Sáng 25.11, trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Pháo, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng cho biết đã đàm phán thành công với nhà thầu Trung Quốc bỏ yêu cầu lao động bản địa phải biết tiếng Trung cơ bản trong hồ sơ dự tuyển vào xây dựng khách sạn JW Marriott.

Đà Nẵng đàm phán với nhà thầu bỏ yêu cầu phải biết tiếng Trung cơ bản

Một Thế Giới | 25/11/2015, 14:46

Sáng 25.11, trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Pháo, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng cho biết đã đàm phán thành công với nhà thầu Trung Quốc bỏ yêu cầu lao động bản địa phải biết tiếng Trung cơ bản trong hồ sơ dự tuyển vào xây dựng khách sạn JW Marriott.

Theo ông Pháo, sau khi Sở LĐ-TB-XH có công văn chỉ đạo Trung tâm phối hợp với Công ty TNHH Sichuan Huashi (nhà thầu TQ xây dựng khách sạn JW Marriott cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores) tham gia tuyển lao động Việt Nam thay thế cho vị trí 300 lao động TQ mà nhà thầu dự định đưa sang, Trung tâm đã tiến hành làm việc nhằm điều hướng một số nội dung với đơn vị thầu.
Ông Pháo thông báo: vào ngày 24.11, hai bên đã đàm phán thành công và đi đến thống nhất không yêu cầu lao động kỹ thuật Việt Nam thay thế vị trí 300 lao động TQ dự kiến đưa sang phải biết tiếng Trung cơ bản trong hồ sơ dự tuyển. Các yêu cầu khác của nhà thầu như năng lực kỹ thuật, kinh nghiệm, sức khỏe, đạo đức phẩm chất tốt… vẫn được giữ nguyên.
Đây là một động thái mới của Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện cho lao động kỹ thuật Việt Nam được dự tuyển, hạn chế được việc nhà thầu đưa lao động TQ sang. Tuy nhiên, ông Pháo cũng nói trước rằng chưa biết nhà thầu có chấp nhận ở các bước tiếp theo hay không. “Chờ đến lúc đó sẽ xem xét xử lý tiếp”, ông Pháo nói.
Riêng với vị trí 350 lao động địa phương, việc tuyển dụng vẫn diễn ra bình thường; trong đó tuyển 300 lao động kỹ thuật, 50 lao động phổ thông.
Da Nang dam phan voi nha thau bo yeu cau tieng Trung co ban-hinh-anh-1
 Sau khi truyền thông và dư luận lên tiếng, mới đây Đà Nẵng mới có động thái ra thông cáo báo chí nói lại là khi nào không tuyển được lao động kỹ thuật Việt Nam mới để cho nhà thầu đưa lao động từ TQ qua xây dựng khách sạn Marriott- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Theo ông Pháo, hiện các đơn vị của thành phố mới chỉ thực hiện bước điều hướng đối với các yêu cầu của nhà thầu và chủ đầu tư. Nhà thầu và Trung tâm Giới thiệu việc làm đã thống nhất vào ngày 10.12 sẽ bắt đầu phỏng vấn tuyển dụng các lao động Việt Nam thay thế vị trí 300 lao động TQ.
Cũng theo ông Pháo, nhà thầu Sichuan Huashi đã gửi cho Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng hai phiếu đăng tuyển dụng (ký ngày 23.11) gồm nội dung: các vị trí công việc tuyển lao động Việt Nam; các vị trí tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển lao động nước ngoài.
Các vị trí tuyển lao động bản địa và lao động nước ngoài tương đương nhau như kỹ thuật lắp đặt cốp pha, kỹ thuật lắp dựng giàn giáo, kỹ thuật giám sát bê tông, kỹ thuật gia công sắt thép, kỹ thuật thi công điện.
Điều khác biệt là vị trí của lao động TQ được ghi yêu cầu là có 5 năm kinh nghiệm làm việc trong từng ngành kỹ thuật trên. Còn yêu cầu đối với vị trí lao động bản địa ghi là trung cấp kỹ thuật hoặc 5 năm kinh nghiệm làm việc trong từng ngành kỹ thuật trên.
Vị giám đốc trung tâm cho hay nhà thầu dự định đưa 300 lao động từ TQ qua nhằm mục đích hướng dẫn và quản lý thi công cho lao động bản địa. “Nếu chỉ đưa hai con số 300 lao động TQ tạm gọi là qua chỉ huy và 350 lao động địa phương làm việc thì đúng là không chấp nhận được. Nhưng thực tế là họ phân kỳ ra, ví dụ mỗi đợt vài tháng có khoảng vài chục lao động kỹ thuật về lắp đặt cốp pha qua hướng dẫn 350 lao động bản địa làm việc này. Sau đó, nhóm này sẽ về và tiếp tục một nhóm kỹ thuật viên gia công sắt thép qua hướng dẫn 350 lao động gia công sắt thép…”.
Lãnh đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng cho biết đây là lần đầu tiên họ phải làm việc tuyển dụng dạng này.
Như báo điện tử Một Thế Giới đã liên tục phản ảnh, ngày 29.10.2015, UBND TP.Đà Nẵng có công văn chấp thuận cho 300 lao động TQ vào xây dựng khách sạn JW Marriott (đường Võ Nguyên Giáp, Q.Ngũ Hành Sơn) dựa trên đề nghị của nhà thầu Trung Quốc là Công ty TNHH Sichuan Huashi Việt Nam (có công ty mẹ ở tỉnh Tứ Xuyên) và Sở LĐ-TB-XH.
Da Nang dam phan voi nha thau bo yeu cau tieng Trung co ban-hinh-anh-2
 Thông báo của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng giao cấp dưới tạo điều kiện cho nhà thầu TQ điều chuyển lao động từ Tứ Xuyên qua.
Trước khi TP.Đà Nẵng chính thức đồng ý, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores, chủ đầu tư khách sạn JW Marriott đã có văn bản gửi riêng Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đề nghị tạo điều kiện cho chủ thầu đưa 300 lao động TQ qua. Sau đó, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng đã có thống báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Đà Nẵng xuống Sở LĐ-TB-XH là: “Giao cho Sở LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất UBND thành phố xử lý trên tinh thần tạo điều kiện cho Công ty TNHH Shichuan Huashi Việt Nam điều chuyển nội bộ số cán bộ kỹ thuật và công nhân tay nghề cao là người nước ngoài từ công ty mẹ sang Đà Nẵng hỗ trợ hoàn thành công trình khách sạn JW Marriott. Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp quản lý lao động và người nước ngoài trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Cả chủ đầu tư và nhà thầu khi gửi yêu cầu lên thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện cho 300 lao động từ Tứ Xuyên qua đều viện lý do đẩy nhanh tiến độ để ‘đưa khách sạn JW Marriott vào hoạt động năm 2017 nhằm đáp ứng nhu cầu buồng phòng khách sạn 5 sao và khu hội nghị cho Hội nghị APEC 2017 dự kiến được tổ chức tại TP.Đà Nẵng.
Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí phát đi ngày 24.11, UBND TP.Đà Nẵng đều bỏ qua những yếu tố khúc mắc này.
Ngược lại, cả văn bản báo cáo Thủ tướng (ký ngày 23.11) và thông cáo báo chí đều khẳng định thành phố làm "đúng quy trình" và đúng luật. Thông cáo có nội dung mới là "việc tuyển dụng lao động là người nước ngoài của Công ty TNHH Sichuan Huashi chỉ được tiến hành sau khi Trung tâm Dịch vụ việc làm không tuyển đủ được lao động là người trong nước cho các vị trí việc làm theo đăng ký.
Việc cấp phép cho lao động nước ngoài (Trung Quốc) chỉ thực hiện đối với các vị trí việc làm theo đăng ký không có lao động là người trong nước đảm nhận sau tuyển dụng và mỗi đợt tuyển dụng không được tuyển quá số lượng lao động đã đăng ký; lao động của đợt tuyển dụng tiếp theo chỉ được xem xét sau khi toàn bộ số lao động của đợt trước đã xuất cảnh ra khỏi Việt Nam".
Lê Đình Dũng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là tài nguyên vô tận
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, KH-CN, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn và có thể xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đà Nẵng đàm phán với nhà thầu bỏ yêu cầu phải biết tiếng Trung cơ bản