Ông Lâm Văn Bảng (sinh năm 1943) ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội - cựu tù binh ở trại giam Phú Quốc và đang là Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu được thành phố Hà Nội đề cử danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú 2014” cho những đóng góp to lớn của ông trong cả thời chiến và thời bình. 

Cựu tù Phú Quốc sưu tầm 4.000 hiện vật chiến tranh

Một Thế Giới | 09/10/2014, 18:20

Ông Lâm Văn Bảng (sinh năm 1943) ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội - cựu tù binh ở trại giam Phú Quốc và đang là Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu được thành phố Hà Nội đề cử danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú 2014” cho những đóng góp to lớn của ông trong cả thời chiến và thời bình. 

Ký ức về một thời máu lửa 

Ông Lâm Văn Bảng sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo ở vùng đất Phú Xuyên, Hà Tây cũ. Học hết lớp 7, ông nghỉ học và đi làm công nhân. Đến năm 1965, ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ông cùng các đồng đội của mình ở Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 hành quân từ Hòa Bình vào Tây Ninh, sau đó biên chế vào Đại đội 16, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9.

Năm 1968, ông Bảng tham gia chiến dịch Mậu Thân và chiến đấu ở chiến trường Sài Gòn. Trong một trận chiến đấu ác liệt, ông bị thương nặng, gãy cả chân và tay, được đồng đội kéo xuống hố bom ẩn nấp. Khi quân địch đi càn, ông bị phát hiện và bị bắt giam về Biên Hòa (Đồng Nai).

Suốt khoảng thời gian bị địch bắt ấy, ông bị đẩy hết từ nhà tù này sang nhà tù khác, chịu nhiều trận đòn tra tấn dã man nhưng không hề chùn bước. Ông liên tục tổ chức những hoạt động chống đối quân thù âm thầm trong tù. Bại lộ, ông bị địch đày ra đảo Phú Quốc.
Cuu tu Phu Quoc suu tam 4.000 hien vat chien tranh
Mô hình toàn cảnh trai giam Phú Quốc, nơi được coi là địa ngục trần gian được tái hiện tại bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày của ông Bảng.
Bị giam ở đây 4 năm trời, bản thân ông đã từng hứng chịu và chứng kiến những nhục hình tra tấn tù binh dã man như thời Trung cổ.

Ông Bảng kể: Có những buồng biệt giam rộng chừng 27m2 nhưng địch nhốt đến 180 chiến sĩ cách mạng. Anh em phải thay nhau, kẻ đứng người ngồi vì không đủ chỗ. Nhiều người bị tra tấn dã man, thương tích nặng, chết luôn trong phòng giam chật chội ấy.

Rồi hằng ngày đi điểm danh, mỗi lần nhắc đến tên ai là cai ngục, giám thị lại dùng dùi cui gõ mạnh vào đầu. Vết thương hôm trước chưa kịp lành đến hôm sau lại rỉ máu. Nhiều người còn bị đánh đến liệt toàn thân, chỉ nằm một chỗ chờ chết. Đêm đêm, nằm kêu rên thảm thiết do bị chuột bọ vào gặm nhấm, ăn thịt cơ thể.

Rồi những màn tra tấn man rợ như nhốt vào chuồng cọp phơi nắng phơi mưa, nhổ răng, móc mắt, đóng đinh vào cơ thể, vứt vào chảo nước đun sôi… tất cả những nhục hình ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của người cựu tù binh Phú Quốc.

Lập bảo tàng để tri ân các đồng đội

Đến năm 1973, ông Bảng và các tù binh còn sống sót tại trại giam Phú Quốc được trao trả tự do theo Hiệp định Paris. Bị thương tật, mất 81% sức khỏe, ông trở về quê nhà và được bổ nhiệm làm Phó ban liên lạc tù binh Việt Nam.

Năm tháng trôi qua, hòa bình được lập lại nhưng những ký ức kinh hoàng về những màn tra tấn của địch ở trại giam Phú Quốc luôn hành hạ tâm trí ông. Những trận đòn roi, những tiếng kêu rên, hình ảnh đồng đội đau đớn, quằn quại trên những vũng máu…luôn thôi thúc ông phải làm gì đó để tri ân các đồng đội đã ngã xuống.

Từ đó, ý tưởng thành lập một khu lưu giữ những kỷ vật thời chiến tranh được hình thành. Nghĩ là làm, ông đi khắp nơi để tìm kiếm, sưu tầm, thậm chí là mua lại những cổ vật gắn với thời kỳ chiến tranh. Và đến năm 1985, ông Bảng đã dành ngôi nhà 2 tầng cũng toàn bộ khu đất rộng 2000m2 của dòng họ để lập nên một “Phòng truyền thống chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày”. Đến năm 2006, Phòng truyền thống của ông được Sở Văn hóa Thông tin - UBND huyện Phú Xuyên công nhận là “Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” với hơn 3.000 hiện vật.
Cuu tu Phu Quoc suu tam 4.000 hien vat chien tranh
 Không gian Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Phú Quốc.
Tuy nhiên, để có được một bảo tàng như bây giờ, ông Bảng đã phải trải qua muôn vàn khó khăn. Ông còn nhớ như in những lần lặn lội đường dài, ra Bắc vào Nam để tìm kiếm những kỷ vật. Là thương binh hạng ¼ cộng với tuổi cao, sức khỏe giảm sút nên việc trèo đèo lội suối là không hề dễ dàng với ông. Nhiều lần đi tìm kỷ vật, có khi ông và các đồng đội phải nhịn đói, nhịn khát mà đi vì những đồng lương hưu ít ỏi không thể đủ chi trả cho những chuyến đi dài và xa liên tục.

Hay việc ông phải gửi hàng ngàn lá thư đến những gia đình thân nhân liệt sĩ, các cá nhân cựu chiến binh từng sống và chiến đấu cùng thời với mình để mong sưu tầm được những kỷ vật về cho bảo tàng. Nếu may mắn, những kỷ vật được các gia đình gửi về còn nếu không, ông phải tự tìm đến.

Một kỷ vật mà ông rất nhớ, đó là lá cờ Đảng sưu tầm được của cựu chiến binh Nguyễn Văn Dư (Thanh Oai, Hà Nội). Ông chia sẻ: “Để có được lá cờ ấy, tôi phải đạp xe đi đi lại lại không dưới 10 lần để thuyết phục người cựu chiến binh ấy. Với ông ấy, lá cờ Đảng là vận mệnh chính trị mà cả cuộc đời ông tâm huyết. Nó được coi là vật gia bảo của gia đình, kỷ niệm chiến tranh sâu sắc mà ông ấy không muốn trao cho ai. Nhưng khi biết tâm nguyện của tôi, ông ấy đã giao lại. Khi trao lá cờ cho tôi, ông ấy đã khóc”.

Hàng ngày, ông cùng với 15 cựu chiến binh khác trong vùng thay phiên nhau lau dọn và mở cửa đón du khách đến thăm quan miễn phí bảo tàng. Và hễ có thông tin ở đâu có kỷ vật là các ông lại sẵn sàng lên đường ngay.

Với những đóng góp to lớn trong cả thời chiến và thời bình, ông Lâm Văn Bảng đã từng được Bộ GTVT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thành ủy Hà Nội tặng bằng khen; Bộ trưởng Bộ Công an trao tặng Huy chương Vì an ninh Tổ quốc; UBND TP.Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, Việc tốt” tiêu biểu năm 2013... và đến năm nay, ông vinh dự được vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Triệu Quang
Bài liên quan
Nâng tầm dịch vụ y tế tại Phú Quốc với Bệnh viện quốc tế Mặt trời do Sun Group đầu tư xây dựng
Sáng 16.11, tại phường An Thới, thành phố Phú Quốc, Tập đoàn Sun Group đã tổ chức Lễ khởi động dự án Bệnh viện Mặt trời Phú Quốc - Sun Serenia Hospital.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu tù Phú Quốc sưu tầm 4.000 hiện vật chiến tranh