Hiện đã có 7/9 quốc gia và vùng lãnh thổ cơ bản thống nhất đề nghị của Việt Nam về kế hoạch nối lại đường bay quốc tế thường lệ chở khách, theo Cục Hàng không Việt Nam.

Đã mở lại đường bay quốc tế thường lệ tới 7 quốc gia, vùng lãnh thổ

P.V | 11/01/2022, 15:15

Hiện đã có 7/9 quốc gia và vùng lãnh thổ cơ bản thống nhất đề nghị của Việt Nam về kế hoạch nối lại đường bay quốc tế thường lệ chở khách, theo Cục Hàng không Việt Nam.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Campuchia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là những quốc gia, vùng lãnh thổ về cơ bản thống nhất đề nghị của Việt Nam về kế hoạch nối lại đường bay quốc tế thường lệ. Trong đó, đáng chú ý là phía Hàn Quốc, dù cơ bản thống nhất với đề nghị của Việt Nam về việc khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên nhưng nhà chức trách hàng không Hàn Quốc cho biết do quy định phòng chống dịch, nước này vẫn đang hạn chế chuyến bay chở khách đến. Vì vậy, tần suất chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam chiều Việt Nam - Hàn Quốc bị hạn chế, chỉ được cấp 2 chuyến/tuần trong khi hãng hàng không Hàn Quốc được phép khai thác 21 chuyến/tuần.

Vietnam Airlines cũng đang nỗ lực khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ.

Hiện tại hãng đã mở lại đường bay thương mại thường lệ chở khách vào Việt Nam từ 7 thị trường là Mỹ (4 chuyến/tuần), Nhật Bản (3 chuyến/tuần), Hàn Quốc (2 chuyến/tuần), Đài Loan (Trung Quốc - 1 chuyến/tuần), Singapore (2 chuyến/tuần), Thái Lan (2 chuyến/tuần), Campuchia (4 chuyến/tuần). Hãng cũng mong muốn sớm mở lại các đường bay quốc tế đến Australia và để phục vụ nhu cầu về quê đón tết của kiều bào.

Vietjet Air đã khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ tới Nhật Bản với tần suất 1 chuyến/tuần và dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới.

Báo cáo Chính phủ về việc khôi phục đường bay quốc tế, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ Giao thông Vận tải nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các hãng hàng không trong nước và nước ngoài kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế xem xét dỡ bỏ quy định về việc xét nghiệm nhanh COVID-19 trước và sau khi lên tàu bay.

Theo các hãng hàng không, một số sân bay nước ngoài không bố trí cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhanh trước chuyến bay và chi phí phát sinh cho hành khách từ việc xét nghiệm nhanh ở một số sân bay rất cao. Tại Nhật Bản, chi phí này lên tới 270 USD/lần xét nghiệm.

duonbay.jpg
Việt Nam đã mở lại đường bay quốc tế thường lệ tới 7 quốc gia, vùng lãnh thổ - Ảnh: Internet

Ngoài ra, việc chưa có hướng dẫn cụ thể về xét nghiệm nhanh COVID-19 như quy định về thời gian thực hiện xét nghiệm trước khi lên tàu bay, thẩm quyền tổ chức xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm, hình thức thanh toán chi phí... dẫn đến khó khăn cho các hãng hàng không khi triển khai cũng như thực hiện thu phí xét nghiệm do đây không phải là chức năng của các hãng hàng không.

Bên cạnh đó, việc thực hiện xét nghiệm nhanh đối với hành khách sau khi hạ cánh tại các cảng hàng không khi tần suất các chuyến bay quốc tế thường lệ tăng cao có thể dẫn đến ùn ứ tại các cảng hàng không và làm nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao.

Từ đây, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ xem xét cho phép áp dụng thống nhất quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trước chuyến bay theo thông lệ quốc tế như các quốc gia/vùng lãnh thổ đối tác đang áp dụng trong thời gian qua (không phải thực hiện xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống tàu bay).

Trong trường hợp vẫn cần duy trì quy định xét nghiệm nhanh, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị chỉ xét nghiệm nhanh 1 lần đối với hành khách và phi hành đoàn sau khi hạ cánh và giao Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về cách thức, thời gian, cơ quan thực hiện, cơ chế công nhận kết quả xét nghiệm nhanh cũng như thủ tục thanh toán chi phí đối với hành khách nhập cảnh trên các chuyến bay quốc tế.

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ giao Bộ Công an ban hành và phổ biến ngay Hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài, trong đó xem xét trường hợp người mang quốc tịch nước ngoài là thân nhân của người Việt Nam nhập cảnh dịp Tết Nguyên đán; phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao nghiên cứu xây dựng website bằng tiếng Anh và tiếng Việt để người nước ngoài, các hãng hàng không nước ngoài, tổ chức nước ngoài có thể tra cứu, tìm hiểu thông tin về các quy định y tế, thủ tục cấp thị thực xuất nhập cảnh của Việt Nam do đây là những vấn đề nổi cộm mà các đối tượng này quan tâm nhất trong thời gian qua.

Trước đó, Vietnam Airlines đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Bộ Ngoại giao xem xét ban hành và phổ biến rộng rãi quy định về thủ tục xin cấp thị thực, giấy chấp thuận nhập cảnh đối với người nước ngoài và xem xét miễn thủ tục này đối với người gốc Việt ở nước ngoài.

Số liệu thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong 7 ngày đầu khôi phục trở lại chuyến bay quốc tế thường lệ, có tổng cộng 64 chuyến bay chở khách đến Việt Nam, chở 7.847 khách nhập cảnh Việt Nam.

Trong số này, có 18 chuyến bay thương mại, 25 chuyến bay combo và 21 chuyến chở chuyên gia, khách du lịch.

Cục Hàng không Việt Nam mới đây cũng tiếp tục có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải về giải pháp giảm ùn tắc tại sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Bài liên quan
Vietnam Airlines điều chỉnh đường bay qua Trung Đông
Hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ điều chỉnh các chuyến bay thường lệ giữa Hà Nội, TP.HCM và châu Âu tránh xa không phận khu vực xung đột tại Trung Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đã mở lại đường bay quốc tế thường lệ tới 7 quốc gia, vùng lãnh thổ