằm làm rõ các vấn để mang tính bản chất của vụ án”, ông Năng trình bày.

Một Thế Giới sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!

Thanh Nguyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu Tổng giám đốc Vinafood 2 khiếu nại vì bị quy tội làm thất thoát hàng trăm tỉ đồng