Tại 25 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng các chính sách hỗ trợ là trên 11,77 nghìn tỉ đồng (chiếm 75,1% toàn quốc) cho hơn 11,86 triệu người. Riêng TP.HCM đã chi trên 5.992 tỉ đồng hỗ trợ gần 5,6 triệu người.

Đã chi trả hỗ trợ gần 15,8 nghìn tỉ đồng theo Nghị quyết 68

Hoài Lam | 04/10/2021, 19:35

Tại 25 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng các chính sách hỗ trợ là trên 11,77 nghìn tỉ đồng (chiếm 75,1% toàn quốc) cho hơn 11,86 triệu người. Riêng TP.HCM đã chi trên 5.992 tỉ đồng hỗ trợ gần 5,6 triệu người.

Theo báo cáo từ Sở LĐTB-XH của 63 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí đã hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 là gần 15,8 nghìn tỉ đồng; trên 19 triệu lượt đối tượng (trong đó gồm 379.610 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 18,68 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác) đã được thụ hưởng.

Tại 25 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng các chính sách hỗ trợ là trên 11,77 nghìn tỉ đồng (chiếm 75,1% toàn quốc) hỗ trợ trên 11,86 triệu người (chiếm 62,4% toàn quốc). Riêng TP.HCM đã chi trên 5.992 tỉ đồng hỗ trợ gần 5,6 triệu người.

Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Hà Nội (1.473 tỉ đồng), Bình Dương (1.436 tỉ đồng), Bà Rịa-Vũng Tàu (793,7 tỉ đồng), Đồng Nai (780,2 tỉ đồng), Bắc Giang (463 tỉ đồng), Bắc Ninh (224,5 tỉ đồng).

ho-tro.jpg
Hỗ trợ gần 15,8 nghìn tỉ đồng theo Nghị quyết 68

Tổng kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm là gần 5,1 nghìn tỉ đồng (chiếm 30,6% kinh phí dự kiến chính sách về bảo hiểm của Nghị quyết 68), hỗ trợ cho 378.690 đơn vị sử dụng lao động và trên 11,57 triệu người lao động.

Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho 378.060 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,46 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7.2021 đến hết tháng 6.2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỉ đồng.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện tại 54/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số 630 đơn vị sử dụng lao động và 113.444 người lao động, tổng kinh phí 777 tỉ đồng (chiếm 9,2% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này).

Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, có 17 đơn vị sử dụng lao động đã đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 1.308 người lao động.

Đối với nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền là trên 10,2 nghìn tỉ đồng (nếu không tính kinh phí hỗ trợ lao động tự do và các đối tượng đặc thù, kinh phí đã chi trả tiền mặt chiếm 59,4% kinh phí dự kiến chính sách hỗ trợ bằng tiền của Nghị quyết 68), hỗ trợ gần 6,98 triệu đối tượng (trong đó trên 82,6% số đối tượng và 85,4% tổng kinh phí được hỗ trợ tại 25 tỉnh, thành phố miền Nam).

Cũng theo báo cáo, 315.110 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 60/63 tỉnh, thành phố trong cả nước được hỗ trợ với tổng số tiền trên 961,4 tỉ đồng (chiếm 129,6% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này).

Ngoài ra, có 62.260 người lao động ngừng việc tại 47/63 tỉnh, thành phố được hỗ trợ gần 88,5 tỉ đồng (chiếm 79,5% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này); 740 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động tại 35/63 tỉnh, thành phố được hỗ trợ trên 2,62 tỉ đồng (chiếm 0,7% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này); 4.045 người lao động mang thai và 79.680 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động nhận được hỗ trợ bổ sung với tổng kinh phí trên 83,7 tỉ đồng.

Báo cáo cũng nêu, có 329.180 F0, F1 đã được hỗ trợ tiền ăn với tổng kinh phí trên 265,6 tỉ đồng và 12.410 trẻ em là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung với mức 1 triệu đồng/trẻ em.

Có 1.380 đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng 4 tại 43/63 tỉnh, thành phố được hỗ trợ kinh phí trên 5,1 tỉ đồng (chiếm 68,8% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này); 4.510 hướng dẫn viên du lịch tại 50/63 tỉnh, thành phố được hỗ trợ kinh phí trên 16,5 tỉ đồng (chiếm 16,7% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này); 128.360 hộ kinh doanh tại 59/63 tỉnh, thành phố được hỗ trợ với kinh phí trên 343 tỷ đồng (chiếm 38% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này).

Về nhóm chính sách cho vay vốn, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, chính sách cho vay vốn để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất đã có hồ sơ của 927 lượt người sử dụng lao động và 132.400 lượt người lao động được phê duyệt với số kinh phí trên 466,4 tỉ đồng; đã giải ngân gần 462 tri đồng (chiếm 6,2% kinh phí dự kiến chính sách về vay vốn của Nghị quyết 68), hỗ trợ 922 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 132.400 lượt người lao động.

Lý giải về việc nhóm chính sách hỗ trợ vay vốn chưa phát huy hiệu quả, theo Bộ LĐTB-XH, chính sách này chưa có nhiều doanh nghiệp đón nhận, doanh nghiệp không mấy mặn mà làm hồ sơ vay vốn.

Các doanh nghiệp cho rằng, việc vay tiền để trả lương cho người lao động không phải là chính sách hỗ trợ tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, thủ tục vay vốn khá chặt chẽ dù đã được cắt giảm khá nhiều cũng khiến các doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận chính sách hỗ trợ này.

Do vậy, tại tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 68, Bộ LĐTB-XH đã đề nghị Chính phủ xem xét lược bỏ điều kiện về nợ xấu để tạo điều kiện cho người sử dụng lao động tiếp cận chính sách và đạt mục tiêu đề ra; góp phần hỗ trợ bảo đảm đời sống người lao động, hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đã chi trả hỗ trợ gần 15,8 nghìn tỉ đồng theo Nghị quyết 68